Thu nhập trên 17 triệu đồng/tháng, số tiền thuế nộp là rất nhỏ
Thời gian qua, một số chuyên gia cho rằng mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng để mỗi năm khi tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng theo, thay vì cột cứng ở mức cố định như hiện nay khiến người lao động thiệt đơn thiệt kép. Hơn nữa, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên bằng 70% mức giảm trừ của người lao động vì mức 4,4 triệu đồng/tháng hiện nay đã quá lạc hậu.
"Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không dựa vào mức sống tối thiểu, không dựa vào thu nhập bình quân đầu người, mức lương tối thiểu chung cũng như mức lương tối thiểu theo vùng. Chẳng hạn, lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau đến 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau", luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO từng nhận định.
Phản hồi về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Đối với các cá nhân là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế. Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.
Cũng theo Bộ Tài chính, ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2020.
Với việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Bộ Tài chính cho biết: "Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức nêu trên (17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng) thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân".
Theo Bộ Tài chính, với một người phụ thuộc, cá nhân có thu nhập 40 triệu đồng/tháng thì số thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 6,61%/thu nhập; thu nhập 60 triệu đồng/tháng thì thuế phải nộp là 11,86%/thu nhập; thu nhập 80 triệu đồng/tháng thì thuế phải nộp là 15,74%/thu nhập; thu nhập 100 triệu đồng/tháng thì thuế phải nộp là 18,66%/thu nhập. Đối với cá nhân có thu nhập ở mức cao trên 100 triệu đồng thì số thuế phải nộp mới ở tỷ lệ cao hơn 20%/thu nhập.
Về những thắc mắc liên quan đến Thuế thu nhập cá nhân cũng như mức giảm trừ gia cảnh, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SB Law đưa ra nhận định và giải pháp:
Thứ nhất, tăng mức giảm trừ gia cảnh sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Hiện nay, thuế TNCN đã được giảm trừ gia cảnh, giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/người/tháng đối với người phụ thuộc là không đủ để đảm bảo đời sống cho những gia đình có thu nhập trung bình.
Mức giảm trừ cần phải tăng lên theo tỷ lệ gia tăng của thu nhập bình quân, hoặc tỷ lệ tăng của tổng thu nhập quốc dân. Đồng thời, mức giảm trừ người phụ thuộc cũng cần nâng lên gần tương đương với người đóng thuế. Việc nâng cao mức giảm trừ gia cảnh là cơ sở quan trọng để người lao động giảm bớt gánh nặng tài chính, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Nên xây dựng luật theo hướng mở, cho phép Chính phủ được quyết tăng mức giảm trừ gia cảnh khi CPI có biến động chứ không nên đợi CPI có mức biến động quá lớn rồi mới trình Chính phủ xem xét. Quy trình này khiến quyết định được đưa vào cuộc sống có độ trễ lớn, gây thiệt thòi cho người đóng thuế.
Thứ hai, tăng các khoản chi được tính vào giảm trừ thu nhập chịu thuế. Số lượng các khoản chi được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế quá ít. Người lao động chỉ có bốn khoản giảm trừ là giảm trừ gia cảnh, giảm trừ các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, giảm trừ đóng bảo hiểm bắt buộc và đóng góp quỹ hưu trí. Điều này thực tế gây ra rất nhiều gánh nặng cho người lao động.
Tình hình kinh tế xã hội hiện nay so với thời điểm ra đời Luật Thuế TNCN đã có nhiều thay đổi, trong đó có sự gia tăng về mặt bằng lương của người lao động do yếu tố trượt giá cũng như sự gia tăng quy mô của nền kinh tế, và từ đó dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của người dân thuộc tầng lớp trung.
Nhóm đối tượng này có xu hướng lựa chọn giáo dục và y tế tư nhân (hoặc y tế dịch vụ nằm ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế), tham gia bảo hiểm tự nguyện… với chi phí lớn.
Đây vốn là xu hướng tất yếu của người dân để nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công. Tuy nhiên, các khoản chi tiêu này hiện nay không được tính khấu trừ và tạo áp lực lên thu nhập của người dân.