Quảng Trị: Giữ vững “vùng xanh” nơi phên dậu của Tổ quốc

18:30 | 12/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với phương châm “4 tại chỗ”, “5K”, “3 lớp tăng cường kiểm soát dịch”; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền phòng, chống dịch, đến nay vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống ở biên giới Việt - Lào ở tỉnh Quảng Trị vẫn là “vùng xanh” trong đại dịch Covid-19.

Đồng bộ các biện pháp trên tuyến biên giới

Quảng Trị là tỉnh có đường biên giới dài với nước bạn Lào, với 4 cửa khẩu. Lưu lượng người và phương tiện thông quan hàng năm lớn. Bên cạnh đó, vùng miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm 68% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19 ở nước ta, đặc biệt là dịch bùng phát lần tứ 4, Quảng Trị đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên phạm vi toàn tỉnh nói chung và vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Các biện pháp phòng, chống dịch đã cho thấy tính hiệu quả, theo đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới tỉnh Quảng Trị hiện vẫn là vùng xanh trong đại dịch Covid-19.

Chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch trên tuyến biên giới

Tại huyện miền núi Hướng Hóa, có 80% dân số là người đồng bào  dân tộc thiểu số sinh sống. Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, huyện đã ban hành quyết định thành lập các chốt kiểm soát người và phương tiện đi, đến Hướng Hóa. Riêng trên tuyến biên giới Việt - Lào, UBND tỉnh đã giao cho lực lượng Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương lập chốt kiểm soát dịch bệnh. Chỉ tính riêng tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đã có 3 lớp chốt chặn phòng, chống dịch.

Ngoài lực lượng Biên phòng lập chốt ngay tại cửa khẩu, xuống cuối cửa khẩu đường dẫn ra Quốc lộ 9, huyện lập thêm một chốt để kiểm soát người và phương tiện vào thị trấn Lao Bảo. Trên con đường độc đạo đi sâu vào nội địa, tại Khu di tích lịch sử Làng Vây, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, các lực lượng chức năng lập thêm một chốt để kiểm soát, phòng chống dịch. Với 3 lớp chốt kiểm soát, trên tuyến Quốc lộ 9, đi sâu vào nội địa qua vùng đồng bào dân tộc thiểu số người và phương tiện ra, vào đều được kiểm soát nghiêm ngặt.

Anh Hồ Tuấn Hùng, dân tộc Bru Vân Kiều ở Làng Vây, xã Tân Long, chia sẻ: “Công tác phòng dịch ở đây, huyện xã làm nghiêm lắm. Từ nơi tôi sinh sống lên Lao Bảo có 3 chốt, người ra, người vào đều được đo thân nhiệt và khiểm tra kỹ”.

Trên tuyến biên giới, UBND tỉnh Quảng Trị đã thành lập 86 chốt, 23 tổ lưu động, huy động gần 500 cán bộ chiến sỹ Biên phòng, Công an phối hợp với chính quyền địa phương để kiếm soát dịch bệnh, ngăn chặn người nhập, xuất cảnh trái phép. Tất cả tạo ra “lá chắn thép” phòng chống dịch 3 lớp bảo vệ, không để dịch Covid-19 xâm nhập vào nội địa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với tinh thần chống dịch như giặc, các lực lượng chức năng ngày đêm bám sát địa bàn, kiểm soát chặt chẽ trên tuyến tuyến biên giới. Đồng thời, tuyên truyền cho đồng bào hiểu hơn về tính chất nguy hiểm của dịch Covid-19, cách phòng, chống để bảo đảm sức khỏe cho mình, gia đình và cộng đồng.

Trên đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Tây, tuyến đường huyết mạch trên dãy Trường Sơn, lưu thông xuyên qua cư dân phía Tây của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định thành lập hai chốt, phía Nam và phía Bắc để kiểm soát và phòng, chống dịch Covid-19.

Việc đồng loạt thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 một cách chủ động và nghiêm túc đã phát huy được hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Cho đến thời điểm ngày 6/9, toàn bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị mới chỉ có 1 bệnh nhân H.V.H, ở xã Hướng Tân (huyện Hướng Hóa) dương tính với Covid-19, nhưng sau đó đã được khoanh vùng dập dịch không lây lan ra cộng đồng. Vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Trị vẫn là vùng xanh đối với dịch Covid -19.

Đẩy mạnh tuyên truyền đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dọc biên giới được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị quan tâm đặc biệt.

Ông Thái Ngọc Châu - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban phòng chống dịch Covid-19 huyện Đa Krông cho biết, Đa Krông là huyện miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh rất quan trọng.

Ngoài việc thành lập 86 chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19Trên tuyến biên giới Việt - Lào, tỉnh Quảng Trị còn chú trọng công tác tuyên truyền tới bà con dân tộc thiểu số sinh sống tại nơi đây.

"Huyện đã tổ chức gặp mặt, tập huấn cho già làng, trưởng bản, người có uy tín để trang bị kỹ năng tuyên truyền phòng dịch. Ngoài ra, huyện đã có chủ trương tuyên truyền trực tiếp cho các em học sinh, vì đây là đội ngũ đông đảo, có hiểu biết nhất định, đồng thời hướng các em trở thành tuyên truyền viên trong gia đình, thôn bản để đồng bào hiểu và cùng chung tay chống dịch, bảo vệ an toàn vùng xanh”, ông Châu cho biết thêm.

Một số người dân tộc thiểu số chưa “sõi” tiếng phổ thông, nên UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Hướng Hóa, Đa Krông... phát loa truyền thanh tiếng dân tộc để tuyên truyền cho đồng bào hiểu về trong phòng, chống dịch. Thường xuyên tổ chức vận động Nhân dân dọc các tuyến biên giới phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, cùng các lực lượng khác trong nhân dân giám sát, kiểm tra, tham gia tuần tra bảo vệ, quản lý biên giới; bảo vệ “vùng xanh”.

Ông Hồ Văn Vai, Bí thư Chi bộ thôn Làng Vây, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Từ ngày có dịch Covid-19 xuất hiện, được sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBND xã về các biện pháp phòng, chống dịch, tôi đã đi đến từng nhà để tuyên truyền cho đồng bào mình hiểu. Bà con tin tưởng và chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra”.

Những biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, áp dụng linh hoạt trong cách triển khai đối với đặc thù vùng đồng bào dân tộc sinh sống dọc biên giới ở tỉnh Quảng Trị cho đến nay đã phát huy hiệu quả.  Cuộc sống bình yên của người dân nơi biên cương phía Tây của Tổ quốc được giữ vững.