Số lượng doanh nghiệp "tháo chạy" khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia

12:45 | 29/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia trong quý 1 năm 20121 là điều rất đáng lo ngại, COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý 1 năm 20121, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 29.300, giảm 1,4%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 40.323 tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra, trung bình, mỗi tháng có 13.400 doanh nghiệp rời thị trường.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là chuyện bình thường. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong một thập kỷ gần đây, số lượng doanh nghiệp "tháo chạy" khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia - đây là điều rất đáng lo ngại. Nguyên nhân chính là do tác động của đại dịch COVID-19.

Báo cáo “Đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát hành giữa tháng 3, cho thấy, đại dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Số lượng doanh nghiệp tháo chạy khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia - ảnh 1

Đa số doanh nghiệp cho hay dịch bệnh đã tác động tới việc tiếp cận khách hàng, đến dòng tiền và nhân công của họ.

Theo VCCI, có 87,2% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đa số doanh nghiệp cho hay dịch bệnh đã tác động tới việc tiếp cận khách hàng, đến dòng tiền và nhân công của họ. Nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng, mất cân đối dòng tiền, phải cho lao động nghỉ việc do kinh doanh suy giảm.

Tình hình lao động việc làm quý 1/2021 cũng khá u ám. Theo Tổng cục Thống kê  có gần 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp, tăng 12.100 người so với cùng kỳ năm trước. Con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý 1/2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế hiện nay.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, song đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn. Không những thế, dịch COVID-19 quay trở lại, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. VCCI đánh giá, những ngành bị ảnh hưởng nhiều hiện tại vẫn là du lịch, bán lẻ, vận chuyển hành khách, sản xuất xe có động cơ, đồ uống... Những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động hiện đang là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong tháng 5, cả nước còn có 4.892 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 14,8% so với tháng trước và giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước; 3.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 26,1% và tăng 1,7%; 4.234 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 24,5% và tăng 37,3%; 1.279 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 17% và tăng 33%.

Cũng trong 5 tháng đầu năm, khoảng 60.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Tính trung bình, mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong đó, bao gồm 31.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%.

 Thành Văn

Xem thêm: Thanh Hóa: Cộng đồng doanh nghiệp chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19