Thứ đe doạ kế hoạch giảm lãi suất của Fed
Lý do chứng khoán Mỹ khởi đầu quý II bết bát
Kết thúc quý I cao kỷ lục, thị trường chứng khoán Mỹ vừa có khởi đầu quý II không mấy khả quan khi giá dầu tăng cao khiến nhà đầu tư băn khoăn rằng liệu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã hoàn toàn chế ngự lạm phát hay chưa.
Ghi nhận vào cuối ngày 5/4, giá dầu Brent chuẩn quốc tế và WTI chuẩn của Mỹ đều đã leo lên mức cao nhất trong 5 tháng, lần lượt đạt 91,2 USD/thùng và 86,9 USD/thùng. Nếu tính từ đầu năm 2024, giá Brent và WTI tăng 17,5% và 20,5%.
Tại cuộc họp tháng 3, các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn dự kiến sẽ hạ lãi suất ba lần trong năm nay. Song, nguy cơ áp lực lạm phát phình to trở lại khiến thị trường nghi ngờ liệu ngày đó có đến sớm hay không.
Thước đo lạm phát ưa thích của Fed là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCEPI lõi) đã tăng 2,8% so với một năm trước vào tháng 2 và 2,9% vào tháng 1. PCEPI lõi tăng trung bình 3,1% trong 6 tháng qua.
Dù đánh giá theo hướng nào, lạm phát hiện tại vẫn cao hơn đáng kể so với mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ. Bởi vậy, khi giá dầu đột ngột đi lên, dễ hiểu tại sao chứng khoán Mỹ bị bán tháo trong tuần qua.
Dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể đeo bám nền kinh tế lâu hơn cũng kéo lãi suất dài hạn lên cao. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 và 30 năm đã vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 11. Cuối ngày 5/4, lợi suất kỳ hạn 10 năm là 4,4%.
“Các nhà đầu tư đang ngày càng bận tâm đến khả năng lạm phát có thể nóng trở lại”, bà Liz Young, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư tại SoFi, lưu ý trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal mới đây.
Trên thực tế, dù phát tín hiệu sẽ “nới tay” ba lần trong năm nay, các quan chức Fed vẫn đang rất mâu thuẫn về thời điểm và mức độ hạ lãi suất.
Theo biểu đồ “dot-plot” công bố tại cuộc họp tháng 3, 10 quan chức dự kiến Fed sẽ giảm lãi suất từ ba lần trở lên, mỗi lần 25 điểm cơ bản. Trong khi đó, 9 người khác dự đoán giảm từ hai lần trở xuống.
Thị trường tương lai đang ngày càng nghiêng về khả năng chỉ có hai lần giảm lãi suất, nếu không muốn nói là ít hơn. Thậm chí, các nhà phân tích đang bắt đầu bàn về kịch bản Fed không nới lỏng chính sách.
“Nhìn chung, thị trường đang cố gắng tiếp nhận các khả năng Fed giảm lãi suất muộn hơn, giảm ít hơn và không giảm lần nào trong năm nay”, bà Young nhấn mạnh.
Cẩn trọng với giá dầu
Còn nhớ cách đây hơn 50 năm, hai cú sốc giá dầu bắt nguồn từ cuộc chiến Yom Kippur ở Trung Đông đã đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình trạng lạm phát đình trệ - tức lạm phát cao, tăng trưởng thấp.
Giá dầu có thời điểm nhảy vọt 300% từ 2,9 USD/thùng lên 11,6 USD/thùng. Mỹ phải rất chật vật mới thoát được bằng cách tăng mạnh lãi suất và chấp nhận một cuộc suy thoái.
Dĩ nhiên, ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế này vẫn tăng trưởng lành mạnh. Tuy nhiên, khó có thể phủ nhận nguy cơ giá năng lượng vọt tăng lần nữa, kéo lạm phát đi lên và đẩy Fed vào thế khó hơn hai năm trước.
Lập luận này khá đúng khi bối cảnh hiện nay có phần tương đồng với giai đoạn những năm 1970, đặc biệt là khi thị trường năng lượng phải đương đầu với nguy cơ từ cả phía cung lẫn phía cầu.
Rủi ro gián đoạn nguồn cung
Trước mắt, OPEC+ vẫn đang cố gắng điều tiết nguồn cung theo hướng có lợi cho giá dầu. Bằng chứng là ở cuộc họp tuần trước, OPEC+ đã giữ nguyên chính sách sản lượng và thúc giục một số nước thành viên phải tuân thủ kế hoạch chung.
Liên minh dầu mỏ quyền lực này nhấn mạnh một số thành viên sẽ phải bù đắp cho tình trạng dư cung trong quý I, đồng thời Nga sẽ chuyển sang hạn chế sản lượng thay vì kiểm soát xuất khẩu.
Tuyên bố sau cuộc họp nêu rõ: “Các quốc gia thành viên có sản lượng vượt hạn ngạch cho phép trong tháng 1, 2 và 3 sẽ gửi kế hoạch đền bù chi tiết tới ban thư ký OPEC trước ngày 30/4/2024”.
Dữ liệu từ S&P Commodity Insights cho thấy OPEC+ đã sản xuất vượt cung 275.000 thùng/ngày trong tháng 1 và 175.000 thùng/ngày trong tháng 2. Gabon, Iraq và Kazakhstan là ba thành viên vi phạm trong hai tháng đầu năm.
Tháng trước, Iraq hứa hẹn sẽ bù đắp cho phần sản lượng vượt kế hoạch của nước này bằng cách cắt giảm nguồn cung khoảng 130.000 thùng/ngày.
Trong cuộc trao đổi với Reuters, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cảnh báo: “Nếu các nước thành viên bù đắp cho tình trạng dư cung và Nga chuyển sang hạn chế sản xuất thay vì xuất khẩu, sản lượng của OPEC+ sẽ giảm trong quý II - thời điểm nhu cầu theo mùa tăng lên”.
Ở diễn biến khác, Iran - nhà sản xuất lớn thứ 4 trong OPEC - vừa tuyên bố sẽ trả đũa Israel. Teheran cho rằng Israel đã đánh bom đại sứ quán Iran ở Syria, dù chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu chưa lên tiếng nhận trách nhiệm.
Theo Bộ Ngoại giao Iran, vụ đánh bom hôm 1/4 đã giết chết ít nhất 7 quan chức, trong đó có chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Mohammed Reza Zahedi.
Vụ việc một lần nữa làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza sẽ lan rộng thành một cuộc xung đột khu vực, cuối cùng có thể làm gián đoạn nguồn cung cầu cho thị trường thế giới.
Giá dầu Brent đang tiến sát mức 92,4 USD/thùng - một mức đỉnh xác lập vào ngày 19/10/2023, tức chưa đầy hai tuần sau khi lực lượng Hamas tấn công bất ngờ vào Israel, khiến hơn 1.200 người thiệt mạng.
Nhà phân tích hàng hoá Bill Weatherburn của Capital Economics lưu ý rằng dù cuộc chiến ở Gaza cho đến nay chưa làm gián đoạn đáng kể nguồn cung dầu, “thị trường rõ ràng đang lo ngại rằng bất kỳ leo thang nào cũng có thể kéo các nước sản xuất dầu lớn trong khu vực vào cuộc”.
Giữa lúc đó, tình hình ở Nga cũng không khá hơn. Ai cũng rõ Nga là một trong những nhà cung ứng nhiên liệu lớn nhất thế giới và máy bay không người lái của Ukraine đang nhắm đến các cơ sở lọc dầu trên khắp xứ sở Bạch Dương.
Bắt đầu từ tháng 1 cho đến cuối tháng 3, Ukraine đã tiến hành ít nhất 23 cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu và kho chứa dầu của Nga, theo tờ Euronews.
Các cuộc tấn công đã tăng tốc trong những tuần gần đây, gây ảnh hưởng đến những cơ sở lớn gần thủ đô Moscow như Taneco của Tatneft và Ryazan của Rosneft.
Mức độ thiệt hại mà máy bay không người lái gây ra khác nhau. Chẳng hạn, nhà máy Volgograd bị hư hại nghiêm trọng và phải chờ đến đầu mùa hè mới có thể sửa chữa được, theo Kommersant.
Một số cơ sở khác không bị hư hại nghiêm trọng, như nhà máy lọc dầu Ilsky có thể sửa chữa xong trong vòng chưa đầy một tháng.
Các cuộc tấn công của Ukraine có thể làm xáo trộn chuỗi cung ứng xăng dầu tại Nga và trên thị trường thế giới. Hôm 4/4, một quan chức NATO cho biết hơn 15% công suất lọc dầu của Nga có thể đã bị ảnh hưởng.
Điều đó cho thấy rủi ro đối với nguồn cung cấp nhiên liệu rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, nông nghiệp công nghiệp và giao thông vận tải toàn cầu.
Khó đoán từ cả phía cầu
Trong khi nguồn cung tiếp tục bị siết chặt, nhu cầu có vẻ đang đi lên, đặc biệt là từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cho đến nay, nền kinh tế Mỹ vẫn đứng vững bất chấp việc lãi suất đang ở mức đỉnh hơn 22 năm. Dữ liệu sản xuất và việc làm đều mạnh hơn dự đoán của các nhà kinh tế, báo trước triển vọng tích cực cho nhu cầu dầu mỏ.
Theo Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM), chỉ số PMI sản xuất tháng 3 đạt 50,3 điểm - cao hơn con số 47,8 của tháng 2 cũng như vượt ước tính 48,1 của các chuyên gia tham gia khảo sát của Wall Street Journal.
Mô hình của Fed chi nhánh Atlanta gần đây đã nâng ước tính tăng trưởng GDP thực trong quý I lên 2,8%, cao hơn 0,5 điểm % so với ước tính ban đầu.
Tương tự, cũng có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu ở Trung Quốc có thể đang khởi sắc. Một tin tốt hiếm hoi với nền kinh tế tỷ dân gần đây là PMI sản xuất đã vượt lên mốc 50 điểm lần đầu tiên trong 6 tháng.
Hồi giữa tháng 1, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán mức tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 1,24 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Đây là lần điều chỉnh tăng thứ ba liên tiếp của IEA trong nhiều tháng qua.
Đề cập đến các căng thẳng địa chính trị và động thái siết chặt nguồn cung của OPEC+, Bank of America đã nâng dự báo giá dầu Brent và WTI trong một báo cáo tuần trước.
Bây giờ, ông lớn Phố Wall kỳ vọng giá dầu Brent và WTI sẽ đạt trung bình khoảng 86 USD/thùng và 81 USD/thùng trong năm 2024. Giá của cả hai loại dầu sẽ đạt đỉnh khoảng 95 USD/thùng trong mùa hè.