Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2018

16:25 | 28/03/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là thông tin được đưa ra tại Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức vào sáng 28/3.

Phát biểu khai mạc lễ công bố, ông Daniel J.Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh và thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Báo cáo PCI 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ hơn 12.000 doanh nghiệp trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Năm nay, chỉ số PCI đạt mức cao nhất kể từ khi PCI bắt đầu được thực hiện. PCI đã dần trở thành một báo cáo được coi trọng và có tác động to lớn, giúp thúc đẩy cải cách kinh tế, nhằm khuyến khích tính minh bạch, gia tăng đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá về PCI 2018, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Trưởng ban chỉ đạo PCI, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, năm 2018 PCI  đã có những cải thiện đáng kể so với những năm trước đây. Tỉnh trung vị đã đạt điểm số PCI 61,76 điểm, cao nhất trong hơn một  thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu tiến hành PCI.

Điểm trung vị tăng lên và xu hướng hội tụ điểm số PCI giữa các tỉnh, thành phố đi sau với các tỉnh, thành phố dẫn đầu đã cho thấy sức lan toả và bao trùm hơn trong nỗ với lực cải cách và nâng cao năng lực điều hành kinh tế ở các địa phương. Dàn nhạc cải cách ở các địa phương đã đồng thanh, đồng điệu hơn.

Cụ thể, dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2018 là Quảng Ninh với 70,36 điểm trên thang 100 điểm. Kế tiếp là Đồng Tháp (70,19 điểm), Long An (68,09 điểm), Bến Tre (67,67 điểm). Các tỉnh, thành phố tiếp theo nằm trong nhóm 10  tỉnh, thành phố đứng đầu bao gồm Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Nghệ An và Bình Định…

Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2018 - ảnh 1
 TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.
Bên cạnh đó, theo ông Lộc, các xu hướng nổi bật đáng mừng của năm 2018 là: Chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Việc ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp tư nhân trong nước đã giảm đáng kể. Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến. Đặc biệt việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp đã giảm đáng kể so với mấy năm trước. Đó là các tín hiệu cho thấy nỗ lực cải cách hành chính và chống tham nhũng đã phát huy tác dụng. Mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tương đối cao. 49,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh. 42,4% doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại. Chỉ có 8,3% dự kiến giảm quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa (riêng đối với FDI thì tỉ lệ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh cao hơn đạt tới 56%).
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh là tích cực. Nhưng vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại. Chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có tới 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và FDI hơn các doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Có tới trên dưới 30% doanh nghiệp cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác. Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải… Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của doanh nghiệp còn ít được cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao. Các doanh nghiệp dân doanh nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ đang rất khó khăn. Để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân, việc khắc phục những điểm nghẽn thể chế và chính sách nêu trên vẫn cần là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ và cơ quan chính quyền các cấp.
Cùng với đó, TS.Lộc cũng thấy lo lắng khi chỉ số PCI mấy năm qua đã cho thấy sự chững lại của các ngôi sao cải cách và sự gian nan của những nỗ lực bứt phá, đột phá của nhóm dẫn đầu. Điểm số PCI của các nhà vô địch vẫn chỉ mới qua ngưỡng 70/100 điểm kỳ vọng. Điều này cho thấy, một mặt, dư địa cải cách vẫn còn nhiều, mặt khác cũng cho thấy những khâu, những việc cải cách dễ dàng các tỉnh, thành phố đều đã triển khai và bây giờ chúng ta đụng đến những khâu, những việc khó khăn hơn, thậm chí là cốt lõi cần phải được tháo gỡ từ trần thể chế, từ cấp Trung ương, từ các bộ ngành.