Nghề luật sư và vấn đề thích ứng với hoàn cảnh đại dịch toàn cầu

Vương Cảnh Chân (thực hiện) 17:00 | 03/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Luật sư Lê Cao khẳng định, ảnh hưởng của dịch bệnh đã tác động sâu rộng đến tình hình phát triển kinh tế nói chung, từ đó tác động mạnh mẽ đến những nghề nghiệp hỗ trợ gắn liền với hoạt động kinh tế, trong đó có nghề luật sư.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021 thì tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.

Như vậy, ảnh hưởng của dịch bệnh đã tác động sâu rộng đến tình hình phát triển kinh tế nói chung, từ đó tác động mạnh mẽ đến những nghề nghiệp hỗ trợ gắn liền với hoạt động kinh tế, trong đó có nghề luật sư. Nhân kỉ niệm Ngày truyền thống nghề luật sư (10-10), chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Cao, Công ty Luật Hợp Danh FDVN về những thách thức và giải pháp thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh của nền kinh tế và của nghề luật sư nói riêng trong thời gian tới.

- Chào luật sư, dịch bệnh đã mang lại nhiều tác động tiêu cực cho xã hội, cho nền kinh tế, vậy theo ông chúng ta cần bước tới việc thích ứng với tình hình mới theo quan điểm mới về phòng chống dịch bệnh như thế nào để bước tới trong những ngày tới?

Luật sư Lê Cao: Tùy từng thời điểm thì quan điểm quản lý, quan điểm phòng chống dịch bệnh cũng sẽ được điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội song hành với việc phòng chống dịch bệnh, bởi lẽ chúng ta đảm bảo duy trì được chuỗi sản xuất kinh doanh, đảm bảo được nguồn lực cho an sinh xã hội thì cũng chính là giải pháp dài hơi góp phần phòng chống dịch bệnh.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế xã hội và các ngành nghề. Ảnh: Báo Nhân Dân. 

Về quan điểm và giải pháp, hiện nay tôi thấy Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đây là quan điểm được đề ra tại cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương vào ngày 25-9. Điều này là rất cần thiết và cần tiến hành gấp, bởi chúng ta thấy, ngay cả chúng ta đã có nhiều giải pháp phòng chống dịch quyết liệt thì cũng không thể có chuyện “không có COVID-19”, mà chúng ta phải tạo được khả năng thích ứng, qua đó vận dụng việc vừa phát triển kinh tế vào hoạt động phòng chống COVID-19 hiệu quả.

Tôi lấy ví dụ, nếu kinh tế không duy trì được chuỗi sáng xuất, các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thì công nhân các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp không có việc làm, họ không thể dựa mãi vào sự tiếp tế từ thiện hoặc hỗ trợ ngân sách để duy trì cuộc sống, do đó dòng chảy nguồn lao động từ các vùng kinh tế chảy về quê rất nhiều, nhu cầu đó là tất yếu dẫn đến việc COVID-19 cũng theo đó về với các địa phương vốn trước đây không có dịch. Do đó, những giải pháp phong tỏa, khoanh vùng dịch với phạm vi nhỏ hẹp, đến từng ca mắc mới để có sự xử lý dứt điểm, nhưng vẫn duy trì khả năng cho các doanh nghiệp thích ứng để duy trì chuỗi sản xuất kinh doanh là điều buộc phải thực hiện trong hoàn cảnh hiện nay. Hơn nữa, duy trì nguồn sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm cho nền kinh tế duy trì sự phát triển sẽ là động lực kinh tế quan trọng nhằm tạo sức đề kháng mạnh mẽ đẩy lùi dịch bệnh.

- Dưới góc độ nghề luật sư, dịch COVID-19 đã tác động như thế nào đến hoạt động nghề nghiệp, ông có cái nhìn như thế nào đối với hoạt động kinh doanh của các khách hàng là các doanh nghiệp kinh doanh trong thời gian qua?

Luật sư Lê Cao: Đối với hoạt động nghề nghiệp của FDVN, chúng tôi có văn phòng ở các địa phương như Đà Nẵng, Hà Nội, Huế, Nghệ An, Quảng Ngãi … và đều chịu ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống dịch đến hoạt động hành nghề. Tiền thuê mặt bằng, các chi phí hành chính, nhân sự vẫn duy trì trong khi nhu cầu dịch vụ giảm sút do hoạt động kinh doanh, nhu cầu tư vấn kinh doanh đầu tư vốn là mảng hoạt động quan trọng của FDVN bị ảnh hưởng. Đối với hoạt động tư vấn đầu tư, nhất là các dự án đầu tư có nguồn vốn nước ngoài, các hoạt động giao thương trong và ngoài nước hầu như đều có sự giảm sút trong đại dịch, do đó nhu cầu dịch vụ sẽ không được duy trì như trong tình trạng bình thường là điều tất yếu, điều đó là hệ quả chung là chúng ta cần phải cùng nhau vượt qua.

Đối với các đối tác khách hàng, chúng tôi thấy rằng với nhiều doanh nghiệp lớn, thì hoạt động kinh doanh có những thời điểm bị ngắt quảng nhưng một số khách hàng lớn của chúng tôi vẫn duy trì hoạt động và việc cung cấp dịch vụ tư vấn thường xuyên cho các đối tác là các khách hàng kinh doanh trong khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu kinh tế, và các doanh nghiệp có nhà máy sản xuất vẫn không có nhiều thay đổi lớn. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, xây dựng … thì các đối tác này của FDVN chịu sự tác động rất lớn bởi dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn.

- Vậy với nghề luật sư, trong dịch bệnh thì điều kiện cung cấp dịch vụ pháp lý sẽ như thế nào, có những khó khăn nào trong việc hành nghề không?

Rõ ràng với tình hình dịch bệnh thì các hoạt động tư vấn trực tiếp, họp trực tiếp để tư vấn cho các doanh nghiệp, các đối tác sẽ không thể duy trì một cách bình thường. Tuy nhiên, để thích ứng thì các luật sư của văn phòng sẽ có sự tương tác, tổ chức họp tư vấn qua các hình thức trực tuyến, tư vấn bằng văn bản qua thư điện tử, hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính pháp lý qua các giải pháp trực tuyến … Từ hoàn cảnh của đại dịch, với các đòi hỏi phải uyển chuyển trong thích ứng, nên các luật sư cũng phải rèn luyện các khả năng để thích ứng với việc cung ứng dịch vụ pháp lý qua các hình thức mới, không mãi theo tư duy và lối mòn cũ vì nếu buộc khách hàng phải gặp trực tiếp thì chính luật sư cũng bị mất cơ hội nghề nghiệp.

Trong thực tế, chúng tôi có các khách hàng ở Nga, Đài Loan, Hà Lan, Mỹ … mà chúng tôi đang hỗ trợ tư vấn thường xuyên, nhưng chúng tôi không gặp trực tiếp các khách hàng của mình, họ nhận sự tư vấn qua thư điện tử, chúng tôi có thể tổ chức các cuộc họp tư vấn trực tuyến và vẫn đảm bảo các công việc cho khách hàng ở bên ngoài Việt Nam. Với nghề luật sư, thực ra những việc này đã buộc phải thích ứng từ trước khi đại dịch COVID-19 đến, nên khi dịch bệnh xảy ra thì chúng tôi hỗ trợ và hướng dẫn các khách hàng Việt Nam quen với phương thức tư vấn mới để đảm bảo hoạt động vẫn có thể triển khai bình thường.

Như vậy, chuyện thích ứng của nghề luật sư cần có sự tổng hợp của nhiều kiến thức, kỹ năng hành nghề chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu mới, hoàn cảnh mới trong bối cảnh tương tác toàn cầu. Các giải pháp hỗ trợ của công nghệ cần được vận dụng để phát huy hiệu quả cao nhất phục vụ nghề nghiệp.

- Vậy đối với các hồ sơ tranh tụng tại tòa án thì cần thích ứng như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Lê Cao: Rõ ràng thời gian qua hoạt động tố tụng của luật sư khi hành nghề tại các cơ quan tiến hành tố tụng là một thử thác vô cùng khó khăn. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh khiến cho luật sư trên thực tế dù có quy định được ưu tiên hành nghề nhưng lại phụ thuộc vào mỗi tình huống áp dụng quy định không đồng nhất, dẫn đến việc hành nghề không phải khi nào cũng được thuận lợi, trong khi có một số hoạt động như tham dự hỏi cung, xét xử bắt buộc phải có mặt luật sư nhưng không thể thực hiện được sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các thân chủ.

Hiện nay, có các quy định của pháp luật để đảm bảo luật sư tham gia hoạt động tố tụng với các cơ quan và người tiến hành tố tụng khác, do vậy, nếu quy định được áp dụng đồng bộ, thống nhất thì hoạt động của luật sư cũng sẽ được đảm bảo, vì trong hoàn cảnh đại dịch thì có các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ pháp lý phát sinh trong đại dịch, luật sư cũng như các bên tham gia tố tụng khác không bị tước đi quyền hoạt động, quyền tham gia tố tụng, do đó vận dụng pháp luật công bằng, minh bạch và đúng thì chuyện hành nghề sẽ được đảm bảo. Vấn đề này hiện nay chưa thống nhất, do vậy cần có sự thống nhất trong cả nước để các hoạt động tố tụng được đảm bảo duy trì một cách thuận lợi cho tất cả các bên.

Trong tương lai, khi pháp luật về tố tụng được điều chỉnh thì những vấn đề mới như xét xử trực tuyến có thể được áp dụng, tuy nhiên vào thời điểm này thì đây mới là vấn đề được thảo luận và cân nhắc vì còn vướng nhiều nguyên tắc tố tụng và điều kiện thực tiễn để áp dụng vào thực tế. Nếu các hoạt động tranh tụng mang tính dân sự, kinh doanh thương mại thực hiện trực tuyến được đưa vào trong các quy định tố tụng sẽ là một bước tiến mới để nghề luật sư có thể thuận tiện hơn trong hoạt động nghề nghiệp. Vấn đề này chắc còn phải chờ, nhưng chúng tôi nghĩ đó cũng là những vấn đề cần thiết trong tương lai gần.

- Như luật sư đề cập, như vậy nghề luật sư dường như rất gắn liền với hoạt động kinh doanh, thế mà có nhiều người nghĩ nghề luật sư gắn liền với tố tụng hơn?

Có nhiều phương thức cung cấp dịch vụ pháp lý đang được luật sư sử dụng hiện nay, trong hai mảng hoạt động lớn là tố tụng và tư vấn ngoài tố tụng, thực ra hoạt động tư vấn ngoài tố tụng trong thời đại hiện nay mới là mảng lớn hơn mà nghề luật sư cần hướng đến. Chúng ta hiểu là, trong dân sự và kinh doanh thương mại, luật sư hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khi mới tham gia vào các giao dịch trong đời sống và kinh doanh là vấn đề cần thiết để tránh người dân doanh nghiệp phải lâm vào cảnh tranh chấp tố tụng. Do đó, luật sư có mặt trong việc tư vấn thường xuyên cho các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động kinh doanh ngay từ đầu với nhu cầu ngày càng lớn, nghề luật sư vì vậy gắn liền với nhiều hoạt động của doanh nghiệp.

Mảng tố tụng trong lĩnh vực hình sự và trong các hoạt động giải quyết tranh chấp ở Tòa án, Trọng tài cũng là một mảng quan trọng, nhưng đó không phải là hoạt động chính hay duy nhất của nhiều luật sư. Trong một số trường hợp, với những luật sư hoạt động tương đối đơn lẻ và độc lập, họ thường chọn một mảng chuyên để hành nghề. Nhưng cũng cách lựa chọn chuyên nghiệp để hành nghề, các tổ chức hành nghề lớn thường phân chia các mảng độc lập và chuyên nghiệp để có các luật sư phụ trách từng mảng hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng nghề nghiệp. Do đó, nghĩ đến nghề luật sư, chắc chắn chúng ta thấy hình ảnh trên phiên tòa chỉ là phần nổi nghề nghiệp, hoạt động của nhiều luật sư âm thầm đứng sau các hoạt động kinh doanh mỗi ngày của doanh nghiệp mới là hoạt động rất lớn của nhiều luật sư Việt Nam hiện nay.

- Trong việc thích ứng với hoàn cảnh đại dịch, thì các doanh nghiệp nói chung và hoạt động cung ứng dịch vụ của nghề luật sư nói chung mong muốn điều gì từ việc triển khai các chính sách mới?

Luật sư Lê Cao: Chúng ta thấy rằng, thời gian qua do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm công suất tối đa, thậm chí là đóng cửa tạm thời vì không đáp ứng được điều kiện phòng chống dịch khắt khe như việc yêu cầu bố trí sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” dẫn đến chuỗi sản xuất, cung ứng trong một số trường hợp bị đình trệ. Chúng tôi nhận được các yêu cầu tư vấn liên quan đến chuyện dừng việc làm của công nhân, vấn đề thiếu hụt lao động, việc dừng hợp tác, hủy đơn hàng từ các đối tác quốc tế của nhiều khách hàng, rồi các vấn đề gánh chịu chi phí hành chính, mặt bằng, nhân sự với rất nhiều rủi ro từ việc doanh nghiệp chưa thể vận hành sản xuất bình thường.

Do đó, ngoài đẩy nhanh lấp đầy những khoảng trống về cung ứng vắc xin, thì các kịch bản, giải pháp linh động hơn trong phòng chống dịch đối với các doanh nghiệp sản xuất cần được triển khai trong điều kiện thích ứng mới, nếu không các doanh nghiệp sẽ mất cơ hội, mất mối kinh doanh, thậm chí sẽ bị mất mát thiệt hại dẫn đến phá sản.

Nếu chúng ta tự đặt mình vào thế bị đứt gãy chuỗi sản xuất, mất các đơn hàng cung ứng cho các quốc gia bên ngoài, thì chúng ta sẽ đánh mất vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và từ đó những nguy cơ về thâm hụt ngân sách, thiếu công ăn việc làm và nhiều vấn đề khác có thể phát sinh. Do vậy, những giải pháp mới đang đề ra cần được sớm chuẩn hóa thành các quy phạm để áp dụng thống nhất trong cả nước theo từng tiêu chí điều kiện chung hoặc đặc thù, nhưng phải thống nhất trong cách làm, tránh mỗi địa phương lại tự nghĩ ra một quy định mới có tính chất quy phạm pháp luật nhưng không thống nhất đồng bộ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

- Ông kỳ vọng gì trong việc thích ứng với các hoàn cảnh mới của nghề luật sư trong thời gian tới?

Luật sư Lê Cao: Việt Nam chúng ta đến nay vẫn là nơi mà các nhà đầu tư nước ngoài đang tin tưởng để đầu tư, do vậy việc triển khai sớm các giải pháp thích ứng với giải pháp phòng chống dịch bệnh mới của Chính phủ rất cần các địa phương triển khai đồng bộ, tránh mỗi nơi áp dụng một kiểu sẽ dẫn đến sự bất cập mâu thuẫn trong vận hành chính sách và sẽ gây khó cho các doanh nghiệp.

Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15 tháng 9 năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 8 năm 2021, Việt Nam thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7. Như vậy, là các doanh nghiệp FDI vẫn còn tin tưởng chính sách mà chúng ta triển khai, nhưng các chính sách này cần được phát huy đồng bộ, để doanh nghiệp được thực hiện thuận lợi các giải pháp hoạt động. Dịch bệnh vốn ở khắp nơi trên thế giới, chúng ta có lợi thế là đã kiểm soát được một số địa phương về tình hình dịch bệnh, cho nên chúng ta cần nắm thời cơ để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh, như thế sẽ có lợi cho năng lượng phát triển chung, tạo sức mạnh đề kháng của nền kinh tế để phòng chống dịch bệnh.

Nghề luật sư trên thực tế là nghề hỗ trợ hoạt động đời sống kinh doanh của các cá nhân và hoạt nghiệp, do đó nhịp sống của dân cư, doanh nghiệp phát triển, các hoạt động được bình thường trở lại sẽ là nguồn cung nhu cầu dịch vụ để nghề luật sư duy trì và phát triển. Thích ứng với hoàn cảnh là chìa khóa để duy trì sự bền vững, không chỉ trong nền kinh tế chung mà của từng doanh nghiệp, của mỗi người làm nghề, do đó hy vọng mọi thứ sẽ được sắp đặt lại theo đúng những trật tự cần có để luật sư sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong thời gian tới.

 Xin cảm ơn Luật sư!