Nhà ở xã hội sắp được hỗ trợ thêm gói tín dụng mới

Nhật Di 16:09 | 20/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiện Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đang triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội. Mới đây, HoREA có đề xuất lại gói 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8-5% một năm để phát triển phân khúc nhà ở này.

  

Ngân hàng Nhà nước giao cho 4 Ngân hàng thương mại triển khai cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ  nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Tuy nhiên, số dự án vay vốn từ gói tín dụng này vẫn còn hạn chế bởi nhiều thủ tục phức tạp cũng như nguồn cung hạn chế. Thông tin đến đầu tháng 11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết đã có 18/63 UBND cấp tỉnh gửi văn bản công bố các dự án tham gia chương trình, có 53 dự án với tổng nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng và các ngân hàng đã giải ngân được 105 tỷ đồng cho ba dự án tại ba tỉnh, thành.

 Do đó, các chuyên gia cho rằng cần có thêm nhiều gói hỗ trợ hơn nữa để hoàn thành mục tiêu "1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030" mà Chính phủ đề ra.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đề xuất lại gói 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8-5% một năm để phát triển nhà ở xã hội.

Trong văn bản, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng hơn một số đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho người mua căn nhà đầu tiên.

 HoREA đề xuất thêm gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Ảnh BTC.

Theo HoREA, việc lãi suất của gói này thấp hơn 1,5-2% vay thương mại thông thường đã hỗ trợ một phần cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Nhưng thực chất đây vẫn chưa phải là tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội do lãi suất cao (7,7%/năm), thời hạn vay ưu đãi quá ngắn (05 năm) và lãi suất được điều chỉnh mỗi 06 tháng một lần nên gây bất an cho người vay.

Do vậy, HoREA tán thành đề xuất của Bộ Xây dựng ngày 17/02/2023 về gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng, bằng khoảng 30% tổng nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, với lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%-5%/năm áp dụng cho năm 2023 và thời hạn vay tối đa 25 năm.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng gói tín dụng này để thực hiện Luật Nhà ở dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và để thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã từng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.

Hình thức giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016. Trong đó, khoảng 50% gói tín dụng dành cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, người mua nhà ở vay ưu đãi. Khoảng 50% còn lại dành cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Nhưng sau đó, Bộ Xây dựng cho biết thôi không đề xuất phương án này.

Cần thúc tiến độ gói 120.000 tỷ đồng

Tại tọa đàm "Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho bất động sản", do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây tại TP HCM, ông Phạm Văn Dương, Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh Bình Triệu (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện ngân hàng đang dư vốn và chuẩn bị sẵn vốn để cho doanh nghiệp vay và sử dụng. Vấn đề là khi cung cấp vốn cho một dự án cũng phải đầy đủ quy định của nhà nước, và đang cùng với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, sớm giải ngân cho các dự án.

 Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang chậm triển khai. Ảnh BBĐ.

Hiện Agribank đang có một dự án nhà ở xã hội ở Quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức, TP HCM), pháp lý của dự án gần xong, chỉ vướng quyền sử dụng đất là doanh nghiệp đã đền bù, giải tỏa xong. Hiệu quả của dự án được duyệt là 80% nhà ở xã hội và 20% là cho thuê.

Tuy vậy, chủ đầu tư đang kiến nghị điều chỉnh 60% nhà ở xã hội và 20% là cho thuê và 20% còn lại dành cho thương mại. Bởi lẽ, nếu so với tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp bỏ ra đền bù, cộng các chi phí, mà nếu phải dành 80% quỹ đất cho nhà ở xã hội sẽ không hiệu quả và không đầu tư tiếp được. Do vậy, doanh nghiệp vẫn đang chờ TP HCM và Chính phủ trả lời kiến nghị. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang chờ duyệt giá của Sở Xây dựng, từ đó tính chi phí để quyết định vay vốn ngân hàng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã công điện thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng  cho vay nhà ở xã hội. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại khẩn trương hướng dẫn các thủ tục vay vốn tín dụng đối với các dự án đã được công bố đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đối với cả chủ đầu tư và người cần mua nhà của chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Theo Công điện 993/CĐ-TTg, từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được khởi công với tổng số khoảng 19.853 căn, đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng.

Thị trường bất động sản hiện nay đang diễn ra tình trạng mất cân đối cung cầu, đặc biệt thừa cung ở phân khúc cao cấp nhưng lại thiếu nguồn cung ở phân khúc bình dân, trung cấp.

Các cơ quan quản lý đang nỗ lực cân bằng lại cung cầu, bên cạnh gói tín dụng ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội, chính phủ đã cam kết đến năm 2030 sẽ xây dựng hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân để đáp ứng nhu cầu của phân khúc nhà bình dân và nhà cho người có thu nhập thấp.