Thị trường đất nền: Rủi ro từ những cơn 'sốt'

Đông Bắc 17:11 | 16/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều nhà đầu tư bắt đầu rụt rè hơn với thị trường đất nền khi giá đất ở nhiều tỉnh thành bị đẩy lên quá cao. Trong khi các chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo rủi ro với mặt hàng bất động sản này.

 

 Nhà đầu tư e ngại trước những cơn "sốt" giá đất nền thời gian qua. Ảnh ĐN.

Theo Bộ Xây dựng cho biết, về giá giao dịch bất động sản, năm 2021, giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Trong đó giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 –7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý I đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, "sốt giá" đất nền tại một số địa phương.

Theo Batdongsan.com.vn, đất nền một số khu vực từng là tâm điểm các cơn “sốt nóng” như Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Gia Lâm,… đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh về số người tìm kiếm, quan tâm.

Trong khi đó, đất nền Thạch Thất giá rao bán tăng 17% nhưng lượng quan tâm và tìm kiếm giảm 2% so với năm 2021, tại Quốc Oai giá đất tăng 20% nhưng mức độ quan tâm giảm 24%; đất nền Đông Anh giá tăng 31% nhưng mức độ quan tâm giảm 29%. Giá chào bán đất nền Gia Lâm tăng 27% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%.

Với các thị trường giáp ranh Hà Nội, Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận kịch bản tương tự. Đơn cử như đất nền Bắc Ninh giá tăng 9% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%, đất nền Hưng Yên giá tăng 8% nhưng mức độ quan tâm giảm 17%, đất nền Hưng Yên giá tăng 8% nhưng mức độ quan tâm giảm 17%.

Tại thị trường phía nam, báo cáo mới nhất của DKRA Việt Nam chỉ ra, trong tháng 7 vừa qua, thị trường TP HCM và vùng phụ cận ghi nhận 857 sản phẩm đất nền mới đến từ 6 dự án. Nguồn cung tăng khoảng 49% so với tháng trước nhưng vẫn còn khá thấp so với giai đoạn trước năm 2020.

Đáng chú ý, chỉ có 410 nền được tiêu thụ, cho thấy sức cầu chung toàn thị trường dừng ở mức 48%. Tỷ lệ tiêu thụ giảm đáng kể so với các tháng trước đó: giảm 6% so với tháng 6 và giảm 26% so với tháng 5.

Về giá bán, giá sơ cấp đất nền tại Long An dao động từ 15,6 - 31,9 triệu đồng/m2, tại Đồng Nai dao động từ 16,5 - 49,7 triệu đồng/m2, tại Bình Dương dao động từ 16,8 - 25 triệu đồng/m2.

Giá bán thứ cấp tăng phổ biến từ 7 - 11% so với cuối năm trước. Tuy nhiên thanh khoản trên thị trường thứ cấp đã sụt giảm, kể cả với những dự án đã có sổ từng nền. DKRA cho rằng nguyên nhân phần lớn đến từ động thái tăng cường kiểm soát tín dụng.

Theo DKRA Việt Nam, 2 năm dịch bệnh COVID-19, giá đất ở nhiều tỉnh bị đẩy lên quá cao trong “cơn sốt” đất, khiến mặt bằng giá không tương xứng với tiềm năng, thậm chí có khu vực đất nông thôn bị đẩy giá tăng 200 – 300%. Bên cạnh đó, khi xã hội trở lại trạng thái bình thường, các ngành nghề khác hoạt động trở lại, người ta nhận thấy đầu tư đất nền ở mức giá “ảo” quá rủi ro, nên bắt đầu thanh khoản, chuyển hướng đầu tư.

 Đất nền là loại hình bất động sản có tính thanh khoản cao, nhưng rủi ro cũng nhiều. Ảnh TT.

Đất nền tiếp tục là xu hướng đầu tư chủ đạo

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá đất nền vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá bất động sản tập trung trong cuối quý I, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đây là loại hình bất động sản có tính thanh khoản cao, dù trong thời điểm này thanh khoản có chững nhưng cũng sẽ sớm cân bằng trở lại.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đa dạng, tuy nhiên thời gian vừa qua, thị trường bất động sản phát triển thiên về đất nền nhiều hơn vì dễ làm. Tại nhiều địa phương, doanh nghiệp có ít tiền nhưng cũng san đất, cắm mốc làm vài con đường rồi bán nền thu tiền, trong khi đó vốn của người mua cũng không cần nhiều, chỉ 1-2 tỷ đồng có thể mua được một nền đất đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên thường vụ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam  (VARS) phụ trách Đông Nam bộ, Chủ tịch King Broker Group cho biết, sở dĩ đất nền tiếp tục là xu hướng đầu tư chủ đạo trong vòng 3 - 5 năm tới là bởi: "Thời gian thực hiện các dự án chung cư và bất động sản nghỉ dưỡng mất tới 5 - 10 năm và có thể lâu hơn nếu trục trặc. Trong khi đó, dự án đất nền phân lô có thể cho ra lò trong vài tháng. Kể cả sau này chúng ta có chính sách siết tình trạng phân lô bán nền, thì thời gian triển khai dự án đất nền vẫn nhanh gọn hơn nhiều so với dự án chung cư", ông Tuấn Anh nói.

Thêm vào đó, nguồn cung đất nền cũng dồi dào hơn và nhu cầu ở phân khúc này cũng lớn hơn, trong khi nguồn cung chung cư đang ách tắc vì pháp lý và khả năng đáp ứng quá nhỏ so với nhu cầu thực.

Chuyên gia nhấn mạnh, về cơ bản, đầu tư đất nền hấp dẫn hơn là nhờ tỷ suất lợi nhuận cao hơn, thời gian đầu tư dự án ngắn, nhịp sóng tăng giá của đất nền ngắn hơn rất nhiều so với dự án chung cư hay bất động sản nghỉ dưỡng và nhà đầu tư đất nền có thể chốt lời sau 2 - 3 năm.

Trong khi phân khúc chung cư có sóng tăng giá chậm và ngắt quãng, thì sóng tăng giá của đất nền thường diễn biến tăng liên tục theo năm, thậm chí tăng theo điều chỉnh giá đất của địa phương.

Không phủ nhận việc đất nền đem lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư nhưng cũng sẽ mang đến nhiều hệ lụy, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng: "Nếu như thị trường đất nền phát triển quá nóng dẫn đến rất nhiều hệ luỵ, thứ nhất có thể xảy ra cơn sốt không đáng có. Thứ hai, rõ ràng khi đầu tư đất nền chỉ để kiếm lời lướt sóng không phục vụ sản xuất, không giúp phát triển thị trường lành mạnh. Tôi thấy rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, chủ yếu là đất nền dễ làm, dễ đầu tư nhưng cũng có nguyên nhân nữa là buông lỏng quản lý trong việc phát triển dự án làm thị trường méo mó đi".