Nhiều địa phương công bố kế hoạch phát triển nhà ở xã hội
Hàng loạt địa phương công bố kế hoạch phát triển nhà ở xã hội
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1186/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, về nhà ở xã hội, phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2-3 khu. Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.
Cùng thời điểm, Bắc Giang cũng duyệt các dự án nhà ở xã hội cần thu hút đầu tư trên địa bàn, bao gồm: Dự án khu nhà ở xã hội số 1 tại khu số 5, số 9 thuộc khu đô thị phía Nam TP.Bắc Giang, quy mô: 1,45 ha; và Dự án khu nhà ở xã hội số 2 tại khu số 5, số 9 thuộc khu đô thị phía Nam TP Bắc Giang, quy mô 1,21 ha.
Vào tháng 2/2023, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cũng đã thông báo mở bán 260 căn hộ nhà ở xã hội, tại Dự án chung cư nhà ở xã hội tọa lạc ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, diện tích dao động từ 45 m2 đến 70 m2, giá bán khoảng 16 triệu đồng/m2. Ngoài ra, để phát triển nhà ở xã hội, thành phố còn phê duyệt điều chỉnh Đề án Xây dựng các khu chung cư xã hội bố trí cho những gia đình có công cách mạng, gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025, theo hướng tăng mức suất đầu tư bình quân mỗi căn hộ.
Trong khi đó, tại Quảng Bình, dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội thuộc xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới lại được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tích cực tìm kiếm nhà đầu tư. Qua thông tin từ Sở, dự án có diện tích sử dụng đất 9,6 ha, tổng chi phí thực hiện tạm tính là 972 tỷ đồng, quy mô gồm 784 căn nhà với 290 căn nhà ở xã hội thấp tầng, diện tích sử dụng đất khoảng 19.615,6 m2, và 401 căn hộ tại khu chung cư nhà ở xã hội cao tầng, diện tích sử dụng đất là 23.239,45 m2. Sau khi hoàn thiện, dự án đáp ứng nhu cầu cho 3.136 người…
Tương tự, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023 với mục tiêu tăng thêm 600.000 m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương 18.000 căn… Để thực hiện kế hoạch, Bình Dương khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục rà soát quỹ đất nhà ở xã hội tại 33 dự án nhà ở thương mại khoảng 100 ha. Đặc biệt, năm 2023 sẽ đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư dự án mới.
Lào Cai sẽ triển khai xây dựng 5 dự án nhà ở xã hội trong năm nay. Đầu tháng 3, UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023. Theo nội dung kế hoạch này, trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ có 5 dự án nhà ở xã hội với diện tích đất xây dựng khoảng 14,22 ha. Cả 5 dự án này đều ở thành phố Lào Cai.
Cụ thể, dự án nhà ở xã hội khu Lâm Viên, phường Nam Cường có diện tích đất xây dựng 4,7 ha. Dự án nhà ở xã hội đường Điện Biên, phường Cốc Lếu diện tích 0,55 ha. Dự án khu nhà ở xã hội bờ tả sông Hồng, xã Vạn Hòa diện tích 1,65 ha. Nhà ở xã hội tại khu dân cư giáp đường B6 kéo dài thuộc phường Bắc Lệnh diện tích 3,86 ha. Cuối cùng là dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Kim Thành có diện tích 3,46 ha.
Mới đây nhất, Hải Phòng khởi công dự án nhà ở xã hội gần 4.900 tỷ đồng. Ngày 7/3, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ khởi công Dự án Khu nhà ở xã hội tại tổng kho 3 Lạc Viên, số 142 Lê Lai, phường Máy Chai và phường Cầu Tre (quận Ngô Quyền). Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự và phát lệnh khởi công dự án.
Dự án Khu nhà ở xã hội tại tổng kho 3 Lạc Viên nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển diện tích nhà ở tại quận Ngô Quyền, đáp ứng nhu cầu ở cho người dân, đặc biệt là người dân tại các chung cư cũ trên địa bàn các quận Ngô Quyền, quận Hồng Bàng.
Dự án do Công ty Cổ phần Thái – Holding làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 4.900 tỷ đồng xây dựng trên khu đất rộng 16,9 ha. Trong đó, khoảng 5,3 ha xây dựng 10 tòa nhà chung cư cao 15 tầng, tổng số khoảng 4.456 căn hộ nhà ở xã hội. Hơn 1,3 ha xây dựng 163 căn hộ nhà ở thương mại cao 7 tầng.
Khơi thông dòng vốn cho nhà ở xã hội
Khơi thông nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội là vấn đề cấp thiết. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường. Đây là một trong những tín hiệu tích cực cho thấy những nỗ sau về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cơ hội để giúp cho thị trường ấm dần lên.
TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng chia sẻ trên VTV.vn: "Về gói 120.000 tỷ đồng này, chủ trương gói này là phù hợp. Còn về thực tế, rõ ràng bất cứ một cái phân khúc nào mà được hỗ trợ thì nó cũng tác động lan toả tới các phân khúc khác. Chúng ta cũng thấy rằng, để hỗ trợ cho thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững, rõ ràng là việc hỗ trợ cho cái phân khúc nhà ở trung bình và nhà ở xã hội là phân khúc được sự đồng thuận của người dân".
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất cho các cái người mua nhà ở xã hội và những ngôi nhà cho người làm ở các khu công nghiệp hay các khu dân cư như thế cũng sẽ giải quyết được tính thanh khoản cho thị trường. Đây cũng là một điểm nhấn giúp thị trường hoạt động sôi động trở lại.
TP HCM gặp khó khăn về nhà ở, trong đó 90% người thuộc lứa tuổi 18 - 35 không có nhà và phải dành đến một năm thu nhập bình quân của người lao động thì mới đủ để mua được 2m2 nhà ở cao cấp. Trước nhu cầu cấp bách về nhà ở của công nhân, người lao động, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, để công nhân, người lao động có thu nhập thấp có được mái ấm cho riêng mình.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa giấc mơ này, thì có rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục phải tháo gỡ nhất là về cơ chế chính sách cũng như quá trình thực thi. Việc phát triển nhà ở xã hội phải được coi là trách nhiệm động đồng, từ đó dành tâm huyết và tập trung nguồn lực và đầu tư tốt hơn vào phân khúc này trong thời gian tới.
Quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cần giao về cho từng địa phương
Về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ trên Reatimes: Quy định các dự án nhà ở thương mại cần dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội sắp tới sẽ được sửa đổi vì không còn phù hợp do nhiều dự án không nhất thiết phải bố trí, hoặc bố trí lại không phù hợp (do xen kẽ 20% nhà ở xã hội trong khu nhà ở thương mại, giá trị đất đai ở các vị trí khác nhau có nhiều chênh lệch).
Mặt khác, có một thực tế diễn ra trong nhiều năm qua là cung thiếu, cầu cao, song nhiều dự án nhà ở xã hội xây lên lại bỏ hoang, vắng bóng người ở. Nhiều dự án đình trệ, trong khi có những dự án đã hoàn thành lại ít người mua, rao bán đến hàng chục lần không thanh khoản hết. Đây là một trong những nghịch lý phát triển nhà ở xã hội diễn ra nhiều năm nay.
Vì vậy, về quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cần giao về cho từng địa phương nghiên cứu đưa vào quy hoạch, kế hoạch cụ thể để tính toán cho phù hợp với nhu cầu thực. Từng địa phương phải có một quỹ đất đủ lớn để phát triển “hệ sinh thái” nhà ở xã hội. Tôi nhấn mạnh rằng, quỹ đất cho nhà ở xã hội không cần phải ở vị trí quá đẹp nhưng phải có khả năng kết nối và hạ tầng tiện ích tốt.
Để phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương đạt hiệu quả, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ: Đối với mỗi địa phương, việc lựa chọn chủ đầu tư nên thông qua đấu thầu hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được chấp thuận chủ trương đầu tư nếu có quyền sử dụng đất phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, chương trình phát triển nhà ở xã hội của địa phương.
Ngoài ra, việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ, muốn vậy cần quy hoạch gần khu công nghiệp, khu làng đại học, khu bệnh viện (chủ yếu để cho thuê). Ví dụ, tại Hà Nội có thể xây dựng nhà ở xã hội kế cận Khu công nghệ cao Hòa Lạc vì nơi đây vẫn còn quỹ đất lớn, đồng thời tập trung nhiều trường học, khu công nghệ có nhiều sinh viên và công nhân.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là, muốn người dân đến ở những khu nhà ở xã hội có vị trí xa trung tâm thì phải có kết nối giao thông và tiện ích xã hội hoàn thiện - điều mà tôi gọi là “hệ sinh thái” trên đây.
Cuối cùng, rất cần sự quan tâm, tâm huyết, trách nhiệm của chính quyền địa phương và doanh nghiệp, tất cả là vì cái chung và đổi lại, địa phương và doanh nghiệp cũng được nhiều điểm lợi.