Startup Đông Nam Á sẽ tiếp tục là 'mỏ vàng' của các nhà đầu tư trong năm 2022

Chu Khải Hoàn 09:57 | 02/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Số vốn các startup Đông Nam Á đã kêu gọi được trong năm 2021 cao gấp hơn 2 lần so với con số của năm 2020.

Các startup Đông Nam Á đã kêu gọi được số vốn kỷ lục lên tới 25,7 tỷ USD trong năm 2021, cao gấp hơn 2 lần một năm trước đó, trong bối cảnh các nhà đầu tư thế giới quan tâm đến tốc độ số hoá do COVID-19 thúc đẩy tại khu vực này, theo Nikkei.

Với việc các công ty quỹ tư nhân và đầu tư mạo hiểm tìm kiếm các khoản đầu tư cho số vốn đã kêu gọi được trong năm 2021, các chuyên gia nhận định "mỏ vàng" Đông Nam Á sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2022. Dù vậy, đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ trên thị trường toàn cầu gần đây báo hiệu những thay đổi về môi trường vĩ mô và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến định giá của các startup định hướng tăng trưởng.

Theo báo cáo SE Asia Deal Review của DealStreetAsia, các startup Đông Nam Á đã kêu gọi được 25,7 tỷ USD trong năm 2021, cao gấp 2,7 lần con số 9,4 tỷ USD của năm 2020. Trước đây, số vốn kỷ lục mà hệ sinh thái startup Đông Nam Á kêu gọi được trong một năm là 14 tỷ USD ghi nhận vào năm 2018.

"Trong khi vốn đầu tư tăng mạnh là một dấu hiệu của một thị trường trẻ và đang phát triển, đây cũng là một minh chứng cho niềm tin lâu dài của các nhà đầu tư toàn cầu về tiềm năng của Đông Nam Á, trong cả vau trò một thị trường kinh doanh mới nổi và trung tâm sáng tạo công nghệ toàn cầu", DealStreetAsia chia sẻ.

(Nguồn: DealStreetAsia/Nikkei, Việt hoá: Thái Sơn).  

Hệ sinh thái startup Đông Nam Á bắt đầu tăng trưởng từ đầu những năm 2010, sau Trung Quốc từ 5 đến 10 năm, cùng thời điểm với sự phổ biến của smartphone trong khu vực. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, phần lớn vốn đầu tư được rót cho một số ít các startup lớn như Grab hay Gojek. Một trong số các nhà đầu tư lớn vào startup Đông Nam Á là SoftBank với các khoản đầu tư nhiều tỷ USD vào Grab và sàn TMĐT Indonesia Tokopedia.

Các công ty này tiếp tục gọi được nhiều vốn trong năm 2021. GoTo, công ty sau sáp nhập Gojek và Tokopedia, kêu gọi thành công 1,6 tỷ USD, cao thứ 2 trong khu vực. Grab cũng kêu gọi được 675 triệu USD trước khi niêm yết tại Mỹ hồi tháng 12, cao thứ 4 khu vực.

Những con số của năm 2021 cho thấy Đông Nam Á hiện có nhiều startup hứa hẹn ở nhiều ngành và nhiều thị trường hơn. Điều này cho thấy hệ sinh thái startup khu vực đang bước vào một giai đoạn mở rộng mới.

"So với đỉnh gọi vốn năm 2018, chúng tôi quan sát thấy sự phân bổ vốn đa dạng hơn và điểm đến đầu tư trải rộng nhiều thị trường, lĩnh vực. Điều này rất quan trọng đối với sức khoẻ và độ chín của hệ tinh thái", ông Yinglan Tan, đối tác điều hành quỹ Insignia Ventures Partners, nhận định. Ông mô tả hiện trạng thị trường là "đợt đào vàng Đông Nam Á".

(Nguồn: DealStreetAsia/Nikkei, Việt hoá: Thái Sơn).  

Xét trên ngành, startup fintech dẫn đầu gọi vốn trong năm 2021 khi kêu gọi được 5,83 tỷ USD, gấp 4 lần so với con số 1,46 tỷ USD của năm 2020, khi đạt dịch đẩy mạnh tốc độ đón nhận dịch vụ thanh toán phi tiền mặt và tài chính số. Các dịch vụ này có nhiều tác động tại Đông Nam Á hơn các quốc gia đã phát triển vì tỷ lệ dân số chưa tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng tại đây là rất lớn.

Mynt của Philippines là một ví dụ. Nổi biến với ví điện tử GCash, Mynt kêu gọi 475 triệu USD từ các nhà đầu tư như Warburg Pincus trong năm ngoái. MoMo, ví điện tử Việt Nam thuộc M_Services, cũng gọi thành công 300 triệu USD trong năm 2021.

Xếp thứ 2 là lĩnh vực logistics với 5,56 tỷ USD vốn kêu gọi trong năm 2021. Tăng trưởng TMĐT trong khu vực đã thúc đẩy các startup lĩnh vực này. Tuy nhiên, phần lớn vốn đổ về J&T Express của Indonesia khi nó kêu gọi tới 4,5 tỷ USD, theo DealStreetAsia. NinjaVan (Singapore) kêu gọi 579 triệu USD và trở thành startup gọi vốn nhiều thứ 7 trong khu vực.

Đầu tư tăng tỷ lệ thuận với định giá. Tất cả 4 công ty nói trên (Mynt, MoMo, J&T Express và Ninja Van) đều trở thành "kỳ lân" trong năm qua.

Theo báo cáo của DealStreetAsia, 25 startup từ 6 thị trường Đông Nam Á đã trở thành "kỳ lân" trong năm 2021 với tổng định giá 55,4 tỷ USD. Con số này thực sự ấn tượng nếu như so sánh với việc Đông Nam Á chỉ có 21 "kỳ lân" từ năm 2013 đến 2020, và phần lớn chúng đến từ Indonesia và Singapore.

Một số startup khác trở thành "kỳ lân" trong năm 2021, bao gồm Carro (Singapore), Carsome (Malaysia), Flash Express (Thái Lan) và Kopi Kenangan (Indonesia).

Ở dưới mốc định giá 1 tỷ USD, tình hình gọi vốn của các startup trẻ hơn cũng rất tích cực. "Chúng tôi vẫn thấy sự quan tâm lớn cua các nhà đầu tư mới. Chúng tôi nhận được nhiều đề nghị cân nhắc đầu tư vào công ty", ông Lim Wai Mun, CEO công ty Doctor Anywhere, nói với Nikkei. Startup của ông gọi được 65 triệu USD vốn đầu tư trong năm ngoái.

Trong khi đó, nhiều "kỳ lân" kỳ cựu của Đông Nam Á đã IPO thành công hồi năm ngoái, trong đó có Grab (niêm yết tại Mỹ) và Bukalapak (niêm yết tại Indonesia).

Dù vậy, vẫn có một số yếu tố có thể sẽ làm hạ nhiệt "định giá" startup, bao gồm thế giới phục hồi từ đại dịch và ngân hàng trung ương áp dụng các chính sách tài chính thắt chặt hơn.

Bên cạnh đó, DealStreetAsia cũng nhận định dòng vốn sẽ chảy nhiều hơn vào các lĩnh vực truyền thống hơn khi các nhà máy đẩy mạnh sản xuất để giải quyết vấn đề căng thẳng chuỗi cung ứng và nhiều nền kinh tế khởi động lại các dự án phát triển hạ tầng vốn vị chậm lại.

Từ khóa: #Startup