Ngành ô tô Nhật Bản trông đợi cực lớn ở thị trường Trung Quốc

15:17 | 13/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Doanh số bán hàng của Toyota trong quý đầu tiên đã tăng 75%, của Honda và Nissan tăng 76% và 71% so với cùng kỳ năm ngoái, gần như phù hợp với mức phục hồi 75% trên thị trường xe của Trung Quốc.

Fitch Ratings - một cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu cho biết, đà tăng trưởng trên thị trường xe hơi Trung Quốc đang hỗ trợ sự phục hồi của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và giảm thiểu rủi ro kéo dài từ đại dịch COVID-19 ở các thị trường khác.

"Chúng tôi tin rằng đà tăng trong quý đầu tiên có thể tạo tiền đề cho sự vượt trội hơn nữa của các thương hiệu Nhật Bản vào năm 2021", Fitch Ratings cho biết trong một báo cáo nghiên cứu gần đây.

Doanh số bán hàng của Toyota trong quý đầu tiên đã tăng 75%, của Honda và Nissan tăng 76% và 71% so với cùng kỳ năm ngoái, gần như phù hợp với mức phục hồi 75% trên thị trường xe của Trung Quốc, theo Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Trung Quốc.

Fitch cho biết doanh số bán hàng mạnh mẽ của Toyota và Honda tại Trung Quốc là kết quả của việc sản xuất gần như ổn định tại các nhà máy liên doanh Trung Quốc, bất chấp tình trạng thiếu chip toàn cầu.

Ngành ô tô Nhật Bản trông đợi cực lớn ở thị trường Trung Quốc - ảnh 1

Một nhân viên Toyota đánh bóng một chiếc xe điện tại triển lãm ô tô Thượng Hải.

Cả hai hãng ô tô Nhật Bản Toyota và Honda đều cắt giảm sản lượng tại các nhà máy Trung Quốc của họ vào đầu năm, nhưng nhìn chung ít bị ảnh hưởng hơn so với các nhà máy liên doanh Trung-Đức bao gồm SAIC Volkswagen.

Giám đốc điều hành Tập đoàn Volkswagen Trung Quốc - Stephan Woellenstein cho biết, hoạt động sản xuất của thương hiệu tại Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong tháng 5 và tháng 6.

Fitch cho biết sự thiếu hụt chip có thể dẫn đến tắc nghẽn sản xuất ngắn hạn tại các nhà máy Trung-Nhật cũng như trong quý II và ảnh hưởng đến doanh số bán xe nếu hàng tồn kho của các đại lý giảm thêm.

"Chúng tôi cho rằng Toyota ít bị ảnh hưởng nhất do chính sách giữ lượng hàng tồn kho của các bộ phận quan trọng, bao gồm cả chip, cao hơn so với các đối thủ", Fitch đánh giá.

Điều này có thể mang lại một lợi thế quan trọng để Toyota duy trì đà bán hàng của mình trong quý II và quý III, trong khi các đối thủ có thể phải đối mặt với sự gián đoạn sản xuất đáng kể trong thời gian ngắn.

Thực tế, cuộc khủng hoảng chip đang diễn ra có thể trì hoãn sự phục hồi mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc, nhưng các thương hiệu Nhật Bản có khả năng phục hồi doanh số ngay khi khi tình trạng thiếu chip giảm bớt.

Không giống như tình trạng thiếu chip, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vẫn là một mối đe dọa lâu dài.

Doanh số bán hàng của Great Wall Motors trong quý đầu tiên tăng 125% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa các đối thủ Đức và Nhật Bản.

Nhưng Fitch cho biết, hình ảnh cũng như độ tin cậy và kiểm soát chất lượng của các thương hiệu Nhật Bản sẽ giúp họ duy trì vị thế vững chắc trên thị trường Trung Quốc.

Các sáng kiến ​​điện khí hóa cũng có thể thúc đẩy hơn nữa hoạt động kinh doanh của họ dài hạn trong bối cảnh Trung Quốc đang chuyển hướng sang xe điện.

Tại triển lãm ô tô Thượng Hải, kết thúc vào thứ Tư tuần này, Nissan tuyên bố sẽ giới thiệu 9 mẫu xe điện vào năm 2025 vào Trung Quốc. 3 mẫu trong số chúng sẽ là loại thuần điện và 6 mẫu còn lại sẽ có hệ thống e-POWER kết hợp.

Ashwani Gupta, Giám đốc điều hành của Nissan cho biết: "Khi Trung Quốc đi đầu trong việc xác định tương lai của phương tiện di chuyển, chúng tôi, Nissan, sẵn sàng hướng về phía trước với những đổi mới trong công nghệ kết nối, tự động và điện khí hóa".

Xem thêm: Toyota "đạp ngã" Huyndai khỏi vị trí hàng đầu trên thị trường xe điện

Tùy Ý