Thị trường Mỹ gặp khó, Ấn Độ và Trung Đông vươn lên thành ‘điểm sáng’ xuất khẩu gỗ

Trang Mai 12:42 | 11/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bức tranh sản xuất, kinh doanh của ngành chế biến gỗ giảm tốc trong những tháng đầu năm 2023 khi xuất khẩu sang thị trường truyền thống tụt giảm từ 50 - 60% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh đó, thị trường Ấn Độ và Trung Đông vươn lên trở thành điểm sáng, giá trị nhập cao gấp nhiều lần cùng kỳ 2022.

Báo Công Thương dẫn số liệu từ thông cáo báo chí của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) vừa công bố cho thấy, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh, trong 5 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, sản phẩm gỗ chế biến sâu, thuộc mã HS 94, giảm tới 38%. Hiện nay, chỉ còn một số mặt hàng thuộc nhóm HS 44 (gỗ và các mặt hàng bằng gỗ) còn tăng trưởng dương.

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương - cho hay, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn, hiện doanh nghiệp đang phải cắt giảm công suất 60%. “Tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay thị trường rất khó tiên liệu, lạm phát tại Hoa Kỳ vẫn tăng, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (Fed) vẫn tăng lãi suất, tất cả mọi tín hiệu thị trường đều kém sáng, doanh nghiệp cũng không biết sẽ định hướng như thế nào”, ông Nguyễn Liêm chia sẻ với VIFOREST. 

Xét về thị trường xuất khẩu, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các thị trường chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 2,02 tỷ USD giảm gần 40%; Nhật Bản 556,2 triệu USD giảm 1,5%; Hàn Quốc đạt 273,5 triệu USD giảm 23%; Trung Quốc đạt 481 triệu USD giảm 11%; Anh đạt 60 triệu USD giảm 40%; Australia đạt 36 triệu USD giảm 44%,…

 Nguồn: Tổng cục Thống kê, VNBUSINESS

Theo thông tin từ VIFOREST, về tình hình đơn hàng, thông tin sơ bộ từ các doanh nghiệp chế biến gỗ cho thấy, đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm từ 50 - 55% tùy từng chủng loại sản phẩm gỗ, đồ gỗ. (Hiện thị trường Mỹ chiếm tới 55 - 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam). 

Riêng đối với mặt hàng gỗ dán, hiện chỉ còn một vài doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này. Tương tự, đối với mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm, đơn hàng giảm sâu, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng mới.

Đối với nhóm sản phẩm khác nhận được đặt hàng trong ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp cho biết từ sau tháng 7 không có đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp đã cho công nhân nghỉ, chỉ sản xuất khoảng 30% công suất của nhà máy.

Tương tự đối với thị trường EU đã giảm tới 60%, các đơn hàng mới hiện rất ít, mặc dù hiện đang là mùa hàng của EU.

Trong bối cảnh đó, thị trường Ấn Độ và Trung Đông nổi lên với kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể, dù cho đây không phải thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. 

Số liệu từ Tổng cục hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ 4 tháng năm 2023 đạt 21,19 triệu USD tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022 (7,6 triệu USD). Mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là MDF (Gỗ MDF là một loại gỗ công nghiệp có thành phần cấu tạo từ các bột sợi gỗ nhỏ, chất kết dính và các chất phụ gia khác như chất làm cứng, chất bảo vệ gỗ), chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này. 

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các nước thuộc thị trường Trung Đông tăng cao trong 4 tháng đầu năm 2023. UAE là thị trường chính với giá trị 11,2 triệu USD, tăng 38% so với năm 2023. Mặt hàng chính xuất khẩu sang thị trường này gồm đồ gỗ sử dụng trong xây dựng (HS 4418); ghế ngồi (HS 9401); đồ gỗ (HS 9403).

Dù đang là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của ngành gỗ, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Liêm, tại thị trường Ấn Độ thị hiếu tiêu dùng khác với châu Âu và Hoa Kỳ. Sản phẩm sử dụng là hàng “may đo” và không phù hợp với sản xuất của Việt Nam. Chỉ có giới trẻ hiện nay tại Ấn Độ mới sử dụng các mặt hàng giống như các nước phương Tây, tuy nhiên, tỷ lệ này chưa nhiều.

“Xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Ấn Độ có thể tăng, nhưng tăng với số nhỏ thì không có ý nghĩa gì. Ví dụ, lâu nay chúng ta xuất khẩu sang thị trường này với con số 20 triệu USD, nếu có tăng 3 lần thì cũng chỉ đạt con số 60 triệu USD, thì cũng không ăn thua so với con số xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 8-9 tỷ USD”, ông Nguyễn Liêm cho biết. “Việc này cũng tương tự như đối với thị trường UAE - thị trường không lớn, còn những dự án lớn thì các tập đoàn lớn của nước ngoài đã chiếm lĩnh rồi” - vị này nhận định. 

Nhìn chung, ngành gỗ Việt Nam vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Mỹ. Để có lợi thế cạnh tranh tại thị trường này, doanh nghiệp gỗ Việt rất cần thông tin để đánh giá lại sản phẩm chiến lược, sản phẩm có tiềm năng mà doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh.

Về phía những nhà hoạch định, trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Sỹ Hoài- Phó Chủ tịch VIFOREST cho biết: “Rõ ràng việc đa dạng hoá thị trường bao giờ cũng tốt, tránh tình trạng rủi ro khi tập trung vào một thị trường. Thực tế thì ở Việt Nam cũng có những doanh nghiệp xuất khẩu vào nhiều thị trường và cầm cự tốt trong bối cảnh hiện nay. Nhưng thực ra cũng không phải dễ. Trong sự cạnh tranh gay gắt, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể mở rộng thị trường được. Mỗi thị trường có sự khó tính riêng, mà đa phần doanh nghiệp chúng ta không phải những tập đoàn lớn mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, để sang được một nơi khác đã là cả một sự cố gắng. Do đó, dù rất muốn mở rộng, tăng thêm thị phần, nhưng nó sẽ còn là một câu chuyện dài”.

 “Bây giờ nói về cách “phải làm gì” thì cũng chỉ là “võ đoán”. Trong thời gian này, chủ yếu chúng tôi cố gắng tổng hợp, nghe ngóng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, phân tích tại sao thị trường sa sút như vậy để tham vấn thêm cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã có những cuộc họp với ngân hàng, cố gắng tiết giảm chi tiêu, chi phí, cấp vốn vay cho doanh nghiệp với lãi suất thấp nhất có thể.” - Ông Hoài chia sẻ. 

Nhận định về thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, ông Nguyễn Liêm cho rằng, việc này phụ thuộc vào các đối tác, khách hàng tại thị trường nhập khẩu, khi lượng hàng tồn kho giảm, thị trường tốt lên thì họ mới tiếp tục đặt hàng. Dự báo, khoảng đầu năm 2024 thì trường sẽ bớt khó khăn, doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng lại nhưng chỉ là những đơn hàng nhỏ, thị trường muốn phục hồi thì phải cuối năm 2024. Tốc độ phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế, chính trị thế giới.