Lợi nhuận quý I ngành BĐS tăng 116% nhờ Vinhomes và Vincom Retail

Hiền Minh 10:59 | 05/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo FiinGroup, trong quý I, lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp bất động sản tăng 116% so với cùng kỳ. Song, nếu không tính 2 doanh nghiệp “họ” Vin, lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp còn lại giảm 4%.

Lợi nhuận quý I tăng trưởng 116% nhờ Vinhomes và Vincom Retail

Theo báo cáo Toàn cảnh kế hoạch kinh doanh 2023 mà FiinGroup vừa công bố, tính đến ngày 26/4, đã có gần 700 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết (đại diện khoảng 70% vốn hóa toàn thị trường) công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2023, với tổng lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm nhẹ 3%.

Trong đó, bất động sản là một trong những ngành đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trên nền thấp của năm 2022, với mức tăng dự kiến 9,7%.

Tăng trưởng này chủ yếu đến từ Vincom Retail (tăng 71%) với kỳ vọng tỷ lệ lấp đầy và giá cho thuê ở các trung tâm thương mại hồi phục; và Vinhomes (tăng 3,9%) nhờ bàn giao các sản phẩm ở Ocean Park 1 và 2.

Nhóm có quy mô nhỏ hơn như Nam Long, Khang Điền đưa ra kế hoạch lợi nhuận thận trọng.

FiinGroup cho biết, dự kiến tăng trưởng này chưa tính đến kế hoạch lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đầu ngành khác như Novaland, Phát Đạt và Đất Xanh, hiện gặp áp lực lớn về dòng tiền do hệ lụy từ trái phiếu doanh nghiệp và đang chờ “tháo gỡ” pháp lý cho các dự án bất động sản.

Riêng trong quý I vừa qua, dữ liệu của FiinGroup cho thấy, các doanh nghiệp ngành bất động sản ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng gần 116% so với cùng kỳ.

Nguồn: FiinGroup.

Đây cũng là ngành có mức tăng lợi nhuận mạnh nhất trong danh sách 14 ngành ngân hàng và phi ngân hàng theo thống kê của FiinGroup.

Song, đơn vị này lưu ý rằng mức tăng trưởng cao này chủ yếu đến từ Vinhomes (tăng 152%) và Vincom Retail (171%). Nếu không tính đến hai doanh nghiệp “họ” Vin này, lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp còn lại giảm 4%.

Hoạt động phát hành huy động vốn sẽ trầm lắng trong năm nay

Đối với kế hoạch huy động vốn, tính đến ngày 26/4, đã có 108 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết lên kế hoạch huy động vốn cổ phần với tổng giá trị dự kiến thực hiện trong năm 2023 là 126.400 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với 2 năm gần đây.

Trên thực tế, con số này bao gồm gần 29.300 tỷ đồng kế hoạch phát hành cổ phần của Novaland (chủ yếu phục vụ mục đích cơ cấu nợ vay) và gần 36.000 tỷ đồng kế hoạch phát hành cổ phần của VPBank (để bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài).

Nếu không tính đến kế hoạch phát hành của Novaland và VPBank, tổng giá trị huy động vốn cổ phần của các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết dự kiến trong năm 2023 ước 61.000 tỷ đồng, giảm khoảng 40% so với năm 2022 và 2021.

Nguồn: FiinGroup.

Riêng đối với nhóm bất động sản, nếu không tính đến kế hoạch của Novaland, giá trị huy động vốn cổ phần năm 2023 dự kiến giảm 46%.

Theo FiinGroup, nếu thực hiện thành công phương án huy động vốn cổ phần, đây sẽ là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là ở nhóm có đòn bẩy tài chính cao như bất động sản và xây dựng, trong khi nguồn vốn truyền thống (bao gồm tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu) bị hạn chế.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường chứng khoán hiện rất thấp, bình quân ở mức hơn 10.000 tỷ đồng/phiên (bằng 40% thanh khoản ở giai đoạn cao điểm về phát hành huy động vốn trước đây). Điều này cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư sau giai đoạn điều chỉnh vừa qua và có thể khiến kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành của các doanh nghiệp khó khả thi hơn trong năm nay.

Thị trường BĐS sẽ khó có đột biến trong ngắn hạn

Nhận định về tình hình thị trường bất động sản năm nay, FiinGroup cho rằng, các nút thắt pháp lý trong lĩnh vực bất động sản đang dần được tháo gỡ. Song, với nền lãi suất vay duy trì ở mức cao và các chính sách hỗ trợ cần thời gian để thẩm thấu, tình hình thị trường bất động sản sẽ khó có đột biến trong ngắn hạn.

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới tại TP HCM và vùng phụ cận sụt giảm 59% so với cùng kỳ trong quý I vừa qua. Trong khi đó, lượng tiêu thụ giảm 34% so với cùng kỳ, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp là 63%, thậm chí dao động từ 19% - 38% ở một số giỏ hàng mở bán.

Nguồn: FiinGroup.

Thị trường bất động sản kém sôi động khiến các doanh nghiệp e ngại ra hàng trong khi những vướng mắc pháp lý và hạn chế về dòng tiền là lý do cho việc chậm triển khai nhiều dự án bất động sản.

Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã có tín hiệu tích cực trong tháng 3 với sự trở lại của các nhà phát hành bất động sản với giá trị phát hành khoảng 23.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo FiinGroup, còn quá sớm để cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động trở lại bởi việc phục hồi niềm tin của nhà đầu tư cá nhân không phải chuyện “một sớm, một chiều”.

Ngoài ra, dữ liệu từ FiinRatings cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu ở nhóm bất động sản vẫn còn lớn, trong đó, các doanh nghiệp bất động sản sẽ có 36.200 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào quý II và 35.400 tỷ đồng vào quý III.

Đây là các con số lớn so với tổng quy mô tín dụng phục vụ kinh doanh bất động sản cũng như năng lực tín dụng của doanh nghiệp bất động sản hiện nay.