Ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu tăng cao nhất nửa đầu năm 2024?
Vietinbank dẫn đầu nhóm Big4
Tình trạng nợ xấu đang trở thành vấn đề nóng trong ngành ngân hàng, với nhiều ngân hàng công bố tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với đầu năm. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - mã: CTG) cũng không nằm ngoài xu hướng này. VietinBank đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với tình hình nợ xấu gia tăng đột biến và dẫn đầu trong nhóm Big4.
Theo báo cáo tài chính, tính đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ cho vay khách hàng của VietinBank đạt hơn 1,57 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 6,66% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, chất lượng nợ vay của ngân hàng đã suy giảm đáng kể: Tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 tăng mạnh 48% so với đầu năm, lên mức 24.645 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng gia tăng từ 1,12% lên 1,56%.
Cơ cấu nợ xấu của VietinBank như sau: Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 33,33%, đạt 3.344 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ tăng gấp 2,85 lần so với cùng kỳ, lên 13.456 tỷ đồng; Nợ có khả năng mất vốn giảm 17%, xuống còn 7.845 tỷ đồng.
Trong nhóm Big4, Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) ghi nhận tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2024 là 29.274 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng ghi nhận mức tăng đáng kể trong tổng số dư nợ xấu, tăng 28% lên thành 28.687 tỷ đồng so với cuối năm trước. Còn Vietcombank có tỷ lệ nợ xấu tăng 32,0% với 16.446 tỷ đồng so với 12.455 tỷ đồng hồi cuối năm 2023...
Nếu xét về số dư tuyệt đối, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới là nhà băng dẫn đầu với tổng nợ xấu đạt 31.712 tỷ đồng cuối quý II/2024, tăng 11,6% so với cuối năm trước.
Tuy nhiên đây chưa phải những ngân hàng có tốc độ tăng nợ xấu nhanh nhất trong 6 tháng qua. Xét về tốc độ tăng nợ xấu phải kể tới Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) với số dư nợ xấu tăng mạnh đến 65,3% so với thời điểm cuối năm 2023. Bên cạnh đó các nhà băng có tỷ lệ nợ xấu cao còn có Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) tăng 52,3%, Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) tăng 48,6%, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) tăng 47,4%...
Bên canh nhiều ngân hàng báo tỷ lệ nợ xấu tăng thì Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) ghi nhận số dư nợ xấu giảm so với cuối năm 2023. Trong đó, số dư nợ xấu của SHB giảm 2,7% so với đầu năm xuống còn 12.877 tỷ đồng. Nợ xấu của PG Bank giảm 5% so với đầu năm xuống còn 958 tỷ đồng...
Những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao báo lãi ra sao?
Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024 lợi nhuận của VietinBank gần như đi ngang. Nhà băng này báo lãi sau thuế đạt 10.412 tỷ đồng, tăng 3,14% so với cùng kỳ.
Về hoạt động kinh doanh cốt lõi, đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận là thu nhập lãi thuần, đạt 30.513 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước.
Tính đến cuối quý II, tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng 6,66% lên trên 1,57 triệu tỷ đồng, tuy vậy áp lực từ việc giảm lãi suất khiến tổng thu nhập từ lãi cho vay khách hàng giảm đến 9,9%.
Tổng tiền gửi khách hàng đạt gần 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 3,96% so với cùng kỳ, trong khi đó chi phí trả lãi tiền gửi giảm tới 28% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank - mã: BAB) ghi nhận lãi trước thuế trong kỳ đạt hơn 203 tỷ đồng, tăng tới 46% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng cao. Tổng nợ xấu của Bac A Bank tăng từ 915 tỷ đồng vào cuối năm 2023 lên 1.513 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2024. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng lần lượt 41% và 34% so với hồi đầu năm, lên 240 tỷ đồng và 692 tỷ đồng.
Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) của Bac A Bank sau 6 tháng cao gấp 2,5 lần hồi đầu năm, tăng từ 229 tỷ đồng lên 579 tỷ đồng. Kết quả này kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 0,92% hồi đầu năm lên 1,48%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Bac A Bank lãi trước thuế gần 542 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và thực hiện được gần 50% kế hoạch kinh doanh của cả năm (1.100 tỷ đồng).
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của ngân hàng này tăng nhẹ 1% so với đầu năm, lên 154.482 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng tăng 2% YoY lên 102.131 tỷ đồng và tiền gửi khách hàng tăng 1% lên 119.743 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - mã: VAB) cũng đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 và ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 267 tỷ đồng, tăng 28% so với lợi nhuận quý I/2024 là gần 209 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, VietABank ghi nhận thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự là gần 3.503 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ là 4.390 tỷ đồng. Mặc dù, lợi nhuận các khoản thu nhập này giảm, nhưng do nhờ tiết giảm chi phí nên thu nhập lãi thuần của ngân hàng vẫn tăng cao (tăng gần 20% lên 1.052 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước là 878 tỷ đồng), và đặc biệt là khoản lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng hơn 131% lên gần 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước là 43 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổng nợ xấu của VietABank tại thời điểm cuối tháng 6/2024 là 1.675 tỷ đồng, tăng 52% so với mức 1.100 tỷ đồng ở đầu kỳ.
Với Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - mã: LPB) báo lãi gần 6.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng 142% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lợi nhuận trước thuế quý I của ngân hàng này đạt hơn 2.886 tỷ đồng, ước tính lợi nhuận riêng quý II mà LPBank thu được ở mức trên 3.033 tỷ đồng, tăng gấp gần 3,5 lần cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết 30/6, quy mô tổng tài sản của LPBank là 442.926 tỷ đồng, tăng 16% so với thời điểm đầu năm.