Nhà ở công nhân: Nên bán hay cho thuê?
Hiện Luật Nhà ở 2014 chưa cho phép Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư nhà ở xã hội nói chung và nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, đây lại là tổ chức có nguồn lực tài chính, từng thực hiện dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương.
Đơn cử như dự án thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam) có quy mô 4,04 ha với 976 căn hộ hiện nay đã hoàn thành giai đoạn 1 với hơn 300 căn hộ; dự án thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp Mỹ Tho - Cụm công nghiệp Trung An (Tiền Giang) quy mô 3,05 ha với 998 căn hộ, đang được triển khai đầu tư xây dựng... - Bộ Xây dựng thông tin.
Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp theo hướng chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu ở của công nhân.
Theo ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trước đây, thực hiện Quyết định số 655/QĐ-Ttg ngày 12/5/2017 của Cính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, Tổng Liên đoàn có xây dựng đề án xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê, mua và bán theo.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu thực tế cho thấy, công nhân, người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất có nhu cầu thuê rất lớn nên nguồn lực của Tổng Liên đoàn chỉ đầu tư vào nhà xã hội cho công nhân thuê.
Nếu cho thuê, những nhà ở xã hội này là tài sản của Tổng Liên đoàn, các thế hệ lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất đó di chuyển liên tục, làm 1 - 2 tuần hoặc đến 10 năm sau lại về quê. Sau đó, các đợt công nhân khác vào làm việc và lại thuê nhà ở xã hội. Như vậy luân chuyển liên tục sẽ phù hợp trong chăm lo cho người lao động - ông Nghĩa giải thích.
Liên quan đến hình thức phát triển loại hình nhà ở này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng đã được quy định tại Khoản 3 Điều 77 dự thảo Luật Nhà ở. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua…, có nghĩa là làm nhà ở xã hội để bán.
“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nên làm nhà ở xã hội để bán không hay chỉ nên làm cho người lao động thuê, bởi như quy định này thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được xác định như một đơn vị kinh doanh bất động sản bình thường, không phải đơn thuần là tổ chức chính trị - xã hội” - ông Châu nêu vấn đề.
Bởi vậy, chuyên gia này đề xuất, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 78 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với nội dung: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, làm việc tại các khi công nghiệp thuê; giao cho Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp hoặc xác định chủ đầu tư, theo đề nghị của Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn, theo quy định của luật này và pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng...
Đồng thời, HoREA đề nghị cho công nhân, lao động đang thuê “nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp” được mua lại nhà ở này khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép “chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ” theo quy định tại Điều 13 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế của Chính phủ, nếu khu nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp đó vẫn phù hợp quy hoạch.
Ông Lê Hoàng Châu lý giải, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa tiên lượng trường hợp “khu công nghiệp” được chuyển đổi thành “khu đô thị - dịch vụ” theo quy định tại Điều 13 Nghị định 35 cho phép “chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ”.
Trường hợp trong khu công nghiệp có thiết chế công đoàn bao gồm khu nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp thuê thì HoREA đề nghị dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung quy định người thuê căn hộ này từ 5 năm trở lên được mua lại nhà ở này khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ để công nhân, lao động đang thuê nhà yên tâm.
Bên cạnh đó, ông Châu cũng chỉ ra thêm bất cập cần được xem xét. Thời gian qua, để phục vụ cho nhu cầu về chỗ ở của công nhân, người lao động đặc biệt là ở các đô thị, mô hình kinh doanh nhà trọ đã nở rộ. Chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 60.470 khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư kinh doanh với khoảng 560.000 phòng trọ cho thuê, đã góp phần rất quan trọng giải quyết được chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân, lao động. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lại chưa quy định rõ về nội dung này.
Theo ông Châu, khái niệm “nhà trọ”, cần hiểu rộng là nhà ở riêng lẻ do hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh theo quy định pháp luật, gồm các phòng trọ để cho thuê phục vụ đối tượng công nhân, người lao động, người thu nhập thấp đô thị có nhu cầu, trừ nhà trọ kinh doanh cho thuê với mục đích du lịch, khách sạn...
Như vậy, luật đang bỏ sót một đối tượng công nhân, người lao động chưa phải là đoàn viên công đoàn. Ngoài ra, cũng đang giới hạn đối tượng là đoàn viên công đoàn đang làm việc tại khu công nghiệp mới có quyền mua nhà ở xã hội, còn đoàn viên công đoàn làm việc tại các cụm công nghiệp sẽ không được mua.