Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng gấp đôi, Việt Nam thâm hụt thương mại sau 10 tháng

15:46 | 16/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo ngân hàng thế giới, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 2/2021 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu tăng mạnh, xuất khẩu giảm nhẹ, Việt Nam xuất hiện thâm hụt thương mại sau 10 tháng.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố bản cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2021. Thông tin từ bản cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam của WB cho thấy, tháng 2 vừa qua, xuất khẩu hàng hóa giảm 4,2%, trong khi nhập khẩu tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020.

Báo cáo cho thấy, tháng 2/2021, xuất khẩu hàng hóa giảm 4,2% trong khi nhập khẩu tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020.
 
Trước đó, Tổng cục Thống kê ước tính cán cân thương mại hàng hóa tháng 12/2020 nhập siêu khoảng 1 tỷ USD, còn theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan công bố sau đó là nhập siêu 252 triệu USD.
 
World Bank cho biết, trong khi xuất khẩu hàng dệt may, giày dép và điện thoại giảm thì máy tính, sản phẩm điện tử và quang học, máy móc, kim loại và sản phẩm kim loại, gỗ và đồ nội thất vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ.
 
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu có vốn FDI - khu vực đang thống trị lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao - đang tỏ ra năng động hơn khi kim ngạch xuất khẩu chỉ giảm 1,0% so với mức giảm 15,1% (so với cùng kỳ năm trước) của các doanh nghiệp trong nước.
 
Dữ liệu sơ bộ cho thấy, xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tăng, trong khi xuất khẩu sang EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản giảm.
 
Đáng chú ý, Báo cáo chỉ rõ, kim ngạch nhập khẩu tăng là do nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 2/2021 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, tương tự như xu hướng nhập khẩu tháng1/2021.
 
Tháng 1/2021, nhập khẩu điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện, và máy móc thiết bị chiếm một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm trước.
 
Điều này phản ánh sự phụ thuộc nhiều của Việt Nam vào đầu vào nhập khẩu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như việc đa dạng hóa thương mại tiếp tục diễn ra do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết.
 
Cũng theo Ngân hàng Thế giới, trong tháng 2/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,5% so với tháng trước và 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá cả đã tăng tốc trở lại sau nhiều tháng giảm tốc.
 
“Chỉ số CPI tăng là do kết thúc thời gian hỗ trợ giảm giá điện (10%) và nhu cầu tiêu dùng cao hơn, đặc biệt là đối với lương thực, thực phẩm trong dịp Tết. Trên thực tế, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã cao hơn 0,3% so với tháng trước và cao hơn1,2% so với tháng 2/2020”
 
Tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 12,0% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 2/2021, tương đương tốc độ ghi nhận trong những tháng gần đây. Tỷ lệ tăng trưởng này chỉ thấp hơn 1-2 điểm phần trăm so với trước khủng hoảng COVID-19, phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế thực và chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước.
 
Trong 2 tháng đầu năm 2021, Chính phủ thu ngân sách 286,7 nghìn tỷ đồng, cao hơn 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả tích cực này - lần đầu tiên tổng thu ngân sách nhà nước tăng kể từ đầu cuộc khủng hoảng COVID-19 một năm trước - phản ánh sự phục hồi kinh tế đang diễn ra và việc chấm dứt hầu hết các ưu đãi thuế được áp dụng từ tháng 4/2020.
 
Về chi ngân sách, tổng chi giảm 6,0% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 207,3 nghìn tỷ đồng do đầu tư công thấp hơn, ước tính đạt 23,5 nghìn tỷ đồng và giảm 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 5,1% so với 7,4% trong 2 tháng đầu năm 2020.
 
Việt Nam thâm hụt thương mại sau 10 tháng
 
Chính phủ hiện đang thảo luận đề xuất của Bộ Tài chính về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đợt hai. Tổng quy mô của gói hỗ trợ này ước tính khoảng 115 nghìn tỷ đồng(tương đương 5 tỷ USD).
 
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hồi phục mạnh mẽ vào tháng 2/2021 sau hai tháng chững lại.
 
Sau khi giảm vào tháng 1/2021, Việt Nam đã thu hút được 3,4 tỷ USD vốn FDI tháng 2/2021 cao hơn 70,4% so với tháng trước và tăng gấp ba lần giá trị vốn FDI ghi nhận vào tháng 2/2020.
 
Ngoài ra, WB đưa ra hàng loạt điểm mới của kinh tế Việt Nam như các cơ quan chức năng đã nhanh chóng hành động để kiểm soát đợt bùng phát dịch COVID-19 mới, bắt đầu vào cuối tháng 1/2021 tại Hải Dương.
 
Sự phục hồi kinh tế trong nước đang đi đúng hướng khi sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng dương trong bối cảnh làn sóng COVID-19 thứ ba.
 
 
Nguyễn Dung