Quảng Ninh vào top đầu về thu hút vốn FDI

Đông Bắc 11:26 | 17/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhờ vào điểm sáng trong bất động sản công nghiệp, Quảng Ninh đang dần chen chân vào top địa phương dẫn đầu thu hốt vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

  

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, đáng chú ý Quảng Ninh nổi lên lọt vào top 4 tỉnh, thành thu hút FDI cao nhất cả nước trong 2 tháng đầu năm 2023.

Nhờ sở hữu dư địa phát triển cực lớn, Quảng Ninh dần trở thành địa phương thu hút nhiều vốn FDI. Địa phương này đã có thêm nhiều thương vụ ký kết hợp tác và nhiều dự án đăng ký mới giai đoạn đầu năm 2023.

Cụ thể, thị trường Quảng Ninh đã đón nhận dự án Core5 Quảng Ninh khởi công tại Khu công nghiệp DEEPC Quảng Ninh 2, thuộc Khu kinh tế ven biển Quảng Yên. Đây là dự án bất động sản công nghiệp chất lượng quốc tế thứ 2 tại Quảng Ninh thuộc chủ đầu tư Indochina Kajima, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima (Nhật Bản).

 

 Quảng Ninh trở thành địa phương trong top dẫn đầu thu hút vồn FDI. Ảnh BQN.

Dự án sẽ cung cấp ra thị trường tổng cộng 69.000 m2 nhà xưởng xây sẵn đạt tiêu chuẩn quốc tế, với loại hình cho thuê dạng dãy có diện tích nhà xưởng đa dạng từ 2.835 m2 đến 18.194 m2. Mỗi nhà xưởng sẽ được trang bị khu vực văn phòng với vách cong đặc trưng, các tiện ích cần thiết, hệ thống phòng cháy chữa cháy trong khu vực nhà máy, khoang chứa hàng khô, bãi đậu xe ô tô và xe máy. Lần đầu tiên, Core5 Việt Nam sẽ cung cấp nhà xưởng 2 tầng, thường được các nhà sản xuất điện tử ưa chuộng và tiêu thụ năng lượng theo tiêu chuẩn LEED về thiết kế công trình xanh.

Nhờ vào những lợi thế về hạ tầng giao thông và có hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh, Quảng Ninh là địa phương đang thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản tìm về. Dù trong giai đoạn thị trường không quá nhộn nhịp nhưng Quảng Ninh vẫn được đánh giá là tốt hơn các khu vực, hứa hẹn sẽ tăng tốc mạnh mẽ.

Sau khi hoàn thành, các dự án sẽ góp phần gia tăng năng lực sản xuất của lĩnh vực này, đồng thời, từng bước hình thành các chuỗi sản xuất đồng bộ với giá trị gia tăng cao.

Nhận định về tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp tại Quảng Ninh, ông Keisuke Koshijima, Giám đốc đại diện kiêm Phó chủ tịch điều hành của Tập đoàn Kajima chia sẻ trên Reatimes: "Quảng Ninh là động lực tăng trưởng cốt lõi của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với thế mạnh là tỉnh duy nhất có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc.

Hơn nữa, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng to lớn trong việc phát triển thương mại xuyên biên giới, thương mại đường biển, dịch vụ thương mại và sẽ đóng vai trò trung tâm trung chuyển đa phương thức trọng điểm của khu vực, đáp ứng sự phát triển của ngành chế biến, sản xuất và logistics.

Quảng Ninh cũng là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI nhờ môi trường đầu tư luôn được cải thiện, thể hiện qua việc tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 5 năm liên tiếp (2017 - 2021). Trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI. Tôi đánh giá cao tầm nhìn và cam kết của chính quyền tỉnh Quảng Ninh. Tôi tin tưởng rằng dự án Core5 Quảng Ninh sẽ góp phần tích cực trong việc hỗ trợ tỉnh đạt được mục tiêu trên", ông Keisuke Koshijima nhìn nhận.

Trước đó, ngày 29/3, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết đơn vị tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được đầu tư vào các Khu công nghiệp thuộc thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh với tổng số tiền đầu tư trên 80 triệu USD.

Các dự án gồm Dự án sản xuất vành xe bằng hợp kim luyện nhẹ thông minh tại KCN Bắc Tiền Phong, tổng mức đầu tư 55 triệu USD do Công ty TNHH Xiamen Sunrise Group làm chủ đầu tư.

Dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam 2 tại KCN Đông Mai với tổng vốn đầu tư 15 triệu USD, chủ đầu tư là Cty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam.

Dự án sản xuất dây đai an toàn ôtô tại KCN Sông Khoai với tổng vốn đầu tư trên 10 triệu USD, chủ đầu tư là Cty TNHH Samsong Vina.

Theo đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, các dự án trên đều là các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.

Quảng Ninh dọn sẵn tổ đón "đại bàng"

Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng tại Quảng Ninh, 2 dự án FDI mới vào Khu kinh tế Quảng Yên đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Cả 2 dự án này đều thuộc nhóm công nghiệp chế biến chế tạo, mà cụ thể là phụ trợ của ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, dự án của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển - Công ty TNHH Autoliv Việt Nam đầu tư vào KCN Sông Khoai có tổng mức đầu tư 154 triệu USD (tương đương 3.773 tỷ đồng), sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu với công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm.

Dự án còn lại có mức vốn 165 triệu USD (tương đương 4.080 tỷ đồng) của nhà đầu tư đến từ Đài Loan. Nhà đầu tư này sẽ triển khai sản xuất các sản phẩm phụ trợ ngành công nghiệp ô tô Boltun Việt Nam tại KCN Bắc Tiền Phong.

 Quảng Ninh tập trung phát triển bất động sản công nghiệp tại Thị xã Quảng Yên. Ảnh VNM.

Tính riêng quý I năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các KCN, KTT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt gần 494 triệu USD, bằng 40,9% kế hoạch thu hút FDI của cả năm 2023.

Ngoài ra, để triển khai hiệu quả thu hút FDI vào các KCN, tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng kế hoạch, ban hành 8 nhóm, 17 tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư cho từng KCN cụ thể để phù hợp với tính chất, định hướng phát triển của từng khu.

Mục tiêu của địa phương này là thu hút 18 dự án với tổng vốn đăng ký trên 1,2 tỷ USD vốn FDI vào các KCN, với tổng diện tích đất công nghiệp đăng ký sử dụng khoảng 200ha, nâng tỷ lệ lấp đầy các KCN trên địa bàn tỉnh từ 40,73% lên 45,89%.

Theo đó, kế hoạch đưa ra mục tiêu cụ thể, trong đó quý I cấp, đăng ký điều chỉnh cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 644 triệu USD, diện tích sử dụng đất khoảng 94 ha. Quý II, cấp, đăng ký điều chỉnh cho 6 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 444 triệu USD, diện tích sử dụng đất khoảng 79 ha và trong quý III, dự kiến cấp giấy CNĐKĐT cho 2 dự án với tổng vốn 81 triệu USD, diện tích đất sử dụng khoảng 30 ha…

Trong đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư tại các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu, đảm bảo đúng định hướng phát triển KT-XH, phù hợp tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, đặc biệt các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao.