Những ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua lật đổ ngôi vương của USD

Minh Quang 14:19 | 19/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hành động của Mỹ được xem như “vũ khí hóa đồng USD” và khiến nhiều quốc gia khác lo sợ. Các chuyên gia cảnh báo rằng động thái của Washington sẽ gây tổn hại đến đồng bạc xanh.

Nỗ lực từ bỏ USD

Năm 2022, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, các nước phương Tây với sự dẫn dắt của Mỹ đã áp đặt hơn 12.000 lệnh trừng phạt chống lại Moscow, theo dữ liệu từ nền tảng Castellum.AI.

Mỹ và các đồng minh đã phong tỏa tài sản của ngân hàng trung ương Nga, cắt đứt nhiều nhà băng của nước này khỏi hệ thống tài chính quốc tế và đẩy Moscow tới cảnh vỡ nợ về mặt kỹ thuật.

Hành động của Mỹ được xem như “vũ khí hóa đồng USD” và khiến nhiều quốc gia khác lo sợ. Các chuyên gia cảnh báo rằng động thái của Washington sẽ gây tổn hại đến đồng bạc xanh.

Thuận lợi

Kể từ sau Thế chiến II, Mỹ đã thường xuyên sử dụng USD để trừng phạt các quốc gia đối thủ, khiến nhiều nền kinh tế như Venezuela, Cuba, Iran,... lao đao.

Sợ chịu chung số phận như Nga, cũng như mong muốn tự chủ hơn trong lĩnh vực tài chính, ngày càng nhiều quốc gia đã tham gia vào nỗ lực “phi dollar hóa”.

Tiêu biểu nhất phải kể đến Trung Quốc - nền kinh tế số hai thế giới, Nga - một trong những quốc gia giàu tài nguyên nhất thế giới và các nước như Ấn Độ, Brazil, Indonesia,...

Sức mạnh kinh tế của Mỹ so với phần còn lại của thế giới đang ngày càng suy yếu. Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), vào năm 1980, Mỹ chiếm khoảng 21,3% tổng sản phẩm quốc nội tính theo ngang giá sức mua (GDP PPP) của thế giới, trong khi Trung Quốc chỉ đạt 2,3%.

Tới năm 2022, GDP PPP của Trung Quốc đã vượt Mỹ và khoảng cách giữa hai nước được dự báo sẽ ngày càng nới rộng.

 

 

Thách thức

Nhiệm vụ tìm ra ứng viên thay thế cho USD không hề đơn giản. Trước hết, Mỹ hiện là nền kinh tế số một xét theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và có thị trường tài chính phát triển bậc nhất.

Kể từ những năm 1970, đồng bạc xanh còn được dùng để niêm yết và thanh toán cho dầu mỏ từ các quốc gia vùng Vịnh như Arab Saudi, UAE, Kuwait,…

Mỹ cũng nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

So với những loại tiền tệ hay tài sản khác, USD cũng có nhiều ưu điểm, chẳng hạn như giá trị tương đối ổn định, tính thanh khoản cao. 

Chính phủ, doanh nghiệp và hệ thống tài chính đã quá quen thuộc với đồng bạc xanh và các hạ tầng thanh toán được thiết kế dành riêng cho USD. Chi phí và thời gian để chuyển sang một giải pháp khác sẽ vô cùng lớn.

 

Những ứng cử viên sáng giá thay thế cho USD

Vàng

Vàng được nhiều người kỳ vọng có thể trở thành đối trọng của USD do tính thanh khoản cao cũng như lịch sử lâu đời. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới vẫn giữ vàng như một tài sản thay thế cho các loại tiền pháp định.

Nhìn chung, hạn chế lớn nhất của vàng chính là nguồn cung không theo kịp nhu cầu. Mỗi năm thế giới chỉ có năng lực khai thác một lượng vàng nhất định, đồng thời, tổng trữ lượng vàng trên thế giới là hữu hạn. 

Theo ước tính của Hội đồng Vàng Thế giới, cho tới nay, khoảng hơn 200.000 tấn vàng đã được khai thác và chỉ còn hơn 50.000 tấn nằm dưới mặt đất.

Trong khi đó, không có giới hạn nào cho quy mô hay tốc độ phát triển của một nền kinh tế. Bởi vậy, nếu quay lại sử dụng vàng, rất có thể nguồn cung tiền sẽ bị thắt chặt, kìm hãm sự phát triển kinh tế.

 

Đồng tiền chung

Gần đây, khối BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã đề xuất ý tưởng tạo một đồng tiền chung dựa trên vàng và các kim loại, hàng hóa có giá trị khác.

BRICS sẽ không tạo ra một đồng tiền như euro (EUR) để thay thế cho tiền tệ của tất cả thành viên, mà chỉ là đồng tiền được dùng trong dự trữ và thanh toán quốc tế.

Đầu những năm 2000, EUR được triển khai và nhiều chuyên gia đã dự báo về ngày tàn của USD. Tuy vậy, sau hơn 20 năm, tỷ trọng của EUR trong dự trữ ngoại hối và giao dịch quốc tế chỉ lần lượt đạt khoảng 20% và 30%.

 

Quy mô kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) và BRICS có thể được coi là tương đương với Mỹ. EUR đang được các thành viên của khối EU sử dụng thay thế nội tệ, giúp thanh khoản và dự trữ tăng lên.

Bất chấp các lợi thế trên, dự trữ ngoại hối toàn cầu bằng đồng EUR hiện nay chỉ bằng khoảng 1/3 so với USD.

So với EU, BRICS là một liên minh lỏng lẻo. Đồng tiền chung của liên minh mới này cũng sẽ khó đạt mức thanh khoản cao như EUR khi các nước vẫn tiếp tục dùng nội tệ.

Bởi vậy, viễn cảnh BRICS có thể tạo ra một loại tiền tệ vượt qua được EUR, chứ chưa nói tới USD, vẫn còn khá xa vời.

Bitcoin

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, bitcoin - đồng tiền mã hóa đầu tiên và cũng thành công nhất - đã được tạo ra.

Những người ủng hộ cho rằng bitcoin nói riêng và thị trường tiền mã hóa nói chung có tương lai rộng mở và có khả năng thay thế các loại tiền pháp định, bao gồm cả USD.

Những người này chỉ ra rằng bitcoin có những đặc điểm tương tự như vàng: bền bỉ, dễ chia nhỏ, khan hiếm, có thể thay thế lẫn nhau.

Tuy nhiên, tiền mã hóa khó thế chân cho USD vì nhiều nguyên nhân. Trước hết, vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa hiện nay (khoảng 50% là bitcoin) cũng chỉ tương đương khoản 1.000 tỷ USD, quá nhỏ bé nếu so với vàng hay trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Ngoài ra, số lượng bitcoin là giới hạn, và phần lớn tập trung vào tay một số cá nhân, tổ chức (hay còn được gọi là các cá voi). Việc chấp nhận bitcoin như một đồng tiền dự trữ sẽ trao cho những cá nhân này quá nhiều quyền lực.

Hơn nữa, giá của tiền mã hóa thường biến động rất mạnh, có thể lên tới hàng chục % chỉ trong một ngày do quy mô thị trường nhỏ, tính thanh khoản thấp.

Theo ước tính của Bloomberg, El Salvador – một quốc gia nhỏ Trung Mỹ - đã thiệt hại gần 40 triệu USD vì nắm giữ 2.546 bitcoin. Số BTC này được mua với chi phí108 triệu USD hiện chỉ có giá trị khoảng 70 triệu USD.

Nhân dân tệ

Đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu – được nhiều người kỳ vọng là ứng cử viên sáng giá để thay thế USD. Trung Quốc dự kiến sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035, theo dự báo của Goldman Sachs.

Ngoài ra, nền kinh tế số hai thế giới còn có một thị trường rộng lớn và là nhà nhập khẩu hàng đầu về nhiên liện, kim loại, lương thực. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, CNY đã thay thế USD trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất tại Nga, theo Bloomberg.

 

Tuy vậy, bản thân Trung Quốc có thể không muốn biến CNY trở thành đồng tiền dự trữ thay thế cho USD.

Việc trở thành đồng tiền dự trữ và thanh toán khiến nhu cầu của USD luôn cao, thúc đẩy giá tăng theo. Đồng tiền mạnh hơn khiến xuất khẩu kém cạnh tranh, gây thiệt hại cho chính nền kinh tế Mỹ.

Trung Quốc – nơi được mệnh danh là công xưởng của thế giới – nhiều khả năng sẽ không chấp nhận biến CNY trở thành đồng tiền dự trữ và mất đi lợi thuế xuất khẩu.

Lý thuyết Bộ ba bất khả thi chỉ ra rằng một quốc gia không thể đồng thời đạt được cả ba mục tiêu: chính sách tiền tệ độc lập, tỷ giá hối đoái cố định và dòng vốn nước ngoài tự do luân chuyển.

Mỹ lựa chọn tự chủ về chính sách tiền tệ và cho dòng vốn tự do ra vào nhưng chấp nhận để USD biến động theo cung cầu của thị trường.

Trong khi đó, Trung Quốc chọn hai mục tiêu là tự chủ về chính sách tiền tệ và ổn định tỷ giá, nhưng phải chấp nhận việc dòng vốn không được tự do đi lại qua biên giới.

Nếu chuyển sang mô hình của Mỹ, Trung Quốc sẽ phải chấp nhận một đồng CNY  biến động theo thị trường và nhiều khả năng sẽ tăng giá.

Khi đồng nội tệ tăng giá, hàng hóa của Trung Quốc sẽ kém cạnh tranh và khó xuất khẩu hơn. Kết quả là, hoạt động sản xuất có nguy cơ trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp có thể đi lên.

Các thỏa thuận, cơ chế song phương

Nhiều quốc gia cũng đang thảo luận các cơ chế song phương nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán bằng đồng nội tệ của nhau.

Chẳng hạn, Ấn Độ chấp nhận mua dầu thô bằng đồng dirham của UAE, Brazil và Argentina tạo một đồng tiền chung, Nga và Trung Quốc buôn bán bằng CNY, ruble.

Những thỏa thuận này thúc đẩy các quốc gia tăng cường dự trữ và sử dụng đồng nội tệ của đối tác, qua đó giảm tỷ trọng USD. Tuy nhiên, không phải nền kinh tế nào cũng có khả năng thanh toán bằng đồng nội tệ của mình.

CNY, EUR, bảng Anh (GBP), yên Nhật (JPY) hay rupee Ấn Độ có thể dễ dàng được chấp nhận thay USD bởi đây là đồng tiền từ các nền kinh tế lớn, có hoạt động thương mại mạnh mẽ và dễ dàng quy đổi.

Những nền kinh tế yếu hơn, ít giao thương với thế giới sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc tiếp tục dùng USD.

Tương lai của USD

Hiện nay, USD vẫn chiếm khoảng 58% dự trữ ngoại hối và 40% thương mại toàn cầu. Do vậy, đồng bạc xanh sẽ khó bị lật đổ trong một sớm một chiều.

Quá trình thay thế một đồng tiền dự trữ toàn cầu có thể kéo dài tới hàng thập kỷ. Cuối thế kỷ 19, Mỹ đã vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế (CEPR), GBP vẫn tiếp tục thống trị cho tới năm 1929.

USD phải tốn khoảng nửa thế kỷ, một cuộc chiến tranh thế giới và một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu để hạ bệ GBP. Đến cuối Thế chiến II, sau thỏa thuận Bretton Woods, USD chính thức trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Bởi vậy, không nên kỳ vọng rằng USD sẽ bị bất kỳ ứng cử viên nào liệt kê ở trên đánh bại trong tương lai gần. Thay vào đó, tất cả những giải pháp trên có thể sẽ cùng nhau từng bước bào mòn quyền bá chủ của đồng bạc xanh.

Đáng lưu ý là USD đang suy yếu với tốc độ cao kỷ lục. Kể từ đầu năm 2016, trung bình mỗi quý, tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu bị bào mòn với tốc độ khoảng 0,4%. So với quý III/2023, tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối quý IV/2022 đã giảm tới 1,4% điểm %.

(Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 6/2023)