Người dân miền Tây tiếp tục đổ về quê ngay trong tối 3/10
Theo ghi nhận của Báo Tuổi trẻ, nhiều người dân tại các chốt cửa ngõ Tp.HCM tiếp tục rời thành phố bằng xe máy chở con nhỏ, đồ đạc về quê các tỉnh miền Tây.
Ở đầu cửa ngõ, chốt cầu Vĩnh Bình trên quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức do Đội CSGT Bình Triệu thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an thành phố HCM phụ trách chứng kiến cảnh hàng ngàn người dân liên tiếp nối đuôi nhau "bon bon" về quê. Nhiều người dân không đủ điều kiện vẫn bị "rớt" lại.
Đa phần những người này có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cạn tiền trong những tháng thất nghiệp do đại dịch.
Đến khoảng 20h30 tối có khá đông xe cộ lưu thông, đa số là xe máy với lỉnh kỉnh đồ đạc để về các tỉnh miền Tây tại chốt cuối trên quốc lộ 1 (khu vực huyện Bình Chánh giáp ranh Long An). Chốt kiểm soát giao thông tại khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh đã "thả cửa", tất cả xe cộ đều được qua chốt mà không cần kiểm tra.
Một chiến sĩ tại chốt kiểm soát (địa phận tỉnh Long An) giải thích rằng, các xe của tỉnh khác thì được phép cho qua để các chốt kế tiếp (tùy theo tỉnh) kiểm soát trước khi về nhà. Với các phương tiện có biển số thuộc tỉnh Long An thì được yêu cầu dừng lại để khai báo y tế, việc này nhằm đảm bảo công tác quản lý người dân khi về địa phương.
Lực lượng PC08 cho biết, để qua chốt thì người dân phải đủ các điều kiện có chứng nhận tiêm ngừa COVID-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) hoặc F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày, có giấy test COVID-19 âm tính (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu). Các chiến sỹ cũng đã phát hiện những hoàn cảnh khó khăn về quê dọc đường gặp sự cố đều giúp đỡ những người này trong quá trình tuần tra.
Đoạn đường dọc quốc lộ 1 hướng quận Bình Tân đi Long An ghi nhận nhiều đoàn nghỉ ngơi hai bên đường, càng về khuya lưu lượng càng trở nên đông hơn.
Trước đó, vào đầu tháng 10 đã xuất hiện cảnh nhiều người dân từ Tp.HCM, Bình Dương lũ lượt rời đi, tìm đường về địa phương. Các chuyên gia nhận định rằng dòng người lao động từ nhiều tỉnh Đông Nam Bộ vẫn tự phát kéo về quê ở các tỉnh miền Tây, gây khó kiểm soát tại những nơi họ đến. Đông Nam Bộ vẫn đang là tâm dịch COVID-19, mà các tỉnh miền Tây vẫn ghi nhận tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp và chưa chuẩn bị kịp để xét nghiệm, cách ly số người quá đông về từ vùng dịch.
Vào ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện hỏa tốc gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, yêu cầu các địa phương này phối hợp thực hiện nghiêm việc quản lý người ra khỏi khu vực. Việc đón người ra khỏi khu vực này trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cần có sự thống nhất của các địa phương nơi tiếp nhận, để tổ chức cho người dân di chuyển an toàn.
Sang đến ngày 2/10, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021, Chính phủ đã kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có đông người dân, lao động ngoại tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động người dân ở lại để được tiêm vaccine đầy đủ; tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Trường hợp người dân thực sự có mong muốn về quê vì các lý do khác nhau thì các địa phương phối hợp tổ chức đón, đưa, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông và tránh gây bức xúc cho người dân. Các địa phương phía Nam đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo này.
13 tỉnh miền Tây vùng ĐBSCL đồng loạt kiến nghị tạm hoãn cho người dân tự về quê
Trưa 3/10, báo chí đồng loạt đưa tin , lãnh đạo 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ đã kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đề nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê.
Lý do là bởi trong những ngày qua, các địa phương ở miền Tây phải căng mình tiếp nhận cách ly số lượng lớn người dân về quê tự phát, dẫn tới quá tải tại các khu cách ly tập trung.
Trong khi đó, UBND Tp.HCM lại đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ và phối hợp thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu cấp thiết được di chuyển từ địa phương này đến các tỉnh, thành phố và ngược lại. Các trường hợp đã tiêm phòng và khỏi bệnh trong vòng 6 tháng mới được phép qua các chốt kiểm dịch.
Lãnh đạo Tp.HCM cũng đã phân công Sở GTVT thành phố là cơ quan đầu mối, chủ trì hướng dẫn và xem xét, giải quyết các trường hợp cấp thiết cần được lưu thông giữa Tp.HCM và các tỉnh, thành phố.