Lo trái phiếu 'nhiều không'

Nguyễn Thị Thùy Dung 11:39 | 23/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Nhưng lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nắn dòng vốn chảy đúng hướng… là bài toán không đơn giản. Vụ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy 9 lô trái phiếu liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong thời gian qua là một ví dụ điển hình.

Nhiều nguy cơ đáng lo hơn cả trái phiếu “3 không”

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) dựa trên công bố từ trang thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), quý I/2022, có tổng cộng 48 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 30.998 tỷ đồng và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.696 tỷ đồng. Như vậy tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường trong quý I đạt 39.694 tỷ đồng. 

Thực tế, trái phiếu doanh nghiệp chiếm vai trò ngày càng quan trọng trong huy động vốn của toàn nền kinh tế. Tại tọa đàm Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới đây, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho hay vốn huy động qua thị trường chứng khoán - bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu - chiếm khoảng 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế hàng năm. Trong đó 22,7% đến từ kênh trái phiếu doanh nghiệp, còn nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm 3,5% còn lại.

Tuy nhiên, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế từ Học viện Tài chính chỉ ra rằng tỷ lệ trái phiếu "3 không" - tức không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán và không tài sản đảm bảo - chiếm tới hơn 30% trong tổng lượng trái phiếu phát hành và chủ yếu rơi vào trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết. Chưa kể, có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu và sử dụng vốn ồ ạt.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Vũ, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh quan ngại bên cạnh trái phiếu “3 không” trên đây, có thể còn có cái "không" thứ 4, thứ 5 khác, như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích…, và chính điều này có thể còn đáng lo hơn việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á thì đề cập đến tình trạng thiếu cơ chế kiểm soát dòng vốn sau phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, mà nguyên nhân chính là do việc phát hành trên cơ sở tự vay và tự trả. Sau khi phát hành xong, các kênh như ngân hàng, công ty chứng khoán tiếp tục phân phối trái phiếu doanh nghiệp thông qua kênh bán lẻ, thậm chí có hiện tượng chào mời cả những nhà đầu tư đã gửi tiết kiệm.

TS. Cấn Văn Lực ước tính trong giai đoạn 2022-2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng mỗi năm cho vốn đầu tư toàn xã hội. Trong số 3,15 triệu tỷ này, vốn Nhà nước ước chỉ chiếm khoảng 25-26%, còn lại là vốn huy động bên ngoài - bao gồm kênh trái phiếu doanh nghiệp. Để đảm bảo dòng vốn lành mạnh chảy vào nền kinh tế trong trung và dài hạn, trước tiên cần lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Sớm “bít lỗ hổng” pháp lý

Tại tọa đàm, ý kiến các chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng lách luật phát hành trái phiếu doanh nghiệp một phần là do kẽ hở trong hành lang pháp lý. Do đó, cần sớm “bít lỗ hổng” để bảo vệ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, duy trì sự lành mạnh của một kênh huy động vốn quan trọng.

Đề xuất các giải pháp lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Phùng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Rating) cho rằng một trong những khâu quan trọng là Nhà nước định hướng quản lý, tiền kiểm; đồng thời minh bạch thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và sự tuân thủ của các chủ thể trên thị trường (nhà phát hành, tổ chức xếp hạng…).

"Trong đó, Nhà nước cần có cơ chế để tạo điều kiện cho chủ thể tham gia thị trường có nhu cầu phát triển, nâng cao văn hoá xếp hạng tín nhiệm. Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh trong thời gian tới, hoạt động đánh giá xếp hạng tín nhiệm cần được thúc đẩy triển khai hơn nữa", ông Phùng Xuân Minh khẳng định.

Cũng đề cập đến tầm quan trọng của xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp, TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM nhấn mạnh: “Muốn phát triển thị trường nợ thì phải nâng lên thành luật”, luật hóa để đặt nặng vai trò trách nhiệm, chuẩn mực, đạo đức trong hành nghề đánh giá tín nhiệm, để nhà đầu tư có thể khiếu nại, khởi kiện đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp đơn vị đánh giá tín nhiệm làm không đúng chuẩn mực.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, rất cần khuyến khích hình thành các hãng xếp hạng tín nhiệm, như ở Singapore, Hàn Quốc…để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, có thể cân nhắc chỉ khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành hoặc bắt buộc xếp hạng tín nhiệm rồi mới được phát hành. Ngoài ra, cũng cần sớm giải quyết, xử lý triệt để những vụ việc trong thời gian qua, công khai minh bạch kết quả để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành và doanh nghiệp.

 

10 giải pháp chính để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo khuyến cáo của chuyên gia:

Thứ nhất, cần xử lý rốt ráo những vụ việc xảy ra trong thời gian qua nhằm tạo niềm tin cho thị trường, cho trái chủ và những người có liên quan (dù không đầu tư trái phiếu).

Thứ hai, cần củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn. Ở bất cứ nước nào, lĩnh vực nào thì pháp lý cũng đi sau thực tế, nếu thấy có vấn đề trên thực tế thì cần điều chỉnh ngay.

Thứ ba, cần nâng cao chất lượng nhà đầu tư. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có tâm lý "bầy đàn", rất nguy hiểm.

Thứ tư, tăng cường quản lý thị trường thứ cấp

Thứ năm, tăng cường giám sát của cơ quan chức năng, theo sát quá trình này.

Thứ sáu, quy định rõ tỉ lệ vốn vay trên vốn sở hữu. Doanh nghiệp có vốn vay lớn so với vốn sở hữu thì chắc chắn sẽ đổ vỡ, như nhiều bài học trên thị trường quốc tế.

Thứ bảy, phát triển thị trường dịch vụ đánh giá tín nhiệm giúp trái chủ đánh giá được rủi ro khi quyết định đầu tư. Hiện Việt Nam chỉ có 2 doanh nghiệp trong lĩnh vực này là quá ít so với nhu cầu thị trường.

Thứ tám, quy định chặt chẽ hơn về thị trường chứng khoán phi tập trung OTC

Thứ chín, tăng cường hậu kiểm việc sử dụng nguồn vốn bảo đảm đúng mục đích.

Cuối cùng, cần sự quyết tâm vào cuộc của tất cả đơn vị, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần soi lại mình thời gian qua làm đúng chưa, chưa đúng thì cần khắc phục. Cơ quan báo chí truyền thông đồng hành với cơ quan chức năng, doanh nghiệp…để lên tiếng báo động, góp phần đưa hành vi vi phạm ra trước pháp luật.

Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng cùng sự ủng hộ, đồng hành của xã hội có thể xây dựng được niềm tin về thị trường vốn nói chung cũng như thị trường trái phiếu nói riêng góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.