Nước Anh tuyên chiến với đồ ăn không lành mạnh, cấm hẳn quảng cáo trên mạng từ cuối năm 2022
Hôm qua, Thủ tướng Anh, Boris Johnson đã cam kết sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng béo phì của nước này bằng việc đề xuất một loạt lệnh cấm và hạn chế quảng cáo đồ ăn vặt không lành mạnh và yêu cầu dán nhãn lượng calo trong đồ ăn lên bao bì sản phẩm. Thủ tướng Johnson cũng cam kết một kế hoạch lớn để Bộ Y tế nước này tiếp tục cuộc chiến chống COVID-19.
Theo dự luật được đề xuất, các quảng cáo đồ ăn vặt không lành mạnh sẽ không được phát trên truyền hình trước 9 giờ tối và cấm hẳn không được quảng cáo trên mạng, từ cuối năm 2022.
Các công ty sản xuất thực phẩm có từ 250 người lao động trở lên sẽ phải ghi thông tin về lượng calo có trong thực phẩm lên nhãn sản phẩm, tuy nhiên đồ uống không phải thực hiện yêu cầu này.
Khoảng 1/10 trẻ em bắt đầu vào tiểu học ở Anh bị béo phì và lên cấp 2 tỉ lệ này tăng lên 1/5
Từ năm 2022, sẽ bắt đầu áp dụng việc cấm những quảng cáo kiểu như “mua 1, tặng 1” đối với những loại thực phẩm và đồ uống có lượng đường, chất béo hoặc muối cao.
Cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu một sáng kiến mới để tặng thưởng nhằm khuyến khích người dân tập luyện thể dục thể thao nhiều hơn nữa và cải thiện chế độ ăn uống của họ.
Chính phủ Anh khẳng định việc hỗ trợ người dân đạt được và duy trì cân nặng tốt cho sức khỏe là một trong những điều quan trọng nhất cần làm để cải thiện sức khỏe toàn dân. Theo đó, việc tạo ra môi trường trong đó người tiêu dùng có thể dễ dàng có những lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe, công bằng hơn cho tất cả mọi người là cần thiết để đối phó với nạn béo phì.
Quyết định quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ Anh được giải thích “do chính trải nghiệm cá nhân của ông Boris Johnson trong dịch COVID-19”.
Khi ông Boris Johnson phải nhập viện và điều trị tăng cường vào tháng 3/2020, sau khi bị nhiễm virus Corona, Thủ tướng Anh đã suýt tử vong vì dịch bệnh. Ông đã nhiều lần thừa nhận rằng cơ thể thừa cân là một trong những yếu tố khiến tình hình sức khỏe xấu đi vì lúc đó ông cân nặng 115 kg.
Theo số liệu của Cơ quan Y tế cộng đồng Anh (PHE), hơn 60% người trưởng thành ở Anh được xếp vào diện thừa cân hoặc béo phì. Còn theo báo Telegraph, khoảng 1/10 trẻ em bắt đầu vào tiểu học ở Anh bị béo phì và lên cấp 2 tỉ lệ này tăng lên 1/5.
Các vấn đề sức khỏe liên quan cân nặng đã gây tốn kém khoảng 6 tỷ bảng Anh (7,69 tỷ USD) cho Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) và chỉ riêng trong năm 2019 đã có gần 900.000 ca bệnh nhập viện liên quan tới béo phì.
Thu Thắm
Xem thêm: Hàng loạt công ty tăng doanh thu sau khi nói không với quảng cáo Facebook