Phó Thống đốc NHNN: Các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất

Tân Thanh 09:27 | 06/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, hiện lãi suất tiền gửi bình quân đang giảm về mức 6-6,1%/năm, lãi suất cho vay bình quân 9-9,2%/năm, đây là mức giảm khá tích cực.

  

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong 4 tháng đầu năm giải pháp giảm lãi suất được NHNN tính đến là giảm lãi suất điều hành.

Dựa trên đánh giá tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, NHNN đã quyết định giảm lãi suất điều hành, tạo định hướng cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay.

"Cụ thể, lãi suất huy động chung của tất cả tổ chức tín dụng của nền kinh tế giảm khoảng 1-1,2%, lãi suất cho vay chung của các ngân hàng giảm khoảng 0,5-0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại Nhà nước giảm lãi suất huy động khoảng 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm 1,5-2%", ông Tú nói.

Theo Phó thống đốc, hiện nay, với những khoản tiền gửi mới, lãi suất bình quân là 6-6,1%/năm. Các khoản cho vay mới có lãi suất khoảng 9-9,2%/năm.

Đặc biệt, lãnh đạo NHNN cho biết một số ngân hàng cho vay cao đã được nhắc nhở, chỉ đạo, xem xét để có mặt bằng thống nhất trong hệ thống. "Tất nhiên không phải bằng nhau mà phải theo mức độ tài chính của các tổ chức tín dụng để đưa ra mức lãi suất của mình và có tính thống nhất chung", ông Tú nói.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và mở rộng tín dụng từ nay tới cuối năm.

 

 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. (Ảnh: VGP).

Liên quan tới thuế tối thiểu toàn cầu, tại cuộc họp báo chiều nay, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính cho biết các tổ chức tư vấn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều khuyến nghị Việt Nam sớm chủ động giành quyền đánh thuế này.

Thuế tối thiểu toàn cầu là thoả thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia né thuế, dự kiến áp dụng vào 2024. Mức thuế tối thiểu được áp dụng là 15% đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp thuế. Trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế này khi nó được áp dụng vào 2024. Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron với vốn đầu tư đăng ký chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (khoảng 131,3 tỷ USD) là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết có nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp, gián tiếp được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu, tham vấn cấp có thẩm quyền, như tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp; hỗ trợ đào tạo nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.

"Các giải pháp ứng phó, chính sách hỗ trợ ưu đãi tới đây sẽ đảm bảo tài chính, môi trường kinh doanh của Việt Nam, giữ chân và thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ cao và phù hợp với cam kết quốc tế khi Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu", ông Chi chia sẻ.

Báo cáo về tình hình thu hút FDI Việt Nam 4 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cảnh báo dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc đầu tư mạnh vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm gần 70% số dự án mới, song vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đăng ký mới trong 4 tháng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 22/4 đã cam kết, Chính phủ sẽ sớm đưa ra giải pháp thu hút, hỗ trợ khác ngoài thuế để khuyến khích nhà đầu tư hiện hữu và dự án mới nếu áp loại thuế trên.