Quảng Bình: Doanh nghiệp du lịch nóng lòng hoạt động nhưng vướng nhiều "nút thắt"
Sẵn sàng đón khách trở lại
Từ giữa năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành và ngành phụ trợ đã nỗ lực rất nhiều để duy trì hoạt động trong suốt thời gian xảy ra dịch Covid-19, nhằm đảo bảo an sinh xã hội cho các lao động và duy trì hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp gần như đã kiệt sức và cần phải sớm được tiếp thêm “oxy” để duy trì sức khoẻ.
“Oxy” cho doanh nghiệp ngành du lịch hiện nay không gì khác chính là được phép đón khách khi đã có thẻ xanh vắc-xin và có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Thực tế, ngành du lịch đã bắt đầu rơi vào trạng thái ngủ đông từ giữ năm 2020, với thời gian dài hoạt động cầm chừng, các doanh nghiệp thực sự cần phải được thúc đẩy nhằm khôi phục lại nền kinh tế địa phương.
Ngành du lịch đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Quảng Bình, khi địa phương này luôn xem du lịch chính là mũi nhọn và là nguồn thu ngân sách chủ yếu. Đối với người dân địa phương, du lịch cũng chính là “nguồn sống” để nuôi gia đình, không có khách du lịch việc kinh doanh cũng ế ẩm, đời sống người dân theo đó cũng không được đảm bảo như trước.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, tổng số khách tham quan đến Quảng Bình chỉ đạt 550.000 lượt, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc giảm hơn một nửa lượng khách du lịch đã khiến không ít doanh nghiệp lữ hành và ngành phụ trợ rơi vào tình thế đứng trên bờ vực phá sản.
Minh chứng rõ ràng nhất, có lẽ là sự vắng vẻ chưa từng có của thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch) trong thời gian qua. Khách du lịch không có, đường phố vắng như ngày Tết, quán xá đóng cửa đồng loạt, có nơi thì treo biển nhượng lại mặt bằng, có chỗ thì đập bỏ luôn quán. Trước đó nhiều năm, thị trấn Phong Nha chính là nơi thu hút khách du lịch chủ yếu ở Quảng Bình, với nhiều điểm tham quan hấp dẫn như Động Phong Nha, Công viên Ozo… .
Doanh nghiệp ngành du lịch tại Quảng Bình hiện nay, thực tế đang rất nóng lòng để được hoạt động trở lại, vì chỉ có việc mở cửa đón khách mới có thể duy trì được doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội cho lao động. Đồng thời giúp cho người dân địa phương kinh doanh các dịch vụ phụ trợ có kế sinh nhai, thoát khỏi cảnh “gồng lãi” từng ngày.
Ông Nguyễn Châu Mỹ - Phó tổng Giám đốc công ty Oxalis cho biết, Quảng Bình đang cho thấy khả năng kiểm soát dịch rất tốt, khi các ổ dịch đã được dập tắt chỉ trong thời gian ngắn, công tác tiêm vắc-xin cũng đang được hoàn thành từng ngày. Vì thế, việc quay lại trạng thái bình thường mới để kích hoạt hệ thống du lịch là rất cần thiết và nên triển khai càng sớm càng tốt nếu đã đủ các điều kiện an toàn.
Theo ông Mỹ, tình hình dịch bệnh nói chung ở Việt Nam thực tế vẫn còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên đã có xu hướng giảm dần khi đỉnh dịch đã đi qua. Việc cần làm hiện nay của Quảng Bình là nên triển khai đón khách ở trong tỉnh nhằm tạo lại không khí náo nhiệt tại các khu du lịch. Sau đó, mới triển khai đón khách ở các địa phương đã kiểm soát được dịch với quy trình khép kín.
“Du lịch khép kín” được ông Mỹ kỳ vọng là sẽ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch ở giai đoạn đầu hậu Covid-19. Theo đó, việc đưa đón khách tham quan từ điểm đi đến điểm tham quan được thực hiện với quy trình khép kín, gặp gỡ những người an toàn, tới những điểm đến an toàn. Trong quá trình đưa khách du lịch đến các điểm tham quan ở Quảng Bình, doanh nghiệp sẽ hạn chế tiếp xúc thấp nhất với người dân địa phương nếu không cần thiết.
Tuy nhiên Phó tổng Giám đốc công ty Oxalis cho rằng, để thực hiện được “du lịch khép kín” và triển khai hoạt động du lịch bình thường trong tương lai, tỉnh Quảng Bình cần ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động ngành du lịch và người dân ở thị trấn Phong Nha. Khi đó hệ thống dịch vụ, du lịch, kinh doanh mới có thể hoạt động đồng bộ, mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
Tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp
Dù những tia hi vọng hồi phục du lịch đang được nhen nhóm, nhưng thực chất nhiều doanh nghiệp vẫn không quá nuôi kỳ vọng bởi khó khăn, bất cập vẫn còn đó. Nhất là nhu cầu du lịch hiện nay không cao và lượng người dân có kinh phí đi du lịch cũng bị thu hẹp, khi dịch bệnh đã khiến nhiều người không có thu nhập trong suốt nhiều tháng trời.
Ngoài ra, việc mỗi địa phương lại có những quy định chống dịch khác nhau cũng khiến nhiều khách ngoại tỉnh dè chừng vì không ai muốn sau khi đi du lịch về lại phải vào khu cách ly hoặc cách ly tại nhà cả. Điều này cho thấy, dù doanh nghiệp đã sẵn sàng để triển khai mở cửa đón khách du lịch, nhưng tâm lý lo sợ an toàn dịch bệnh của địa phương quá cao thì kết quả mang lại cũng không đáng bao nhiêu.
Hiện nay, Quảng Bình đang có nhiều huyện thuộc “vùng xanh”, thậm chí có những phường xã vùng xanh nhưng lại ở trong một huyện thuộc vùng đỏ hoặc cam. Cần phải hiểu rằng, chỉ cần một xã, phường… thuộc vùng xanh thì vẫn có thể đi tham quan du lịch tại xã, phường đó được, vì bản chất ở những nơi này người dân đã có thể sinh hoạt trong trạng thái bình thường mới. Không nhất thiết phải toàn tỉnh vùng xanh hay toàn huyện vùng xanh mới được phép mở cửa đón khách du lịch.
Ông Nguyễn Châu Mỹ - Phó tổng Giám đốc công ty Oxalis cũng cho biết thêm, doanh nghiệp đang chờ một công văn hướng dẫn của Sở Y tế Quảng Bình về các tiêu chí những ai được đi du lịch và các quy định phòng dịch khi đưa đón khách du lịch như thế nào. Dù ngày 30/9 Bộ Y tế đã có hướng dẫn chung cho cả nước về việc xác định đâu là vùng xanh, vùng đỏ và chỉnh sửa một số quy định trong việc cách ly các trường hợp F1, F2, từ vùng dịch trở về.
“Doanh nghiệp hiện vẫn chờ một văn bản hướng dẫn riêng cho địa phương của Sở Y tế, vì mỗi địa phương có đặc điểm khác nhau. Khi đã nắm rõ các quy định về chống dịch, các doanh nghiệp du lịch mới có thể hoạt động được”, ông Mỹ cho biết.
Được biết, tỉnh Quảng Bình xác định kế hoạch phục hồi du lịch chia làm 2 giai đoạn, từ nay đến hết tháng 12 năm nay và từ 1/1/2022 đến 31/12/2023. Trong giai đoạn 1, tỉnh Quảng Bình tập trung sửa chữa, nâng cấp hạ tầng du lịch, xây dựng, hoàn thiện các tour, tuyến du lịch bảo đảm an toàn trong trạng thái “bình thường mới”. Giai đoạn 2, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát hoàn toàn, tỉnh sẽ tập trung các giải pháp khôi phục hoàn toàn hoạt động kinh doanh du lịch trong điều kiện mới.
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh hướng tới du lịch an toàn trong trạng thái “bình thường mới”, chú trọng “hộ chiếu vaccine”, tạo thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước, trước mắt hướng đến đón khách nội địa, nội tỉnh, nhóm khách nhỏ lẻ, khách gia đình.
“Chúng tôi sẽ có kế hoạch để xây dựng đề án dựa theo đề xuất của các doanh nghiệp để có phương án mở cửa từng bước, từng sản phẩm du lịch đảm bảo an toàn. Việc mở cửa đón khách du lịch sẽ đảm bảo du lịch xanh, du lịch an toàn đối với du khách, tiếp tục xây dựng Quảng Bình là điểm đến an toàn và khác biệt”, ông Phong khẳng định.