Masan (MNS) đặt kế hoạch doanh thu tăng hai chữ số, SSI Research nói mục tiêu 'khá lạc quan'

Trang Mai 15:50 | 23/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo thường niên 2022 vừa công bố, CTCP Tập đoàn Masan (mã: MSN) đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cùng tăng trưởng so với kết quả thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, nhóm phân tích của chứng khoán SSI Research cho rằng kế hoạch này khá lạc quan giữa bối cảnh lạm phát còn hiện hữu.

Masan dự kiến doanh thu có thể đạt 100.000 tỷ trong năm nay

Năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của Masan giảm 14% so với năm trước, đạt 76.189 tỷ đồng, thấp hơn so với mục tiêu Đại hội đồng cổ đông thường niên đề ra là 90.000-100.000 tỷ đồng. Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới việc sụt giảm doanh thu là do Masan chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi của Masan MeatLife (mã: MML) từ 1/12/2021, thêm vào đó là hiệu ứng tích trữ hàng tiêu dùng trong dịch bệnh năm 2021 và tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng năm 2022. 

Nếu không bao gồm lợi nhuận thu được từ việc tách mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho Cổ đông ở mảng kinh doanh chính đạt 3.852 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Về bảng cân đối kế toán hợp nhất của MSN, tại ngày 31/12/2022, tổng nợ tài chính tăng 22% lên 70.993 tỷ đồng. Việc tăng nợ chủ yếu là để mua lại Trusting Social, Phúc Long Heritage và Nyobolt trong năm 2022, cũng như trang trải chi phí đầu tư CAPEX (chi phí đầu tư, nâng cấp và duy trì tài sản cố định như nhà xưởng, máy móc, thiết bị...).

Tính từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE), Masan đã huy động được gần 4,5 tỷ USD nguồn vốn dài hạn để đầu tư vào các dự án chiến lược như: Vinacafé Biên Hòa, Nước khoáng Vĩnh Hảo, nhà máy bia, Công ty Thực phẩm Dinh dưỡng Sài Gòn, các công ty thức ăn chăn nuôi của Masan MEATLife, Nước khoáng Quảng Ninh, VISSAN, CTCP Bột giặt Net,...

Mảng bán lẻ tiêu dùng là động lực tăng trưởng cho năm 2023

 

Trong năm tài chính 2023, Masan Group dự kiến doanh thu thuần hợp nhất sẽ từ 90.000 – 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% - 31% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 4-5.000 tỷ đồng, tăng từ 4% đến 30%. 

The CrownX (TCX) vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính của Masan với kỳ vọng đóng góp hơn 70% vào doanh thu thuần năm 2023. Trong đó, WinCommerce (WCM) dự kiến sẽ mang lại doanh thu thuần trong khoảng 36.000 – 40.500 tỷ đồng, tăng 16% - 29% so với năm trước, nhờ tăng trưởng doanh thu tại các cửa hàng hiện có và mở rộng số lượng cửa hàng.

Wincommerce vận hành 3.268 minimart tính đến cuối năm 2022, so với 2.619 cửa hàng mini so với cùng kỳ năm 2021. Ban điều hành đặt mục tiêu mở rộng thêm khoảng 800-1.200 số lượng địa điểm cửa hàng mini vào năm 2023.

Doanh thu thuần của Masan Consumer Holdings (MCH) dự kiến đạt từ 30.500 – 33.500 tỷ đồng, tăng 15%-30% so với doanh thu năm 2022 (không bao gồm doanh thu thịt chế biến), nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh trong mảng kinh doanh thực phẩm tiện lợi, đồ uống, chăm sóc cá nhân và gia đình và tăng tỷ lệ thâm nhập vào các khu vực địa lý còn ít hoạt động.

Phúc Long Heritage (PLH) dự kiến sẽ đạt doanh thu từ 2.500 – 3.000 tỷ đồng vào năm 2023, nhờ vào nhiều cửa hàng đại diện được khai trương, triển khai tích hợp khách hàng thân thiết vào tư cách thành viên WIN của Masan và tăng cường đổi mới thực đơn trong 6 tháng cuối năm 2023.

Các mảng thịt sạch Masan MeatLife, khoáng sản (Masan High-Tech Materials) và ngân hàng (Techcombank) cũng được Masan đặt mục tiêu tăng trưởng dương trong năm 2023.

 Cấu trúc Tập đoàn Masan. Ảnh: MSN

6 tháng đầu năm là giai đoạn rất khó khăn

Chia sẻ thêm về tình hình vĩ mô có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, Masan dự đoán 6 tháng đầu năm là giai đoạn rất khó khăn khi lạm phát, lãi suất và rủi ro suy thoái vẫn ở mức cao. Những làn sóng vĩ mô làm giảm tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như tạm thời làm chậm lại các động lực tăng trưởng của Masan, chẳng hạn như cao cấp hóa và chuyển đổi từ bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại.

Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, Masan kỳ vọng nền kinh tế phục hồi trở lại nhờ vào lãi suất thấp hơn, vốn FDI giải ngân cao hơn, khách du lịch quốc tế nhiều hơn và đầu tư của khu vực công tăng cao.

Về dài hạn, doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng đầu ngành nhận định, mức tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ bộ phận người tiêu dùng trẻ, thuộc tầng lớp trung lưu và thành thạo công nghệ. Bộ phận người tiêu dùng này đang thúc đẩy tạo ra những hành vi mới với sản phẩm, địa điểm và cách thức mua sắm hàng hóa của mình.

Cụ thể, ba xu hướng lớn đang thay đổi bối cảnh nhu cầu tiêu dùng: Cao cấp hóa sản phẩm và dịch vụ - hàng hóa tiêu dùng; đẩy mạnh chuyển đổi từ bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại - nơi mua sắm; tiếp cận sản phẩm và dịch vụ đa kênh - cách thức tiếp cận hàng hóa.

 SSI: Kế hoạch kinh doanh của Masan năm 2023 khá lạc quan

Trong dự phóng đầu tháng 3, nhóm phân tích của chứng khoán SSI Research cho rằng tất cả các mảng kinh doanh của MSN đã và sẽ bị ảnh hưởng bởi các thách thức vĩ mô. Trong đó nổi bật là việc người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay cao sẽ là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận trong suốt năm 2023 nếu doanh nghiệp không có giải pháp cải thiện.

Nhận định về kế hoạch kinh doanh của Masan trong năm 2023, chuyên gia từ SSI cho rằng mục tiêu này là khá lạc quan trong bối cảnh lạm phát vẫn còn hiện hữu. Đơn vị này dự phóng thận trọng tập đoàn sẽ đạt 86.800 tỷ đồng doanh thu và 4.356 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm hơn 8% so với kết quả năm 2022.