Nhiều tín hiệu sáng cho doanh nghiệp hoá chất trong quý IV
Theo thống kê của Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), ngoài do tác động địa chính trị, nguồn cung thế giới sụt giảm còn do xu hướng bảo vệ môi trường. Điển hình như Bắc Mỹ và Trung Quốc cắt giảm khai thác đá photphat vì lý do môi trường.
Chính 2 yếu tố trên là những nguyên nhân chính giúp giá photpho duy trì ở mức cao. Việt Nam với chi phí điện ổn định giúp hỗ trợ biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp sản xuất hóa chất.
Với CTCP Hoá chất Cơ bản Miền Nam (HOSE: CSV), trong quý III/2022, Công ty đã thu về 574 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 54% so với cùng kỳ quý trước và lãi ròng 116 tỷ đồng, tăng gần 3 lần. Luỹ kế 9 tháng, CSV ghi nhận 1.619 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 53%, lãi ròng 357 tỷ đồng, tăng 165% so với 9 tháng 2021.
Doanh thu tăng trưởng chủ yếu đến từ sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chính tăng mạnh và giá đầu ra cũng tăng cao. Sản lượng tiêu thụ của NaOH tăng 24%, HCl tăng 65%, silicate tăng 75%, phèn đơn tăng 51%, H2SO4 tăng 56%... Giá bán của NaOH tăng 95%, silicate tăng 36%, H2SO4 tăng 31%...
Xút là sản phẩm đầu ra của CSV. Theo chuyên gia từ VCBS, giá xút duy trì ở mức cao giúp đà tăng trưởng vẫn tích cực trong quý IV/2022.
Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính so với cùng kỳ năm trước tăng 1,5 tỷ đồng (39%), do chủ yếu trong kỳ lãi tiền gửi tăng. Chi phí bán hàng tăng 2 tỷ đồng (10,69%) do sản lượng tiêu thụ tăng và chi phí vận chuyển trên đơn vị sản phẩm tăng.
Tính đến 30/9, CSV có tổng tài sản 1.756 tỷ đồng. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền cùng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 546 tỷ đồng, chiếm 31% tổng tài sản. Hàng tồn kho còn 389 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên vật liệu.
Về nghĩa vụ nợ, CSV hiện ghi nhận tổng nợ 333 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 58 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu 1.422 tỷ đồng.
Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (DGC) cũng ghi nhận doanh thu và lãi ròng quý III tăng mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, trong quý, DGC tiếp tục có kỳ kinh doanh bùng nổ với doanh thu gần 3.700 tỷ đồng, tăng 75%; lãi ròng hơn 1.513 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ. Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp DGC báo lãi hơn nghìn tỷ đồng kể từ quý IV/2021.
Theo phân tích của VCBS, doanh thu của Hoá chất Đức Giang tăng trưởng chủ yếu do giá bán đầu ra tăng cao trong bối cảnh thiết hụt nguồn cung trên thế giới. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ Phốt pho vàng tăng nhẹ trong khi hầu hết sản lượng tiêu thụ các sản phẩm dẫn xuất như Acid Photphoric Trích ly, Acid Photphoric Thực phẩm, phân DAP, phân lân… có mức tăng trưởng âm trong bối cảnh nhu cầu phân bón trong nước thấp do giá cao và công ty chủ động đẩy mạnh sản xuất Acid Photphoric Điện tử.
Về tình hình tài chính, tính tới ngày 30/9, tổng tài sản của DGC đạt 12.752 tỷ đồng, tăng gần 50% so với con số đầu năm. Trong đó tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt 7.448 tỷ đồng, chiếm 58% tổng tài sản, gồm: tiền mặt 65 tỷ đồng, các khoản tương đương tiền 9 tỷ đồng và đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn 7.383 tỷ đồng. Hàng tồn kho còn 1.532 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên, vật liệu.
VCBS nhận định trong thời gian tới giá Phốt pho vàng tiếp tục duy trì mức cao sẽ là yếu tố hỗ trợ lợi nhuận doanh nghiệp do: Tình trạng thiếu điện tại các tỉnh sản xuất Phốt pho lớn như Vân Nam, Tứ Xuyên làm nhiều mỏ quặng phải dừng sản xuất. Trong khi đó, nhu cầu cho Phốt pho vàng vẫn tích cực khi xu hướng sản xuất pin LFP đang trong giai đoạn bùng nổ. Qua đó tiếp tục hỗ trợ giá bán Phốt pho vàng và các sản phẩm dẫn xuất.
CTCP DAP – VINACHEM (mã: DDV) báo cáo doanh thu thuần quý III đạt 742 tỷ đồng, giảm 5,9% và lãi ròng 57 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm chủ yếu do giảm sản lượng tiêu thụ (sản lượng tiêu thụ kỳ này là 36.601 tấn, giảm 23.234 tấn, tương ứng 38,83% so với cùng kỳ năm trước).Theo DDV, sản lượng bán giảm nhưng giá bán bình quân lại tăng 52% so với cùng kỳ nên dẫn tới doanh thu không giảm nhiều.
Dù vậy luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của DDV đạt 2.463 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và lãi ròng đạt 350 tỷ đồng, tăng 120%.
Doanh thu tăng trưởng chủ yếu do giá bán đầu ra tăng cao do thiếu hụt nguồn cung trên thế giới khi các nước lớn như Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu phân bón. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ 9 tháng của DDV chỉ đạt 126.000 tấn, giảm 38% so với cùng kỳ. Đây là mức tiêu thụ thấp điểm trong nhiều năm trở lại đây, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều gây ảnh hưởng tới nhu cầu sử dụng phân bón và giá phân bón ở mức cao trong khi giá gạo giảm làm nông dân hạn chế sử dụng.
Lợi nhuận ròng của DDV cho mức tăng trưởng tốt từ mức 7,4% trong 9 tháng năm ngoái lên 14,2% trong 9 tháng năm nay. Nguyên nhân chủ yếu tới từ sự mở rộng biên lợi nhuận trong bối cảnh giá đầu ra tăng mạnh nhưng giá đầu vào tăng chậm hơn.
VCBS nhận định, tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thế giới do lệnh cấm vận xuất khẩu của Trung Quốc và Nga đã đẩy giá phân DAP lên cao. Bên cạnh đó việc giá đầu là đá phosphate vẫn duy trì rất cao cũng là yếu tố tích cực cho giá DAP. Sản lượng tiêu thụ kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong quý IV/2022 và 2023 khi tới vụ mùa chính Đông Xuân, bên cạnh đó giá gạo đang có xu hướng tăng sẽ hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ phân bón giá cao.