Nhiều chính sách ưu đãi, thị trường bất động sản sẽ như bật lò xo
Nhiều dự án bị đình trệ
Tại buổi toạ đàm Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
TP.HCM là thị trường bị ảnh hưởng lớn nhất vì giãn cách xã hội kéo dài trong 4 tháng năm 2021 Rất nhiều dự án, rất nhiều kế hoạch triển khai của doanh nghiệp bị đình trệ.
Thống kê của CBRE tại TP.HCM chỉ có 2 dự án được mở bán dưới hình thức trực tuyến.
Hạn chế giao dịch khi tâm lý thận trọng của cả các nhà đầu tư và khách hàng, khiến cho nguồn cung - tổng số lượng căn hộ chỉ 1.600 căn thuộc 2 dự án, chủ yếu phân khúc cao cấp.
Nguồn cung trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 7.500 căn, giảm hơn 30% so với cùng kỳ và là cột mốc thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Riêng thị trường Hà Nội, nhờ vào hạ tầng, giúp phát triển nguồn cung ở những khu đô thị lớn, góp phần nguồn cung tăng nhẹ so với năm 2020.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội đón nhận khoảng gần 12.000 căn hộ. Khoảng 90% căn hộ được mở bán đều năm ở phía Tây, phía Đông…
Về nhu cầu, ở TP.HCM do nguồn cung giảm nên tỉ lệ chào bán cũng giảm. Quý III/2021 có khoảng 1.500 căn hộ được chào bán thành công.
Dù ảnh hưởng dịch bệnh, đối với tình hình TP.HCM, tình hình chào bán vẫn khá cao cho thấy nhu cầu vẫn tốt.
Riêng thị trường Hà Nội, doanh số khoảng 3.000 căn, và tỉ lệ chào bán thành công vẫn thấp hơn TP.HCM.
Một điểm đáng lưu ý là những khu vực vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương phát triển nổi bật, như Bình Dương có nhiều dự án căn hộ; Long An đã chào bán dự án căn bộ bình dân và tỉ lệ thành công tốt cho thấy nhu cầu căn hộ bình dân rất tốt.
Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong thời gian dịch kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, hơn 70% các sàn giao dịch gặp khó khăn, chỉ có khoảng 30% sàn giao dịch hoạt động với công suất khoảng 50%; các hoạt động của môi giới giảm đáng kể. Thị trường bị tổn thương và người mua sụt giảm mạnh.
Nhiều chính sách ưu đãi
Ông Vương Duy Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Nhà - Thị trường Bất động sản, Cục Quản lý Nhà và Thị trưởng Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua, Đảng, Chính phủ, bộ, ngành quyết tâm, quyết liệt phòng chống dịch, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, đầu tư kinh doanh, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Năm 2020 và đầu năm 2021 có nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị định liên quan. Riêng lĩnh vực liên quan Bộ Xây dựng, chúng tôi đã tham mưu trình Chính phủ hàng chục nghị định tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ Doanh nhiệp trong đầu tư kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, nhóm nghị định liên quan hướng dẫn Luật Xây dựng sửa đổi có Nghị định 06, Nghị định 09, Nghị định 10... tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nhóm nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Nhà ở gồm Nghị định 30, Nghị định 69...
“Chưa có giai đoạn nào mà thời gian ngắn vậy mà hàng loạt đạo luật, cơ chế chính sách được nghiên cứu sửa đổi nhanh chóng như vậy. Môi trường pháp lý từng bước được tháo gỡ dù còn vướng mắc cần được tháo gỡ tiếp. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục tháo gỡ một số cơ chế, chính sách khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cố gắng trình Quốc hội sửa đổi, ban hành sớm hơn dự kiến 1 năm”, ông Dũng thông tin.
Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng Cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, để góp phần cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, bộ đã tham mưu kịp thời gian các nghị định, thông tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Về tiếp cận đất đai, Nghị định 148 đã giải quyết giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu. Những đối tượng được miễn giảm tiền thuê đất, cho thuê đất. Những địa phương vướng mắc đã được giải quyết.
Nghị định này cũng gỡ vướng cho các doanh nghiệp trong quá trình sử dụng đất bị nhà nước thu hồi cũng được hỗ trợ tạo mặt bằng để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.
Liên quan thủ tục hành chính trong dự án nhà ở, Nghị định 148 đã rút gọn một số giấy tờ, hỗ trợ cho người dân làm giấy chứng nhận.
Hiện Luật Quy hoạch cũng đang được thẩm tra ở Uỷ ban kinh tế và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang thẩm định để trình Quốc hội thông qua.
“Với dự thảo phương án quy hoạch đề xuất, đất ở KCN, đất ở đô thị, đất cho hạ tầng… sẽ được tăng lên để đáp ứng trong tình hình mới. Với định hướng ở cấp quốc gia, chúng tôi sẽ lập quy hoạch các cấp để các địa phương có cơ sở để giao, cho thuê, lập quy hoạch sử dụng đất các cấp… thúc đẩy thị trường phát triển trong thời gian tới”, bà Anh cho hay.
Thị trường phục hồi
Nhận định về khả năng phục hồi của thị trường, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiên tệ quốc gia, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi khá nhanh, sẽ như bật lò xò.
Theo Tiến sĩ Lực, đã có 5.400 doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, vốn đăng ký đạt 343.000 tỉ đồng, tạo 35.000 việc làm mới. Có 1.000 doanh nhiệp bất động sản đã và đang hoạt động trở lại.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rất tích cực. 9 tháng đầu năm ghi nhận vốn đăng ký mới đạt 1,74 tỉ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 2 sau nhóm chế biến, chế tạo...
Phát hành trái phiếu cũng rất sôi động. Toàn bộ doanh nghiệp đã phát hành gần 400.000 tỉ đồng. Riêng doanh nghiệp bất động sản phát hành 148.000 tỉ đồng trái phiếu, chiếm 37%, đứng thứ 2 sau nhóm ngân hàng.
Thực tế, giá cổ phiếu bất động sản từ đầu năm đến nay tăng tới 27%, gần tương đương mức tăng chung của thị trường chứng khoán (tăng 29%).
Dự báo Quý IV/2021 được dự báo tăng trưởng phục hồi trở lại khoảng 4% và cả năm tăng trưởng khoảng 2,5% và năm tới 2022 có khả năng tăng trưởng kinh tế có thể đạt khoảng 6,5-7%.
Đồng quan điểm, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết thời gian tới nền kinh tế sẽ rất lạc quan.
Theo ông Lâm, hiện tại, mọi người đã thích nghi và sẵn sàng trong thời gian tới, tổ chức hoạt động bán hàng. Nhiều nơi đã bắt đầu mở bán và có tín hiệu giao dịch thành công trong tháng 10 này.
Sau một khoảng thời gian dù khách hàng còn thận trọng nhưng vẫn có khởi sắc. Khách hàng sẽ tập trung vào những thị trường có lợi thế, có tính ổn định như TP HCM, Bình Dương… những nơi ở vùng kinh tế phát triển sẽ thu hút hơn.
“Các chủ đầu tư đưa ra nhiều chương trình về thanh toán thuận lợi, tài trợ lãi suất, thậm chí có chủ đầu tư đưa ra chính sách nhận nhà vào ở vẫn tiếp tục thanh toán. Đây là tín hiệu tích cực sau tái khởi động của nền kinh tế. Bức tranh này đem lại kỳ vọng tín hiệu lạc quan từ nay đến cuối năm 2021”, ông Lâm dự đoán.