Lần thứ 2 GDP Việt Nam tiếp tục đạt mức 7%

21:20 | 27/12/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Năm 2019, lần thứ 2 liên tiếp GDP cả nước đạt trên 7%. Đây là một kết quả ấn tượng, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6-6,8%.

Thông tin này được ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết tại buổi họp báo Công bố kinh tế - xã hội quý IV và năm 2019, diễn ra chiều 27/12, do Tổng cục Thống kê tổ chức.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7,02%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011. GDP năm 2019 đạt kết quả ấn tượng, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6-6,8%. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011-2017.

Lần thứ 2 GDP Việt Nam tiếp tục đạt mức 7% - ảnh 1
 ng Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê.
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua. Công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ thị trường đóng vai trò động lực phát triển kinh tế đất nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động tăng lên...
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2019 ước tính tăng 6,97% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,62%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,92% và khu vực dịch vụ tăng 8,09%. Về sử dụng GDP quý IV/2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,29% so với cùng kỳ năm trước. Tích lũy tài sản tăng 8,28%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,05%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,71%.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%. Khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%. Về sử dụng GDP năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,23% so với năm 2018. Tích lũy tài sản tăng 7,91%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,71%. Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,35%.
Còn trong mức tăng trưởng 8,9% của khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2019 duy trì mức tăng trưởng cao với 8,86%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng với mức tăng 11,29%.
Ngành công nghiệp khai khoáng tăng nhẹ 1,29% sau 3 năm giảm liên tục nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô. Ngành xây dựng duy trì đà tăng trưởng tích cực với tốc độ 9,1%. Khu vực dịch vụ năm 2019 tăng 7,3%, trong đó tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ thị trường đạt 8,41%, cao hơn tốc độ tăng 7,02% của GDP…
Nhìn chung, hoạt động thương mại, dịch vụ của cả nước năm 2019 tiếp tục phát triển ổn định và tăng trưởng khá. Lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 tăng cao 11,8% so với năm trước, mức tăng cao nhất giai đoạn 2016 - 2019.
Lần thứ 2 GDP Việt Nam tiếp tục đạt mức 7% - ảnh 2
 Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm 2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 đạt mức tăng trưởng thấp do hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng, ngành chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu. Tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 đạt 2,01%, chỉ cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016 trong giai đoạn 2011-2019. Ngành nông nghiệp đạt mức tăng thấp 0,61%, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2019; ngành lâm nghiệp tăng 4,98%. Điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,3% do sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt khá.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng nhấn mạnh đến chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế được cải thiện. Theo đó, tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển theo chiều sâu, tỉ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015.
Trong khi đó, độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, năm 2019 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP đạt 210,4%, điều này chứng tỏ Việt Nam khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước, đồng thời tranh thủ được thị trường thế giới.
Cơ cấu kinh tế năm 2019 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 13,96% GDP (giảm 0,72 điểm phần trăm so với năm 2018). Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49% (tăng 0,26 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ chiếm 41,64% (tăng 0,52 điểm phần trăm). Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91% (cơ cấu tương ứng của năm 2018 là 14,68%; 34,23%; 41,12%; 9,97%).
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu khác cũng cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Theo báo cáo của Nikkei, tâm lý kinh doanh vẫn rất lạc quan khi chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Việt Nam trong 11 tháng năm 2019 luôn duy trì mức trên 50 điểm - mức cao hơn nhiều nước trong khu vực, đứng ở nhóm quốc gia có chỉ số PMI cao của thế giới.
Từ kết quả ấn tượng trên, Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, bước sang năm 2020, kinh tế Việt Nam cần nhận diện những cơ hội cũng như những thách thức để có bước đi đúng trong tiến trình “về đích” của giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, Việt Nam cần tập trung vào 6 nhóm động lực có tính nền tảng cho tăng trưởng kinh tế năm 2020 như: Hoàn thiện thể chế kinh tế; nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nền kinh tế; nâng cao năng suất lao động; tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và coi đô thị hóa là quá trình tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.