PG Bank: Lãi quý II tăng nhờ giảm mạnh trích lập dự phòng, tổng nợ xấu tăng gần 13%
Giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, PG Bank báo lãi quý II tăng vọt 27%
Theo báo cáo tài chính quý II/2023 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – mã: PGB) ghi nhận khoản thu nhập lãi thuần đạt 341 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ.
Theo đó, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự trong kỳ đã ghi nhận tăng 35% lên 897 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí lãi và các chi phí tương tự cũng tăng vọt 57% lên gần 556 tỷ đồng, dẫn đến thu nhập lãi thuần chỉ tăng 11%.
Ngân hàng cũng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm so với cùng kỳ năm ngoái, đạt lần lượt 16 tỷ đồng và 8 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm về 12 tỷ đồng từ mức 15,5 tỷ đồng trong cùng kỳ.
Kết quả, trong quý II, PG Bank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 377,6 tỷ đồng, tức tăng khoảng 7% so với cùng kỳ.
Dù vậy, chi phí hoạt động cũng tăng gần 12% lên 179 tỷ đồng, làm cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của PG Bank chỉ đạt gần 199 tỷ đồng, tăng 3% so với quý II/2021.
Nhờ giảm 35% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống chỉ còn hơn 48 tỷ đồng (từ mức gần 74 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022), ngân hàng vẫn báo lãi trước thuế 150,5 tỷ đồng, tăng 27%. Lãi ròng đạt 120 tỷ đồng, cũng tăng 27%.
Lũy kế 6 tháng năm 2023, PG Bank báo tổng thu nhập lãi thuần 681 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 303,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 243 tỷ đồng, cùng tăng 24%.
ĐHĐCĐ PG Bank hồi tháng 4 năm nay đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 530 tỷ đồng, tăng 4,8% so với kết quả thực hiện được trong năm 2022. Như vậy, tính đến hết nửa đầu năm nay, nhà băng này đã hoàn thành khoảng 57% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,77%, bao nợ xấu chỉ 36%
Cũng theo báo cáo tài chính quý II vừa công bố, tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của PG Bank đạt 46.987 tỷ đồng, giảm 4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 30.250 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm đầu năm.
Về chất lượng nợ vay, theo báo cáo tài chính của PG Bank, tổng nợ xấu (bao gồm nợ nhóm 3, 4 và 5) tính đến 30/6/2023 đã tăng lên 839 tỷ đồng từ mức 743,5 tỷ đồng hồi đầu năm, tức tăng gần 13%. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) ghi nhận tăng 2,35 lần lên hơn 146 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng gần 19% lên 142 tỷ đồng. Riêng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm nhẹ 2% về 551 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến 30/6/2023 do đó đã tăng lên mức 2,77% so với mức 2,56% hồi đầu năm.
Trong bối cảnh nợ xấu tăng lên, ngân hàng cũng tăng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lên hơn 302 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 7% so với mức 283 tỷ đồng vào đầu năm. Dù vậy, tỷ lệ bao nợ xấu chỉ đạt 36%.
Ngoài ra, cũng nằm trong khoản mục tài sản của PG Bank, chứng khoán đầu tư giảm gần 1/4 so với đầu năm, đạt 2.476 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là trái phiếu kho bạc với 1.930 tỷ đồng. Ngân hàng cũng trích 299 tỷ đồng dự phòng rủi ro chứng khoán đầu tư (trong đó có tới hơn 297 tỷ đồng là dự phòng rủi ro giảm giá trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành trên tổng số 842 tỷ đồng trị giá trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành mà PG Bank nắm giữ).
Về phía nguồn vốn, tổng nghĩa vụ nợ của PG Bank đến ngày 30/6/2023 đạt 41.159 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi khách hàng đến cuối quý II đạt 31.228 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Như vậy, tính đến hết quý II/2023, tỷ lệ cho vay khách hàng/ tiền gửi khách hàng tại PG Bank đang ở mức gần 97% so với mức gần 93% hồi đầu năm.
Năm nay, PG Bank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 11,2% đạt 35.881 tỷ đồng, huy động vốn tăng 10,6% đạt hơn 47.200 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 8,3% đạt hơn 53.000 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, có thể thấy ngân hàng vẫn còn cách khá xa các chỉ tiêu này.