Phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản vẫn trầm lắng

Nhật Di 15:00 | 29/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ đầu tháng 8, thị trường chỉ ghi nhận một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với giá trị 1.000 tỷ đồng.

 

 Từ đầu tháng 8 đến nay chỉ có duy nhất một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu. Ảnh DN.

Số liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ghi nhận từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường chỉ ghi nhận 8 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được công bố với tổng giá trị 3.810 tỷ đồng. 

Trong đó, phần lớn doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ đầu tháng 8 vẫn là các ngân hàng thương mại với giá trị 2.510 tỷ đồng (chiếm 52,6% tổng giá trị phát hành). Trong đó nổi bật nhất là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam, phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm, lãi suất thả nổi theo bình quân lãi suất tiếu kiệm cá nhân của 4 Ngân hàng quốc doanh (VCB, BIDV, Vietinbank, Agribank).

Nhóm Bất động sản đứng thứ hai về giá trị phát hành với doanh nghiệp duy nhất phát hành là Công ty CP Fuji Nutri Food, phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm.

Được biết, trái phiếu của Fuji Nutri Food có kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào ngày 12/8/2023. Công ty Fuji Nutri Food được thành lập vào ngày 18/9/2019, có trụ sở chính tại số 65 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh Bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Trước đó, trong tháng 7, thị trường cũng chỉ ghi nhận duy nhất doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ là Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An với giá trị phát hành 210 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm.

Như vậy, lũy kế 8 tháng đầu năm, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng đạt tổng cộng 8.996 tỷ đồng, giảm 6% (chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành) so với cùng kỳ năm ngoái và và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 201.002 tỷ đồng, giảm 39% (chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành). 

Kể từ tháng 4 đến nay, sau những động thái chấn chỉnh nghiêm của cơ quan quản lý từ vụ việc hủy 9 lô trái phiếu liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh, việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản càng trở nên trầm lắng

Nếu so với giá trị phát hành đạt 10.832 tỷ đồng của tháng 7/2021, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của nhóm bất động sản trong tháng 7 năm nay đã giảm tới 98%.

Một phép so sánh khác, nếu như trong quý I/2022, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là nhóm phát hành mạnh nhất, chiếm lần lượt 50,98% và 18,87% tổng giá trị phát hành toàn thị trường, thì sang quý II/2022, các doanh nghiệp bất động sản chiếm chỉ chiếm 15,49% và nhóm xây dựng là 0,44% tổng giá trị phát hành. Bên cạnh đó, dòng vốn tín dụng cũng gần quá giới hạn, dư nợ cho vay bất động sản tăng tới 14,03% chỉ sau 6 tháng đầu năm.

Các nguồn vốn mới bị siết lại cùng với khoản nợ trái phiếu như đã nói, doanh nghiệp bất động sản  đang chịu áp lực rất lớn nếu muốn duy trì dòng tiền kinh doanh.

Tại tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững” do Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Trang TTĐTTH VietnamBiz (vietnambiz.vn) và Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) tổ chức mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho rằng, doanh nghiệp bất động sản có 2 hướng để xử lý con số nợ “khủng” sắp đến hạn.

Thứ nhất, doanh nghiệp mời công ty tư vấn, công ty kiểm toán rà soát lại tài chính của mình và mạnh dạn phát hành tiếp một đợt trái phiếu nữa để đáo hạn. Vượt qua được nợ mới có cơ hội tồn tại lâu dài trong thị trường.

Tuy nhiên, điều này cũng cần sự ủng hộ của cơ quan quản lý là tránh hình sự hóa các doanh nghiệp vừa đến thời điểm đáo hạn, không trả được nợ trái phiếu. Bởi lẽ, nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường và cả nhà đầu tư.

Thứ hai, doanh nghiệp cần tìm mọi cách thanh lý tài sản, thanh lý dự án để trả nợ nhà đầu tư.

 TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia. Ảnh DNVN.

Chia sẻ thêm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nghĩa cho rằng, với nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư lớn và dài hạn, họ có thể nghiên cứu sâu về báo cáo dòng tiền, trình độ quản trị, các tiềm năng trong tương lai. Trái lại, nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ nhìn vào xếp hạng thôi. "Làm tài chính mà không có xếp hạng giống như đi trong sương mù", ông Nghĩa cho hay.

Cũng theo vị chuyên gia này, một số nhà đầu tư cảm thấy đi trong "sương mù có cái hay" nhưng thực tế đó là vì chưa thấu hiểu được lợi ích của sự minh bạch.

“Do đó, từ nay đến cuối năm, Chính phủ phải ra được Nghị định 153 sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu. Các doanh nghiệp bất động sản có dư nợ trái phiếu lớn, thời gian đáo hạn trong kỳ tới cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch chi trả, bao gồm mạnh dạn phát hành trái phiếu mới hoặc bán các dự án, tài sản dở dang", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Nghĩa, doanh nghiệp phải lên kế hoạch xếp hạng tín nhiệm, trường hợp chưa cần công bố có thể yêu cầu đơn vị xếp hạng bảo mật thông tin để sau này dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trung dài hạn. Cuối cùng là các doanh nghiệp không nên phát hành chịu lãi suất cao, không được bán các dự án đang có để giải quyết nợ trái phiếu, tránh để mất uy tín và nhanh chóng đăng ký xếp hạng, bảo mật thông tin.