Tháo gỡ khó khăn tín dụng cho doanh nghiệp cũng là gỡ khó cho ngân hàng

Trang Mai 13:24 | 23/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính đến cuối tháng 10, tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 12,8 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 7,39%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm vừa qua. Đây vừa là áp lực với ngành ngân hàng, vừa thể hiện rõ những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua.

Nhận định về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng không cao, nhiều ý kiến của các bộ, ngành, đại diện các ngân hàng thương mại… cho rằng chủ yếu do nhu cầu tín dụng thấp vì doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan (đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm).

Cạnh đó, một số khách hàng có nhu cầu nhưng chưa được vay vốn do chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...).

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng không thể hạ được chuẩn tín dụng do phải đảm bảo an toàn hệ thống; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước trong những năm gần đây có sự giảm sút về tốc độ, quy mô do ít phát sinh dự án lớn; việc triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù cũng còn một số khó khăn.

 Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống. Ảnh: VNDIRECT

Áp lực tín dụng đến ngành ngân hàng

Chia sẻ tại “Diễn đàn đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu" do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương – Bộ Công Thương tổ chức sáng 23/11 tại Hà Nội, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định: “Ngành ngân hàng đang rất khó khăn”. 

 TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Mai Trang

Theo ông Hùng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường, nền kinh tế trong nước gặp không ít khó khăn, thị trường vốn thông qua phát hành trái phiếu và chứng khoán chưa phát huy hiệu quả để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư...  đã phần nào ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân. Không những thế áp lực cũng đặt lên ngành ngân hàng là rất lớn bởi ngân hàng vốn chỉ cung ứng vốn bổ sung cho doanh nghiệp thông qua vốn lưu động là chủ yếu, nay phải chịu áp lực đầu tư vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. 

Tuy nhiên, ngành ngân hàng với sự chủ động linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt kết hợp với chính sách tài khóa, điều hành tăng trưởng vốn tín dụng hợp lý, ưu tiên vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vừa đáp ứng vốn cho nền kinh tế vừa góp phần kiểm soát lạm phát.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng hợp lý, ngay từ đầu năm 2023 tới nay, ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho việc tiếp cận tín dụng và góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. 

Cụ thể, phía ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng nhằm, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp và phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế; Chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho một số mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo ĐBSCL, thuỷ sản, cà phê), tăng khả năng tiếp cận tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản...

Về phía các ngân hàng thương mại (NHTM) đã thực hiện tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; Tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm). Đến nay, các tổ chức tín dụng cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỷ đồng, đồng thời triển khai nhiều gói/chương trình tín dụng ưu đãi. 

 Nhiều gói tín dụng đã được đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Báo Công Thương

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng là gỡ khó cho ngân hàng

Trong thời gian qua, không chỉ doanh nghiệp tìm đến ngân hàng mà các ngân hàng đã chủ động tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó có chính sách tín dụng phù hợp. 

Chỉ tính từ đầu năm 2023 tới nay, NHNN đã tổ chức 16 hội nghị, cuộc họp chuyên đề bàn về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực (bất động sản, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản, lúa gạo); 2 hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; Đồng thời NHNN cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng và văn bản gửi các UBND tỉnh, thành phố về việc phối hợp chỉ đạo triển khai kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. 

Về phía các NHTM cũng đã đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Tại địa phương, các NHTM trên địa bàn đã phối hợp với chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố tổ chức 63 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh kết nối cung cầu tín dụng. Bên cạnh đó các NHTM đã tích cực tham gia Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay, thời gian triển khai đến hết 30/6/2024. Đến nay đã có 13 NHTM đã đăng ký tham gia Chương trình và đã thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt trên 5.500 tỷ đồng. 

Điển hình như BIDV đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với tổng quy mô 700.000 tỷ đồng, gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng lãi suất áp dụng từ 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và từ 7,8%/năm đối với người mua nhà, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với mức thông thường của các ngân hàng để cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...

VietinBank có gói ưu đãi lãi suất cho DNNVV quy mô 15.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5,9%/năm. Agribank dành 20.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp, các Tập đoàn/Tổng công ty có nhu cầu vay vốn ngắn hạn tại Agribank để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, thu mua hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu…

5 kiến nghị với chính phủ và 3 kiến nghị với ngành ngân hàng

Mặc dù có nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng nhằm chia sẻ khó khăn như cơ cấu nợ, giảm lãi, phí, cho vay mới,... song do nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp trong khi chi phí đầu vào cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm kéo theo cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm sút khiến hoạt động của các ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. 

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, cho dù ngành ngân hàng có cố gắng đến đâu cũng chỉ đáp ứng được phần nào vốn cho nền kinh tế vì đặc tính vốn có của ngành ngân hàng là cho vay bổ sung vốn, do vậy để tạo sự đồng bộ, kết nối giữa cung và cầu nhằm tạo động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế cần có sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền. Từ đó, ông Hùng kiến nghị một vài giải pháp. 

Đối với chính phủ, thứ nhất cần chỉ đạo các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư công hơn nữa, có như vậy mới tạo động lực, vốn mồi cho các tổ chức tín dụng đầu tư vốn tín dụng nhằm từng bước phục hồi và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thị trường vốn phát triển ổn định, nhất là thị trường trái phiếu, chứng khoán… tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực trọng yếu như bất động sản, dịch vụ công nhằm giảm thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Giải quyết được khâu này dễ hiệu quả hơn rất nhiều khi yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất 0,5-1%.

Thứ tư, triển khai tích hợp dữ liệu dân cư một cách đồng bộ vào nhiều lĩnh vực trong đó có ngành ngân hàng, đồng thời tiến tới thông qua dữ liệu này chấm điểm công dân như một số nước đã làm.

Thứ năm, tiếp tục rà soát một số luật để trình Quốc hội sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp có hành lang pháp lý minh bạch rõ ràng dễ thực hiện trong quá trình giao kết hợp đồng, sản xuất kinh doanh ...

Đối với ngành ngân hàng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu); xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo Danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại với giá rẻ.

Cùng đó tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu. Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.

Ngoài ra cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.