Những nhiệm vụ trọng tâm để ngân hàng Việt vươn xa
18:15 | 08/05/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Với tham vọng ngân hàng Việt có thể lớn mạnh hơn về quy mô vốn, về công nghệ, đội ngũ nhân lực… xứng tầm cùng các ngân hàng trong khu vực châu Á, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức “Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2019”, với chủ đề “Để ngân hàng Việt vươn xa”.
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công của ngành ngân hàng, với các thành tựu được Đảng, Nhà nước, các thành phần trong nền kinh tế, cũng như các tổ chức và các nhà đầu tư quốc tế ghi nhận. Việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đã góp phần tích cực đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tạo nền tảng quan trọng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, về lạm phát: NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ CSTT để kiểm soát lạm phát cơ bản ổn định ở mức thấp (bình quân năm 2016: 1,83%; 2017: 1,41%; 2018: 1,48%), tạo dư địa cho việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đảm bảo kiểm soát lạm phát chung theo đúng mục tiêu, năm 2018 ở mức 3,54%.
Đối với lãi suất: Trong bối cảnh lãi suất trên thế giới tăng ở cả nhóm các nước phát triển như Mỹ (4 lần) và nhóm các nước mới nổi (Argentina tăng 6 lần, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 3 lần, Ấn Độ tăng 2 lần, Philippines tăng 4 lần, Indonesia tăng 6 lần) thì lãi suất trong nước được NHNN điều hành khá ổn định, thậm chí giảm lãi suất điều hành ngay từ đầu năm (giảm từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm), nhằm hỗ trợ thanh khoản và góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD; mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng được duy trì ở mức phù hợp, lãi suất cho vay khá ổn định phổ biến trong khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9-11%/năm.
Trong bối cảnh hầu hết các đồng tiền của các thị trường mới nổi đều mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ (USD), một số nước bị giảm dự trữ ngoại hối để can thiệp ổn định tỉ giá, thì tỉ giá trong nước diễn biến khá ổn định: tỉ giá thị trường tăng khoảng 2,2-2,3%, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút vốn đầu tư (FDI thực hiện tăng 9,1%) và hỗ trợ xuất khẩu (xuất siêu năm 2018 đạt 6,8 tỷ USD);…
Năm 2018, tốc độ tăng tín dụng được kiểm soát ở mức hợp lý. NHNN chú trọng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến cuối năm 2018, tín dụng tăng 13,89% so với cuối năm trước (năm 2017 tăng 18,28%); trong đó, tín dụng tiền đồng (VNĐ) tăng 15,49% (năm 2017 tăng 18,34%); tín dụng ngoại tệ giảm 5,06% (năm 2017 tăng 17,66%) phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ.
Trong năm 2019, theo bà Nguyễn Thị Hồng, NHNN đã và đang điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng và đồng bộ các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra. Điều hành nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản của các TCTD ở mức hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu CSTT. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ CSTT khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu CSTT. Tái cấp vốn cho TCTD đề hỗ trợ thanh khoản, cho vay, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu. Điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, biện pháp can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.
Thứ hai, điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó, ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỉ lệ an toàn vốn tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016. Chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán,…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.
Ngoài ra, trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, NHNN triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Việc xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững…
Trong hoạt động thanh toán, NHNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán của người dân. Đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc. Triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược Quốc gia về Tài chính Toàn diện tại Việt Nam.Thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ...