Ông chủ của "đại gia" xử lý rác bị ngân hàng BIDV siết nợ là ai?
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang. Giá khởi điểm của khoản nợ là gần 676 tỷ đồng cao hơn 6 tỷ đồng so với đợt rao bán vào 2 tháng trước.
Mức giá khởi điểm sẽ không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua Khoản Nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua, bán Khoản Nợ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Theo thông báo của BIDV, thời gian tiếp nhận hồ sơ đấu giá từ ngày 21/9 đến hết ngày 8/10/2021. Thời gian diễn ra đấu giá là ngày 11/10/2021.
Người mua được tài sản bán đấu giá được sở hữu toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền, nghĩa vụ khác liên quan đến khoản nợ phát sinh theo Hợp đồng tín dụng và các văn bản sửa đổi, bổ sung giữa BIDV với Công ty CP Đầu tư Thành Quang.
Được biết, giá trị khoản nợ (số liệu tạm tính đến thời điểm 21/03/2021) là 670,6 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 469,4 tỷ và dư nợ lãi là 201,2 tỷ.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ này gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thôn Đìa, Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội (diện tích 60 m2) và tại thôn Tiên Hùng xã Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội (diện tích 147 m2).
Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có máy móc thiết bị của Dự án Nhà máy xử lý rác thải huyện Đông Anh và tài sản gắn liền với đất hình thành từ vốn vay tại xã Việt Hùng (diện tích: 88.514 m2, đất thuê thời hạn 49 năm từ năm 2011).
Theo thông tin trên masothue.com, Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Quang thành lập năm 2004, người đại diện theo pháp luật hiện tại là ông Nguyễn Thanh Quang (SN 1971). Ngoài ra ông Quang còn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường đô thị Thành Quang.
Công ty này đặt trụ sở tại tòa nhà số 14, phố Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Công ty Đầu tư Thành Quang được biết đến là chủ đầu tư của dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh (Hà Nội) với công suất xử lý chất thải 500 tấn/ngày. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 768 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là gần 159 tỷ đồng (chiếm 20,69% tổng mức đầu tư), vốn huy động là hơn 609 tỷ đồng (chiếm 79,31%).
Theo đó, dự án được dự kiến đưa vào hoạt động tháng 4/2017. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Nhà đầu tư đã để xảy ra một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm dẫn đến chậm tiến độ.
Theo kết luật thanh tra số 6644/KL-KH&ĐT của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với Công ty Đầu tư Thành Quang trong việc thực hiện dự án khu xử lý rác huyện Đông Anh, công ty này có vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính năm 2015 là 200 tỷ đồng.
Tại thời điểm thanh tra, Công ty Đầu tư Thành Quang cung cấp báo cáo tài chính năm 2017 và 2018, trong đó vốn chủ sở hữu lần lượt là 122,757 tỷ đồng và 113,978 tỷ đồng, không đạt mức yêu cầu so với cam kết của khi lập dự án (không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của DA được phê duyệt). Đồng thời, kết luận thanh tra cũng cho thấy công ty này trong năm 2017 và năm 2018 lần lượt lỗ sau thuế hơn 87 tỷ đồng và hơn 107 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 10/07/2018, công ty đã nâng vốn điều lệ lên thành 250 tỷ đồng, tuy nhiên đây chỉ là vốn điều lệ theo đăng ký.
Trong khi đó, một dự án Nhà máy xử lý rác khác do công ty này làm chủ đầu tư là Nhà máy xử lý rác Phương Đình (huyện Đan Phượng) đi vào hoạt động từ năm 2015. Đây là dự án cũng từng có nhiều điều tiếng khi bị người dân địa phương phản đối về tình trạng gây ô nhiễm. Đồng thời việc nhà máy nhiều lần phải tạm dừng để sửa chữa cũng khiến người dân đặt ra nghi vấn về tính hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi khi xây dựng nhà máy từ quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội.