Những lùm xùm xung quanh việc đấu giá tài sản vụ án Văn Văn Nghĩa, liệu có trục lợi?
Cựu chủ tịch QTDND Tân Tiến - Văn Văn Nghĩa bị tuyên án 19 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng những tài sản liên quan đến vụ án lại khiến dư luận cho rằng đang có dấu hiệu trục lợi.
Liên quan đến vụ án Văn Văn Nghĩa, cựu chủ tịch HĐQT quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Tân Tiến về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng ông Nghĩa đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại hơn 1.000 tỉ và bị tuyên án 19 năm tù, tuy nhiên những tài sản liên quan đến vụ án lại khiến dư luận quan tâm khi đang có dấu hiệu trục lợi.
Văn bản đề nghị thẩm định lại giá tài sản của BIDV Đông Đồng Nai
Mới đây, Ngân hàng BIDV chi nhánh Đông Đồng Nai có văn bản số 52 gửi Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai về việc đề nghị thẩm định lại giá tài sản.
Văn bản nêu rõ tại thông báo số 102/TB- CTHA.NV của Cục thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai thông báo giá trị tài sản là Giấy chứng nhận QSDĐ số H07889 và BK 552054 (thửa đất số 1426 và 2538, tờ bản đồ số 39 tại xã Sông Trầu huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai hiện đang thế chấp tại BIDV Đông Đồng Nai được Công ty Cổ phần Thẩm định giá Đồng Nai thẩm định với giá trị 12.148.560.000 VNĐ nhận được thông báo vào ngày 25/1/2021.
Chi nhánh văn phòng công ty Đấu giá Đông Nam
Trụ sở Cục thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai
Theo BIDV thì tài sản này đã được thế chấp tại BIDV Đông Đồng Nai từ tháng 8/2017 tại thời điểm đó 2 tài sản này được Công ty Cp Thẩm định giá Thế Kỷ thực hiện cấp chứng thư thẩm định số N172146G/CENVALUE - CTTĐ ngày 28/6/2017 với giá trị là 16.232.000.000VNĐ.
Cục thi hành án tỉnh Đồng Nai báo cáo về việc tổ chức thi hành án vụ Văn Văn Nghĩa
Qua kiểm tra tài sản thực tế và thẩm định sơ bộ các tài sản gần vị trí xung quanh các tài sản này, đang được thị trường giao dịch với giá cao hơn so với thông báo số 102/TB -CTHA.NV của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai.
Do đó BIDV Đông Đồng Nai không đồng ý với kết quả thẩm định giá theo thông báo số 102/TB -CTHA.NV của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai. Đồng thời đề nghị thẩm định lại đối với 2 tài sản là Quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số H07889 và BK 552054 để tránh việc định giá không đúng giá trị gây thất thoát trong công tác thu hồi.
Được biết phần tài sản này do Công ty Cổ phần Thẩm định giá Đồng Nai thẩm định và Công ty đấu giá Hợp danh Đông Nam là đơn vị tổ chức đấu giá. Vậy tại sao cùng là 2 thửa đất mà năm 2017 đã được thẩm định giá cao hơn thời điểm hiện tại khi mà rõ ràng giá giao dịch thực tế tại khu vực này đang rất cao, lý do gì việc thẩm định giá đối với tài sản kể trên của Văn Văn Nghĩa bị chênh lệch?
Có ý kiến cho rằng vì lý do khách quan: Trước khi được đo bao từ 02 thửa là 1426 và thửa 2538 thành thửa 2538 tờ 39 thì thửa đất số 2538 đã được nhà nước thu hồi xong để làm sự án đường dây diện 500Kv Phú Mỹ - Sông Mây theo kết quả xác minh tại báo cáo ngày 8/1/2021 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai về việc tổ chức thi hành án đối với vụ Văn Văn Nghĩa nên giá trị tài sản mới bị giảm sút như vậy.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng có thể vì một số lý do chủ quan nào khác... Chưa rõ lý do là gì, nhưng việc BIDV Đông Đồng Nai có văn bản đề nghị thẩm định giá lại tài sản bởi BIDV cho rằng việc Công ty Cổ phần Thẩm định giá Đồng Nai thẩm định giá sai không đúng giá trị có thể gây thất thoát trong công tác thu hồi vốn của nhà nước cũng như của BIDV và các bị hại trong vụ án Văn Văn Nghĩa đang cho thấy đây có thể là dấu hiệu manh nha trục lợi của một số đối tượng nào đó gây tổn hại cho các bên liên quan cũng như công tác thu hồi vốn!?
Phần tài sản nằm trong vụ án của Văn Văn Nghĩa đang bị cho là định giá sai vì giá trị thực tế đang giao dịch tại khu vực đang cáo hơn rất nhiều công ty thẩm định giá đã đưa ra
Tuy nhiên có một thực tế, thời gian qua công tác thẩm định giá tài sản thi hành án chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Đã có rất nhiều trường hợp đã phải trả giá thậm chí đối mặt với án tù, nhưng những khuất tất đến nay vẫn còn đề ngỏ.
Có thể kể ra đây một vài ví dụ như vào năm 2003, Tại Phú Yến có vụ án ông Đinh Thiên Trường khi đó là chấp hành viên của Chi Cục thi hành án dân sự huyện Phú Hòa (Phú Yên) được giao thi hành quyết định thi hành bản án của TAND TP Tuy Hòa buộc ông Nguyễn Đức Trung (ngụ tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa) trả nợ vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh thành phố Tuy Hòa 12,5 triệu đồng.
Đinh Thiên Tường đã lập khống biên bản xác minh tài sản, kê biên định giá toàn bộ ngôi nhà của ông Nguyễn Đức Trung không đúng với diện tích đất và thấp hơn giá trị thực tế. Sau đó, Đinh Thiên Tường dàn xếp, tổ chức phiên đấu giá giả, nhờ người quen tham gia đấu giá, mua ngôi nhà của ông Trung rồi bán lại cho ông Đặng Thiên Vũ (ngụ tại TP Tuy Hòa) để trục lợi 90 triệu đồng.
Việc làm của ông Tường đã khiến 4 cha con ông Trung bị mất nhà. Không những thế, còn gây ra hậu quả pháp lý khác là ông Đặng Thiên Vũ khi dọn về ngôi nhà mới mua này để ở thì bị con ông Trung đánh, phải khởi tố vụ án cố ý gây thương tích. Sau nhiều lần xét xử, ngày 7/5/2015 trong khi bị cáo Tường đang thi hành bản án 5 năm tù giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên xử sơ thẩm lại phần dân sự của vụ án.
Hay mới đây nhất là vụ việc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) - Chi nhánh Hoàn Kiếm bị khách hàng “tố” dàn xếp đấu giá, đấu giá cả tài sản không thế chấp, mới đây Bộ Tư pháp đã có Kết luận Thanh tra số 17/KL-TTR về vụ việc. Theo đó, trong quá trình xử lý tài sản thế chấp, Ngân hàng Techcombank, Công ty TNHH MTV Tư vấn và Thẩm định giá Sao Mộc và Công ty Đấu giá hợp danh Hà Thành đã có nhiều sai phạm trong việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp, trong thương vụ này, có dấu hiệu dàn xếp giữa Ngân hàng Techcombank, Công ty Đấu giá hợp danh Hà Thành và bên trúng đấu giá là Công ty Cổ phần đầu tư TCO Việt Nam để dìm giá tài sản bán đấu giá nhằm trục lợi.
Điểm bất hợp lý bắt đầu từ việc, trong thời gian thông báo bán đấu giá chỉ có duy nhất một khách hàng đăng ký tham gia đấu giá tài sản là Công ty Cổ phần đầu tư TCO Việt Nam.
Đáng nói, Công ty TCO và Công ty Đấu giá hợp danh Hà Thành lại là “chỗ thân quen”. Theo thông tin trên báo chí, trước thời điểm tham gia đấu giá, Công ty TCO có 25% cổ phần tại Công ty Đấu giá hợp danh Hà Thành (theo ĐKKD thay đổi lần thứ 3 ngày 07/10/2013). Tại thời điểm đăng ký tham gia đấu giá và là người mua trúng đấu giá, Công ty TCO đã thoái vốn tại Công ty Đấu giá hợp danh Hà Thành (theo ĐKKD thay đổi lần thứ 4 ngày 08/6/2015).
Chưa hết, Công ty TCO và Techcombank cũng có “mối quan hệ” đặc biệt. Cụ thể, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty TCO đăng ký thay đổi lần thứ 8 ngày 28/5/2014, công ty này có vốn điều lệ là 150 tỷ đồng. Ngân hàng Techcombank là 1 trong 3 cổ đông sáng lập, và có tới 55% cổ phần.
“Trong quá trình bán đấu giá tài sản thế chấp của ông Trần Ngọc Liên và bà Nguyễn Thị Hằng, Ngân hàng Techcombank đã chấp thuận bằng văn bản để Công ty TCO tham gia đấu giá trong trường hợp chỉ có 1 khách hàng đăng ký là không khách quan vì Ngân hàngTechcombank nắm giữ 55% cổ phần chi phối tại Công ty Cổ phần đầu tư TCO Việt Nam.
Nội dung phản ánh việc tổ chức bán đấu giá tài sản của Công ty Đấu giá hợp danh Hà Thành có dấu hiệu thông đồng, móc ngoặc giữa Ngân hàng Techcombank và Công ty Cổ phần đầu tư TCO Việt Nam để dìm giá tài sản bán đấu giá nhằm trục lợi là có cơ sở”, trích kết luận thanh tra.
Trở lại với vụ việc ngân hàng BIDV Đông Đồng Nai không đồng ý với kết quả thẩm định giá của Công ty Cổ phần Thẩm định giá Đồng Nai và yêu cầu thẩm định lại, dư luận bày tỏ thắc mắc vì sao một tài sản có giá trị lớn lại thẩm định thấp hơn thời điểm năm 2017, phải chăng có điều gì khất tất phía sau?
Hải Dương