TGĐ Ngân hàng HSBC Việt Nam: Nền kinh tế cần được mở cửa trở lại một cách thận trọng
Đây là quan điểm của Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam khi đưa dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và Chính phủ đang đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng Covid-19.
Cụ thể, ông Evans cho rằng sau năm 2020 nằm trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng dương nhờ kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam đã khởi đầu năm 2021 rất thuận lợi với xuất khẩu tăng tích cực và hưởng lợi từ các Hiệp định Tự do Thương mại đã ký.
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của HSBC đã dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam có thể đạt 7,1% và bản thân nền kinh tế này cũng thể hiện sự tự tin cho thấy đây là một mức tăng trưởng hoàn toàn có thể đạt được.
Điều duy nhất không ai lường được, theo ông Tim Evans, đó là biến chủng Delta, một đột biến nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh đến mức rất khó để kiểm soát.
Biến chủng này đã lan rộng khắp Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam vốn là trung tâm kinh tế của cả nước, buộc các cơ quan chức năng phải nhanh chóng triển khai các đợt giãn cách và ban hành những quy định hạn chế di chuyển.
Nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch
Theo ông Evans, tình trạng kể trên đã dẫn đến sự suy giảm trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Cụ thể, tổng vốn đăng ký FDI đã giảm 11,1% trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, riêng tháng 7 đã giảm tới 53,8%.
“Tuy nhiên, điểm tích cực là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đã tăng 3,8% trong giai đoạn 7 tháng đầu năm so với với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn nguồn vốn này được rót vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, sau đó là tới mảng sản xuất và phân phối điện”, ông Tim Evans nhận định.
Một tác động khác của giãn cách xã hội, đó là tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề. Doanh số ngành bán lẻ giảm 19,8% trong tháng 7, mức giảm sâu nhất kể từ tháng 4/2020. Doanh số bán xe hơi sụt giảm đáng kể với mảng xe con giảm 15,9% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái còn mảng xe kinh doanh vận tải cũng giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tác động đối với lĩnh vực sản xuất trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 8 và những hạn chế hiện tại khiến một số doanh nghiệp phải tạm đóng cửa, trong khi đó các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển dẫn đến sụt giảm về sản lượng, đơn hàng mới, sức mua và việc làm.
Tất cả những điều đó đã gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng chưa từng thấy, khó khăn vốn đã chồng chất từ trước do những vướng mắc xung quanh vấn đề vận tải và áp lực giải quyết tồn đọng tại các cảng trong nước. Kết quả là sản lượng công nghiệp giảm lần đầu tiên trong 5 tháng do sản lượng sản xuất suy yếu.
Khó khăn hiện tại tập trung chủ yếu trong lĩnh vực da giày và dệt may do khu vực Đông Nam Bộ vốn là một trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng dịch Covid lần này.
Nhiều thương hiệu lớn bắt đầu nhìn thấy thách thức trong hoạt động sản xuất, tình hình này sẽ sớm tác động đến người tiêu dùng phương Tây trong mùa lễ hội. Một điểm sáng là xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động lại trụ vững một cách đáng ngạc nhiên.
“Nguyên nhân sâu xa là do các cụm lắp ráp chủ yếu tập trung ở miền Bắc nơi hoạt động sản xuất đã dần trở lại như bình thường sau hai đợt bùng dịch nặng nề vào tháng 5 và tháng 6”, ông Tim Evans nói.
Mở cửa nhưng cần thận trọng
Các nhà chức trách đã bắt đầu thảo luận về việc từng bước mở cửa lại nền kinh tế và theo dự báo của HSBC, quá trình này sẽ được đẩy nhanh dần từ tháng 10 trở đi.
"Viễn cảnh kinh tế Việt Nam đến cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả triển khai tiêm vaccine cho người dân kết hợp mở cửa lại nền kinh tế đúng thời điểm.
Tuy nhiên, tôi không kỳ vọng vào khả năng chúng ta có thể trở lại bối cảnh hoàn toàn bình thường trong tương lai gần và vì những yếu tố đó, chúng tôi đặt ra hai viễn cảnh cho nền kinh tế Việt Nam cho đến cuối năm", vị lãnh đạo HSBC lưu ý.
Viễn cảnh 1, tăng trưởng GDP nằm trong ngưỡng 5 - 5,5%, phụ thuộc vào tiến độ và mức hiệu quả của chương trình tiêm vaccine, việc mở cửa lại nền kinh tế cùng với khả năng phục hồi và khởi động lại các thị trường xuất khẩu lớn trong bối cảnh nhiều thách thức do biến chủng Delta.
Viễn cảnh 2, nếu chương trình tiêm vaccine triển khai không đủ nhanh trong khi giãn cách còn kéo dài, nền kinh tế sẽ chịu thêm nhiều tác động nặng nề và thêm áp lực lên chuỗi cung ứng, GDP sẽ có khả năng tăng trưởng ở mức 3,5 - 4%.
Ông Tim Evans nhấn mạnh: “Dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại và triển khai một cách thận trọng và bài bản theo lộ trình. Tại nhiều thị trường khác, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa và chúng tôi kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam”.
Trước đó, bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của HSBC đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 7,1%. Dự báo này sau đó đã lần lượt hạ xuống 6,6% vào tháng 2, 5,5% vào tháng 5 và mới nhất là 5,1% vào tháng 8 khi Việt Nam có những đợt bùng phát dịch.
Tuy nhiên, HSBC cũng đánh giá nền kinh tế đang có những động lực tốt. Trong đó, hoạt động tiêu dùng được kỳ vọng sẽ khôi phục mạnh mẽ khi đợt dịch lắng xuống.
Ngân hàng Nhà nước đã gia tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ 10-12% lên 14-15%, tạo khả năng hỗ trợ cho khối doanh nghiệp vốn đã suy giảm hoạt động, cạn kiệt dòng tiền do giai đoạn giãn cách xã hội; yêu cầu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh...
Bên cạnh đó, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng sẽ đổ về. Đặc biệt, đầu tư FDI sẽ phục hồi với bối cảnh Chính phủ nhất quán các chính sách, nguồn nhân lực chất lượng và một loạt hiệp định tự do thương mại đi vào khai thác.
“Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Đại dịch đã góp phần thúc đẩy các xu hướng tự động hóa và số hóa, vì vậy Việt Nam sẽ hưởng lợi trong vai trò nhà sản xuất hàng công nghệ lớn của thế giới,” CEO HSBC Việt Nam nhận định.
HSBC cũng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022, sẽ phục hồi với mức 6,8%.
Hà Lan