Ngành dịch vụ chịu những tác động tiêu cực nhất từ đại dịch COVID-19

07:00 | 11/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là nội dung đáng chú ý trong Cập nhật đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các ngành kinh tế Việt Nam của Tiến sỹ Cấn Văn Lực cùng Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV thực hiện.

Theo đó, đại dịch COVID-19 với hơn 20 tháng bùng phát trên diện rộng của  đã có tác động nghiêm trọng tới mọi hoạt động kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. 

Dù đã nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 thành công cho tới nửa đầu năm 2021 với kết quả là kinh tế dần phục hồi khi GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt mức tăng trưởng khá tích cực là 5,64% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng, đợt bùng phát Covid lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021) đến nay đã gây nên những hậu quả nặng nề nhất đối với kinh tế - xã hội nước ta. Tăng trưởng GDP quý 3/2021 giảm mạnh (-6,17%), đưa mức GDP 9 tháng đầu năm chỉ còn tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng 9 tháng thấp nhất kể từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay. 

Nhiều nhóm ngành chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh. Bản báo cáo đánh giá khu vực dịch vụ chịu thiệt hại nhiều nhất bởi đợt dịch lần này. 

Không hiếm hình ảnh khách sạn, quán cà phê, nhà hàng... phá sản phải trả do nhiều tháng tác động từ dịch COVID-19. Ảnh: VnExpress

Cụ thể, trong quý 3, GDP của khu vực này sụt giảm 9,28% và tính chung 9 tháng giảm 0,69% (trong khi 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng 3,96%).

Đối với lĩnh vực du lịch, vận tải, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại đa số các nước, cũng như tại nhiều địa phương trong nước, nên các hoạt động du lịch, vận tải vẫn rất khó khăn. Tính chung 9 tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế vẫn giảm 97%, khách trong nước giảm 24%; doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành lần lượt giảm 22,1% và 64% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành khác như  bán lẻ, kinh doanh bất động sản (BĐS) vẫn trong xu hướng sụt giảm với mức giảm lần lượt là 3,1% và 0,78% trong 9 tháng đầu năm do dịch Covid-19 vẫn tác động khá rõ nét tới hoạt động bán lẻ, các phân khúc bất động sản như cho thuê mặt bằng bán lẻ, văn phòng, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng… đều vắng khách. Cùng với đó, lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi, giải trí giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bản báo cáo cũng chỉ ra thực trạng đáng báo động về số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động so với cùng kỳ năm 2020. Cao nhất đó là nhóm ngành giáo dục đào tạo khi chứng kiến thêm 41,5% doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh so với năm 2020, tiếp theo đó là Du lịch trong nước, dịch vụ y tế, vận tải kho bãi... 

Có lẽ điểm sáng lớn nhất của khu vực kinh tế dịch vụ chính là một số lĩnh vực công nghệ ghi nhận mức tăng trưởng trong thời dịch như thông tin – truyền thông viễn thông (+5,24%), khoa học – công nghệ (+5,72%), lĩnh vực tài chính-ngân hàng-bảo hiểm (+8,37%). 

Lý do xuất phát từ việc những ngành trên hưởng lợi từ xu thế chuyển đổi số, kinh doanh trực tuyến, vận chuyển giao hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với sự quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lưu ý tác động đối với lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm là có độ trễ; do tác động của dịch bệnh đối với doanh nghiệp, người dân, đã và đang tác động tiêu cực hơn đối với lĩnh vực ngân hàng, nợ xấu gia tăng rõ rệt với tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể tăng lên mức 2% cuối năm 2021 và khoảng 2,3 đến 2,5% năm 2022; và nợ xấu gộp (gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC và nợ xấu tiềm ẩn) tăng từ 5,1% cuối năm 2020 lên 7,2% hiện nay (nếu tính cả các khoản nợ cơ cấu lại nhưng không bị chuyển nhóm theo Thông tư 01 và Thông tư 03 của NHNN, theo báo cáo của NHNN).

Từ những khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực dịch vụ với các nhóm ngành du lịch, bất động sản... vốn được coi là "xương sống" đem nguồn tiền và tăng trưởng cho quốc gia nên TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV có 6 khuyến nghị chính nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh, góp phần để đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội nhanh chóng. 

Đầu tiên, cần chuyển đổi chiến lược "mục tiêu kép" thành "đa mục tiêu": vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo năng lực y tế, an sinh, an ninh tâm lý và xã hội, tăng năng lực chống chịu các cú sốc bên ngoài và tâm thế phục hồi, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong và sau đại dịch.

Thứ hai, thống nhất thay đổi mô hình, chiến lược phòng chống dịch và đẩy nhanh chiến lược vaccine. Mô hình "sống chung với virus" cần được làm rõ nội hàm cùng với những chiến lược, giải pháp và hướng dẫn chung để các địa phương nhất quán thực hiện. Theo đó, không để đứt gãy quá nhiều chuỗi cung ứng và chuỗi lao động. Xử lý nghiêm những trường hợp gây khó dễ, làm đứt gãy chuỗi một cách vô lý. Cần giúp doanh nghiệp việc tuyển dụng, đi lại và giữ lao động bằng phương án, hành động cụ thể. 

Thứ ba, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành Chương trình phục hồi kinh tế trong đó, cần kiên định "đa mục tiêu" và khai thác các động lực tăng trưởng mới và gồm cả chính sách phục hồi xanh. Khung chương trình phục hồi kinh tế là rất quan trọng trong thời điểm này để các bộ, ngành, địa phương nhất quán xây dựng và thực hiện. Chính phủ cũng cần có kế hoạch, lộ trình mở cửa rõ ràng, khả thi để doanh nghiệp, người dân kịp thời chủ động phương án SXKD của mình.

Thứ tư, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Nhà nước cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành. Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Báo cáo cũng nhấn mạnh về thực trạng đa số các gói hỗ trợ vẫn còn triển khai chậm trễ.

TS. Cấn Văn Lực cùng Nhóm tác giả BIDV cũng mong muốn Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; cũng như cải cách, hoàn thiện thể chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh. Báo cáo cũng đề cập tới việc tập trung cải cách thể chế để phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.