Nhìn từ vụ Thế giới Di động: Cần xem xét cụ thể COVID-19 có phải sự kiện bất khả kháng hay không?
Sự việc Công ty CP Thế Giới Di Động - chủ hệ thống Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh của Doanh nhân Nguyễn Đức Tài - đơn phương thông báo tới các đối tác về việc Thế Giới Di Động không đóng tiền thuê mặt bằng trong thời gian đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã trở thành chủ đề nóng, gây nhiều ý kiến trái chiều.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trong thời điểm này, mỗi lĩnh vực ngành nghề sẽ có sự ảnh hưởng khác nhau. Bên kinh doanh chắc chắn khó khăn rồi nhưng chúng ta cũng cần xem xét, nhìn nhận, đánh giá như Thế Giới Di Động hay các đơn vị đi thuê mặt bằng sẽ khó khăn nhưng cũng có trường hợp chính người cho thuê mặt bằng cũng khó khăn bởi có thể họ đi vay ngân hàng mua nhà hoặc xây nhà để cho thuê... Bên đi thuê mong muốn được giảm tiền thuê nhưng ngân hàng lại không giảm tiền lãi cho họ nên người đi thuê họ vẫn phải trả lãi ngân hàng. Cho nên tuỳ vào từng hợp đồng cụ thể mà sự khó khăn của hai bên sẽ khác nhau, không phải cứ bên đi thuê là khó khăn, có thể bên cho thuê còn khó khăn hơn bên đi thuê.
Thứ 2, cần xem xét dịch bệnh COVID-19 diễn ra có được coi là trường hợp bất khả kháng hay không hay là tình trạng thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi căn bản. Theo quy định tại Điều 420, Bộ Luật dân sự 2015 có các trường hợp xảy ra: Trường hợp bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh gây ra không lường trước được, đã tìm mọi cách khắc phục nhưng không khắc phục được. Trong trường hợp như vậy thì không xác định lỗi của bên nào cả, đều có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng; Trường hợp thứ 2, khi kí kết trong hợp đồng đã lường trước được tình huống này rồi, thì căn cứ vào hợp đồng để thực hiện; Trường hợp thứ 3, nếu không xác định được là sự kiện bất khả kháng, không xác định là có thoả thuận trước mà dịch bệnh xảy ra thì các bên có thể căn cứ vào Điều 420 BLDS để xác định thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi căn bản. Khi hai bên kí kết hợp đồng không lường trước được tình huống, hoàn cảnh sẽ thay đổi như thế này, dẫn đến việc các bên khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng của mình.
Trong tình huống này, một bên đã đưa ra mọi biện pháp để khắc phục nhưng không khắc phục được thì có quyền yêu cầu sửa đổi nội dung, còn nếu bên cho thuê không chấp nhận thì bên đi thuê có quyền khởi kiện ra toà, yêu cầu toà án xem xét thay đổi điều khoản trong hợp đồng. Đồng thời, đề nghị chấm dứt hợp đồng.
Như vậy, theo Luật sư Đặng Văn Cường, căn cứ vào quy định pháp luật, căn cứ vào thực tiễn của từng hợp đồng để xác định trường hợp dịch COVID-19 có phải bất khả kháng hay không? Có xác định hoàn cảnh thay đổi căn bản hay không để đi đến sự thống nhất. Trong trường hợp chuỗi cửa hàng lớn như Thế Giới Di Động hoặc các ngân hàng, các cơ sở kinh doanh lớn đơn phương ra thông báo họ chỉ trả một phần hoặc miễn luôn... thì dưới góc độ pháp luật đây chỉ là ý chí đơn phương của một bên, ý chí đó mang tính chất đề xuất. Theo đó, bên cho thuê nhà có thể chấp nhận điều đó và hai bên vui vẻ tiếp tục hợp tác theo thoả thuận hoặc bên cho thuê nhà có thể không đồng ý với điều đó. Trong trường hợp này quyền quyết định vẫn thuộc về bên cho thuê, có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận chấp dứt hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng và lấy lại nhà.
"Chúng ta thấy rằng dịch COVID-19 đã diễn ra gần 2 năm nay, một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch là các hợp đồng thuê mặt bằng, đặc biệt là các mặt bằng ở vị trí đắc địa với chi phí thuê lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Việc miễn, giảm tiền thuê mặt bằng là cần thiết để các bên cùng nhau vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, trong tình huống này thể hiện vấn đề ứng xử của bên đi thuê (Thế Giới Di Động – PV). Công ty CP Thế Giới Di Động nên có phần thư ngỏ hoặc kiến nghị, đề xuất mang tính chất tôn trọng, cầu thị để hai bên đi đến một sự thương lượng với nhau sẽ tốt hơn", Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Bên cạnh đó, theo Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, nếu TGDĐ ra văn bản về việc không thực hiện nghĩa vụ đóng tiền thuê nhà hoặc giảm khi chưa có sự đồng ý của bên cho thuê thì đó là một hành động đơn phương, ý chí của một bên.
Về chi tiết TGDĐ viện lý do "bất khả kháng" để yêu cầu được giảm hoặc miễn trừ tiền thuê nhà, LS Diệp Năng Bình khẳng định hiện nay, có thể thấy hầu như doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kể cả người cho thuê nhà vì có thể đây là nguồn thu nhập chính của họ.
"Nếu cứ viện dẫn dịch COVID-19 để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng sẽ không còn quan hệ hợp đồng nào nữa được thực hiện. Dịch COVID-19 không đồng nghĩa với sự kiện bất khả kháng", Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật khẳng định.
Như trước đó đã đưa tin, ông T.V.M chủ nhà cho thuê mặt bằng kinh doanh tại tỉnh Bình Định "tố" Thế Giới Di Động của doanh nhân Nguyễn Đức Tài tự ý giảm tiền thuê mặt bằng, không thông qua ý kiến của chủ cho thuê.
Ông T.V.M – chủ cho thuê mặt bằng cho biết, nếu Thế Giới Di Động tiếp tục không tôn trọng và tuân thủ hợp đồng thuê mặt bằng đã ký kết, ông sẽ chuyển hồ sơ khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết.
Sau khi thông tin trên được đăng tải, nhiều chủ nhà khác cho Thế Giới Di Động thuê nhà như gia đình bà B.L. (Q.12, TP.HCM) vẫn chưa nhận được tiền cho thuê mặt bằng của hai tháng 8 và 9/2021, hiện đang trong kỳ thanh toán tháng 10 hay chị T.B. (TP Thủ Đức) cũng trong trường hợp nhận được thông báo tương tự.
Trở lại việc Công ty CP Thế giới Di động đã Công văn 0208/2021/TGDĐ – ĐMX ngày 02/08/2021 gửi các đối tác mặt bằng của chuỗi cửa hàng Thế giới Di động về việc thanh toán tiền thuê mặt bằng, trong giai đoạn cửa hàng đóng cửa vì đại dịch COVID-19 thì việc cắt giảm chi phí nằm trong chiến lược của ông chủ Thế Giới Di Động kể từ năm 2020 - "năm Covid" đầu tiên.
Trong một lần chia sẻ tại chương trình Shark Tank Forum 2020, doanh nhân Nguyễn Đức Tài cho biết, Thế Giới Di Động áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng", "cái gì cắt được thì cắt", bao gồm cả tiền thuê mặt bằng cửa hàng. Theo tính toán của ông Tài, tỷ lệ thuê mặt bằng trên doanh thu của Thế Giới Di Động vào khoảng 1,5-2%.
"Vì đây là khó khăn thật chứ không phải mình tung hỏa mù với đối tác của mình. Tôi đã khó khăn thật mà bạn còn làm khó tôi nữa thì thôi, tôi trả mặt bằng chứ làm gì bây giờ?", ông Tài nói.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động trong năm 2020 và 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng dương bất chấp những khó khăn từ dịch bệnh toàn cầu.
Cụ thể, năm 2020 lợi nhuận sau thuế của Thế Giới Di Động đạt hơn 108.500 tỷ đồng doanh thu và gần 3.920 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 6% và 2% so với năm 2019.
Còn theo báo cáo tình hình kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của Thế Giới Di Động vẫn tăng trưởng 8% so với cùng kỳ, đạt 8.495 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 12%.
Nếu nhìn tổng thể Thế Giới Di Động vẫn đang "ăn nên làm ra". Hơn nữa, cũng không thể nói vì doanh thu tháng 8 giảm mạnh, doanh nghiệp "bắt" chủ cho thuê mặt bằng giảm 70% tiền thuê. Vậy khi doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh, công ty có tăng tiền nhà cho chủ thuê không?
Chân dung ông chủ "đế chế" bán lẻ Thế giới Di động
Doanh nhân Nguyễn Đức Tài sinh ngày 30/5/1969 tại TP.HCM, quê gốc ở Nam Định. Ông chính là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động. Ông Nguyễn Đức Tài là 1 trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2019. Tổng giá trị tài sản hiện nay của ông lên đến 3.260,88 tỷ đồng.
Mỗi khi nhắc đến cái tên Thế Giới Di Động là hầu như người Việt Nam đều biết đến với chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại, máy tính, phụ kiện… nổi tiếng. Bên cạnh việc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, ông Nguyễn Đức Tài còn là chủ của hệ thống các cửa hàng Điện máy xanh, Bách hoá xanh. Thành công nhất của ông chính là việc phát triển Thế Giới Di Động thành một trong những thương hiệu, nhà bán lẻ mặt hàng di động hàng đầu Việt Nam.Được biết đến là một tỷ phú nổi tiếng, như một “người khổng lồ” trong ngành bán lẻ điện thoại di động và các thiết bị điện máy với hai siêu phẩm là Thế Giới Di Động và Điện máy xanh, chiếm thị phần số 1 Việt Nam hiện nay.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Pháp, ông Tài quyết định quay về nước và làm Giám đốc tài chính cho 1 tập đoàn của Thụy Sĩ có trụ sở tại Việt Nam. Sau 8 năm gắn bó với công việc Giám đốc tài chính ông Tài quyết định từ bỏ công việc tốt để khởi nghiệp. Ông bắt đầu công việc kinh doanh bằng việc mở 3 cửa hàng bán điện thoại di động.
Tuy nhiên, bởi sự chủ quan, tính hiếu thắng không cần ai giúp đỡ hay hợp tác cùng đã khiến ông gặp thất bại thảm hại. Nhưng ông quyết không từ bỏ ý định kinh doanh của mình. Để có thể xây dựng sự nghiệp lại một lần nữa, ông Tài lại đi làm thuê để tích góp tiền vốn kinh doanh.
Năm 2004, ông cùng với 4 cộng sự của mình thành lập Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động với số vốn khoảng 2 tỷ đồng. Trong số 2 tỷ tiền vốn ban đầu, ông Tài có đóng góp 700 triệu đồng. Ông mở liên tiếp 3 cửa hàng bán lẻ điện thoại, cùng với việc xây dựng quảng cáo cửa hàng thông qua website trực tuyến. Tuy nhiên, kết quả doanh thu cũng chẳng mấy khả quan.
Nhận thấy sai lầm trong cách điều hành kinh doanh, ông đã chọn việc tập trung đầu tư vào 1 cửa hàng bán điện thoại duy nhất một cách bài bản. Chính điều này đã giúp ông thu về một lượng khách hàng ổn định, tốc độ phát triển ấn tượng.
Giai đoạn năm 2004 -2008 dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Đức Tài có hơn 40 cửa hàng Thế Giới Di Động được ra đời và đi vào hoạt động. Để có thể nắm rõ được tình hình hoạt động của công ty, mọi khâu kinh doanh từ: Bán hàng, tuyển dụng, giá bán, vận hành đều có sự tham gia của ông Tài.
Sau sự thành công rực rỡ của chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại Thế Giới Di Động, ông Tài tiếp tục cho xây dựng đế chế mới, lấn sân sâu vào lĩnh vực điện máy, các chuỗi cửa hàng Điện máy xanh tiếp tục được ra đời. Đến nay, bên cạnh Thế Giới Di Động và Điện máy xanh, ông Tài tiếp tục mở rộng thị trường kinh doanh hàng tiêu dùng với sự ra đời của Bách hoá xanh – đơn vị bị phản ánh bán hàng tăng giá trong thời điểm dịch căng thẳng khiến nhiều khách hàng bức xúc.