TGĐ Việt Thắng Jean: Ngành dệt may nếu không thay đổi, ‘trong 3 năm nữa sẽ không thể cạnh tranh’

Trang Mai 10:04 | 04/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đó là lời dự báo của ông TS. Phạm Văn Việt - Ủy viên Thường vụ BCH Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Sáng lập Thương hiệu V-SIXTYFOUR, TGĐ Công ty TNHH Việt Thắng Jean tại diễn đàn Kinh tế Tư nhân lần thứ II do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam (VPBA) tổ chức ngày 2/4.

 

Nhiều tín hiệu 'xám' trong các tháng đầu năm

 Năm 2022, kinh tế thế giới đứng trên bờ vực suy thoái, doanh nghiệp dệt may từ tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm thì đột ngột gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong những tháng cuối năm. Đây cũng là thời điểm các thị trường chính của dệt may Việt Nam rơi vào lạm phát, sức mua suy giảm. 

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, nếu như 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu toàn ngành tăng 20% so cùng kỳ, thì tháng 9 chỉ còn tăng 11% và sang đến tháng 10, tháng 11 quay đầu giảm lần lượt 4% và 10% so năm 2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam cả năm tuy đạt mức cao gần 44,5 tỷ USD, tăng 8,8% nhưng tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại về cuối năm

Bức tranh xám màu này đã kéo sang quý đầu năm 2023. Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế tư nhân lần II, TS. Phạm Văn Việt dẫn số liệu từ Tổng cục thống kê: Giá trị xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 2/2023 đạt 2,29 tỷ USD, tăng nhẹ 1,9% so với tháng trước. Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng dệt may của cả nước đạt 4,55 tỷ USD, giảm 19,6% (tương ứng giảm 1,11 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là báo động vô cùng lớn, mức giảm chưa từng có kể từ khi Việt Nam gia nhập FTA” - ông Việt nhấn mạnh. 

 Ngành dệt may đang trong tình trạng thiếu đơn hàng. Ảnh:Đức Duy/Vietnam+

Về thị trường xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ vẫn chiếm thị phần lớn nhất với 1,95 tỷ USD, giảm 32,5%; Nhật Bản là 537 triệu USD, tăng 12,8%; Hàn Quốc là 505 triệu USD, tăng 3,5%; EU là 511 triệu USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, ngành dệt may đưa ra hai kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, kịch bản tích cực có thể đạt kim ngạch 47-48 tỷ USD với kỳ vọng thị trường hồi phục vào nửa cuối năm sau. Kịch bản kém tích cực hơn, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may khoảng 45-46 tỷ USD. 

 Một số định hướng của ngành da giày đến năm 2030. Ảnh: Vietnam+

Chìa khóa giải bài toán thiếu tính liên kết trong chuỗi cung ứng

 Đứng trước nhiều thách thức, toàn ngành vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục, đáng lưu tâm nhất là việc thiếu tính liên kết trong chuỗi cung ứng, theo ông Việt. Từ góc độ toàn ngành dệt may, TGĐ Việt Thắng Jean cho biết “chuỗi cung ứng bền vững” không phải là một khái niệm mới trong ngành và cũng không phải đến thời điểm hiện tại vấn đề này mới được chú trọng. 

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu may mặc lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang thay đổi, họ ưu tiên lựa chọn chuỗi cung ứng có khả năng sản xuất nhiều công đoạn, tập trung tại một địa điểm đồng thời minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Ngoài ra là giảm thiểu sử dụng hoá chất, tiết kiệm nguyên liệu bằng cách tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. 

Đặt trong bức tranh so sánh như vậy, ông Việt chỉ ra rằng dệt may Việt Nam đang yếu và thiếu tính liên kết theo chuỗi cung ứng. “Doanh nghiệp Việt Nam cần phải tư duy dài hạn về tái cấu trúc chuỗi cung ứng, cần định vị lại vị thế của mình. Không còn đơn thuần là gia công công đoạn (CMT), lợi nhuận thấp, thường xuyên bị ép giá mà phải sớm chuyển đổi sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng). Nếu thiếu đi tư duy dài hạn và tầm nhìn lớn, doanh nghiệp Việt không thể tận dụng cơ hội này để đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, vị doanh nhân cho hay.

Điều này xuất phát từ chính yêu cầu của thị trường, khi hành vi mua hàng tiêu dùng đã có sự thay đổi: Từ thời trang nhanh chuyển sang thời trang phát triển bền vững. Để đạt được kế hoạch đề ra trong năm nay, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, vào “luật chơi” của toàn cầu. 

 TGĐ Việt Thắng Jeans chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân II (Ảnh: Nguyễn Triệu)

Cũng theo ông Việt, một trong những chìa khóa để thay đổi, tái định vị ngành dệt may Việt Nam, không gì khác là ứng dụng chuyển đổi số. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều công nghệ mới được ứng dụng trong ngành dệt may nhằm sử dụng tối ưu nguồn nguyên liệu và năng lượng, giảm phát thải đến môi trường.

Lấy dẫn chứng từ chính doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Việt Thắng Jean cho biết, kể từ khi ứng dụng chuyển đổi số vào doanh nghiệp, không những tối ưu được nguồn nhân công, mà các khâu vận hành cùng chất lượng sản phẩm cũng đã cải thiện đáng kể. “Hệ thống may đứng (thay thế cho may ngồi truyền thống) và tải hàng tận nơi đã giúp doanh nghiệp giảm được 35% lao động. Công nghệ layer thay cho cắt truyền thống đã giúp giảm 95% lao động”. Ngoài ra, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ nano, ô-zôn trong nhuộm và điều chỉnh màu vải đã giúp giảm thiểu tối ra chất thải ra môi trường. 

Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, đầu tư cho công nghệ, quy trình sản xuất "xanh" hay xây dựng thương hiệu riêng không dễ dàng, giá thành cũng không rẻ, doanh nghiệp cần có nguồn vốn rất lớn. Nhưng dù vậy, “nếu không đầu tư cho công nghệ cao, có khả năng trong 3 năm nữa ngành dệt may sẽ không thể cạnh tranh được với các thị trường như Bangladesh và Ấn Độ” - ông Việt nhấn mạnh.

Trong loạt đề xuất về xây dựng chuỗi giá trị ngành dệt may, ông Việt chỉ ra Việt Nam đang có tiềm năng hình thành trung tâm thời trang của khu vực, nhưng cần sự hỗ trợ chính sách nếu muốn hiện thực hóa.

Trung tâm thời trang có 4 chức năng chính: Đào tạo thiết kế, giới thiệu nguyên phụ liệu, quảng bá sản phẩm thương hiệu, khu lưu trú cho người lao động, giúp tạo động lực phát triển ngành dệt may. Trong đó, chú trọng chức năng đào tạo nhân lực để có thể “sản sinh” các nhà thiết kế giỏi, xây dựng được thương hiệu riêng, nâng cao chuỗi giá trị và khẳng định vị thế doanh nghiệp dệt may Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới.

“Tôi cho rằng TP HCM sẽ đủ khả năng thực hiện dự án này. Tuy nhiên vẫn cần sự giúp đỡ về mặt chính sách từ Chính phủ, các bộ ban ngành.” - ông Việt nhận định.