Mặt hàng thuỷ sản nào hồi phục mạnh nhất trong 5 tháng?

Trang Mai 13:41 | 03/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù không tăng trưởng mạnh như nông và lâm sản, thế nhưng sự phục hồi của nhiều ngành hàng chính như tôm và cá tra đã đem lại những dấu hiệu tích cực cho thuỷ sản trong 5 tháng đầu năm 2024.

Theo báo cáo vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,14 tỷ USD (tăng thêm 4,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm thủy sản đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%.

 

Thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), trong 5 tháng đầu năm, chỉ có 2 mặt hàng có kim ngạch giảm nhẹ là một số loại cá khác và mực, bạch tuộc. Còn lại các mặt hàng chính như tôm, cá tra, cá ngừ... đều có sự tăng trưởng từ 3-25%.

 

Xét về kim ngạch, tôm vẫn là mặt hàng có giá trị cao nhất, với 326 triệu USD trong tháng 5, đưa tổng giá trị xuất khẩu tôm 5 tháng lên hơn 1,3 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ xuất khẩu tăng, nên tôm nguyên liệu tại thị trường trong nước đã tăng như: tôm thẻ loại 50-60 con/kg ở mức 80.667 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg, loại 100 con/kg ở mức 108.333 đồng/kg, tăng 2.600 đồng/kg).

 

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng rất mạnh, với mức tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, đem về 240 triệu USD.

Xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ đạt khoảng 210 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ khởi kiện chống trợ cấp lên ngành tôm Việt Nam vào cuối năm ngoái và đến cuối tháng 3, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố mức thuế sơ bộ vụ kiện này là 2,84%. Thời điểm này các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nước ta vẫn đang kỳ vọng khi tới đây DOC qua Việt Nam phúc thẩm, nếu mức thuế này giảm dưới 2% thì vụ kiện có thể bị hủy bỏ.

“Dù mới có kết quả sơ bộ, nhưng vụ kiện chống trợ cấp tôm nhập khẩu từ 4 nước trong đó có Việt Nam đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ, vì ngay sau khi có kết quả sơ bộ, các nhà nhập khẩu phải đóng tiền đặt cọc khi nhập khẩu tôm”, Vasep thông tin.  

Xuất khẩu tôm sang EU trong 5 tháng đầu năm 2024 xấp xỉ 150 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang các thị trường đơn lẻ chính trong khối đều tăng trưởng 2 con số: xuất khẩu sang Đan Mạch tăng 88%, sang Đức tăng 29%, sang Hà Lan tăng 37%, sang Bỉ tăng 39%.

Với mặt hàng cá tra, kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm ước đạt 755 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023.

 

Thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất trong 5 tháng đầu năm vẫn là Hoa Kỳ, sau đó đến Trung Quốc, tiếp theo là châu Âu và một số thị trường Nam Mỹ khác.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, riêng phile cá tra đông lạnh vẫn là mặt hàng chủ lực của xuất khẩu sang thị trường này. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu philê cá tra đông lạnh sang Hoa Kỳ đạt hơn 120 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 98% tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ.

Trong các sản phẩm cá tra Việt Nam, Hoa Kỳ hiện đang tăng cường nhập khẩu cá tra chế biến, giá trị gia tăng gấp 8,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, cá tra đông lạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ lại giảm sút do nhu cầu của người tiêu dùng giảm.

Với thị trường châu Âu, mặc dù thị trường này sôi động trở lại từ tháng 4 cho đến nay, nhưng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu trong 5 tháng đầu năm 2024 ước chỉ đạt 70 triệu USD, vẫn sụt giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Xét về giá, theo Vasep, giá trung bình xuất khẩu cá tra đã có xu hướng cải thiện dần dần trong 4 tháng đầu năm nay, từ mức thấp 2,4 USD/kg vào tháng 12/2023 đã lên tới 2,9 USD/kg vào tháng 4. Nhìn chung giá cá tra đông lạnh sang Hoa Kỳ 4 tháng đầu năm nay đã tăng khoảng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược với thị trường Hoa Kỳ, cá tra sang Trung Quốc tiếp tục rớt giá. Tới tháng 4, giá đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021, đạt 1,89 USD/kg. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.   

“Kinh tế Trung Quốc đang chững lại khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu, các nhà nhập khẩu buộc phải tập trung vào các mặt hàng giá rẻ hơn, do vậy, cá tra ngày càng có chỗ đứng trên thị trường này. Có giá rẻ hơn hẳn so với các loài cá nội địa của Trung Quốc như cá chép, cá rô phi, cá quả, nên cá tra được người tiêu dùng nước này ưa chuộng, nhất là những gia đình muốn nấu ăn tại nhà. Cá tra cũng là loài được các bà mẹ yêu thích làm thực đơn cho trẻ em vì đặc tính cá trắng, thịt mềm, ít xương và bổ dưỡng…”, Vasep đánh giá.

Xuất khẩu cua ghẹ trong tháng 5 tăng gần 92% đạt trên 26 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, mặt hàng này mang về 101 triệu USD, tăng 84%, cao nhất trong nhóm thuỷ sản chủ yếu nhờ các sản phẩm cua tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng nhập khẩu cua của Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất cua sống, có mức tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam xuất chủ yếu là các thành phẩm cua tuyết: thịt cua tuyết, cua tuyết tách vỏ, càng cua tuyết và một phần nhỏ là cua đồng xay…

Vasep đánh giá, dù chưa có bứt phá mạnh mẽ, nhưng nhìn chung các thị trường lớn đã có tín hiệu hồi phục dần dần về cả nhu cầu và giá nhập khẩu. Theo đó, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đều tăng trưởng dương trong tháng 5 với mức tăng 5-26%, riêng Trung Quốc giảm 8% so với cùng kỳ. Tính tới cuối tháng 5, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu với mức tăng trưởng 13% đạt 635 triệu USD giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chỉ tăng trưởng khiêm tốn 3 – 4% so với cùng kỳ năm 2023.

"Kỳ vọng vấn đề tồn kho và dư cung sẽ giảm dần và có chiều hướng thuận lợi hơn cho các nhà nhập khẩu thủy sản trong nửa cuối năm, khi đó xuất khẩu có thể hồi phục trở lại nếu nút thắt về nguyên liệu hải sản và cả tôm, cá tra được cởi mở”, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Vasep nhận định.