Quản lý chặt việc vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh
Theo tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan này đang tổ chức lấy ý kiến các đơn vị, bộ, ngành liên quan về dự thảo Thông tư quy định điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh. Theo đó, chủ trương là sẽ quản lý điều kiện vay nước ngoài chặt chẽ hơn trong bối cảnh hiện tại.
Gần đây, để tận dụng mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường quốc tế nên tình hình vay vốn nước ngoài của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều doanh nghiệp đã phải vay vốn từ công ty mẹ, công ty thành viên để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn tới nguy cơ không đảm bảo đáp ứng các chỉ tiêu về tổng hạn mức rút vốn ròng trung dài hạn và mức tăng dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài.
Để kiểm soát mức vay nước ngoài, tự vay tự trả đảm bảo hạn mức hàng năm để duy trì các ngưỡng nợ an toàn được Quốc hội phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước xây dựng dự thảo này để thay thế Thông tư 12/2014/TT-NHNN có cùng nội dung với các điều kiện vay chặt chẽ hơn để quản lý thận trọng khu vực này, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia.
Việt Nam đang thực hiện lộ trình tự do hóa giao dịch vốn một cách thận trọng, phù hợp với khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về tự do hóa các kiểm soát vốn đối với nợ nước ngoài, dự thảo mới áp dụng một số điều kiện vay mang tính quản lý rủi ro, an toàn thận trọng như yêu cầu bảo hiểm rủi ro tỷ giá, hạn chế dư nợ vay cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và áp dụng mức trần chi phí vay... là cần thiết.
Do đó sẽ đảm bảo tính minh bạch trong các quy định về điều kiện vay để các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có cơ sở thực hiện hoạt động vay nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ; đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật có liên quan, đảm bảo sự minh bạch về chính sách để các cơ quan quản lý nhà nước có điều kiện kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ pháp luật.
So với Thông tư 12/2014/TT-NHNN, dự thảo có sự thay đổi về điều kiện chung cho các bên đi vay và điều kiện riêng đối với 2 nhóm đối tượng đi vay là tổ chức tín dụng và doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, bổ sung thêm quy định mới về điền kiện vay nước ngoài như trần chi phí vay nước ngoài đối với khoản vay bằng ngoại tệ sẽ sử dụng lãi suất tham chiếu + 5%/năm và + 3%/năm cho các loại phí. Như vậy tương được mức lãi suất tham chiếu + 8%/năm....
Dự thảo cũng bổ sung yêu cầu thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ áp dụng chung cho các bên đi vay để phòng ngừa rủi ro tỷ giá và góp phần ổn định thị trường ngoại tệ cũng như thuận lợi cho việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra là các điều kiện về bảo đảm khoản vay nước ngoài trong ngắn hạn và vay trung, dài hạn...
Qua thực tiễn quản lý hoạt động vay trả nợ nước ngoài, tự vay tự trả, Ngân hàng Nhà nước xác nhận, trung bình khoảng trên 2.200 khoản vay trung dài hạn; kỳ hạn trả nợ của từng khoản vay có thể theo tháng, quý, 6 tháng, năm, vào ngày đáo hạn hoặc một kế hoạch cụ thể theo thỏa thuận giữa các bên; giá trị trả nợ cũng rất đa dạng, theo tỷ lệ kim ngạch vay hoặc giá trị bất kỳ theo khả năng thu xếp vốn của bên đi vay.
Do đó, việc xác định các mốc giá trị tối thiểu để lọc các giao dịch trả nợ với giá trị lớn, có khả năng ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ là cần thiết, tránh phát sinh quá nhiều giao dịch phái sinh cho doanh nghiệp. Giá trị tham chiếu để thực hiện bảo hiểm rủi ro ở mức 500.000 đô la Mỹ (USD) hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương theo đề xuất tại dự thảo là tương đối cao so với Indonesia.
Tuy nhiên, do đây là chính sách mới được áp dụng nên việc đặt giới hạn cao sẽ khoanh vùng các doanh nghiệp có khoản vay lớn tiên phong thực hiện chính sách này. Mục tiêu hướng tới các nhu cầu mua ngoại tệ lớn có thể có ảnh hưởng nhất định đến thị trường ngoại tệ.
Dự thảo mới cũng có quy định rõ trách nhiệm của bên đi vay, các tổ chức tín dụng được phép có liên quan đến giao dịch phái sinh để đảm bảo khả thi. Do đó, giảm thiểu khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách.