Thủy sản xuất khẩu phục hồi về mức trước đại dịch, đạt giá trị hơn 4,1 tỷ USD nửa đầu năm 2021

19:56 | 02/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
6 tháng đầu năm, giá trị kim ngạch thủy sản xuất khẩu ước tính tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Vượt khó dịch bệnh cùng nhu cầu trên thế giới tăng đã đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành.

Cụ thể, theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) thì xuất khẩu thủy sản đã đạt giá trị hơn 4,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, cao hơn 13,6% so cùng kỳ năm 2020 và đạt 47,1% kế hoạch. 

Riêng tháng 6, xuất khẩu thủy sản đạt mức 865 triệu USD với mức tăng 20% so với cùng thời điểm năm ngoái. 

Tôm là mặt hàng chủ lực, trong tháng 6 dẫn đầu về giá trị khi đạt khoảng 402 triệu USD, tăng 15%, đưa tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức đều có nhu cầu cao cũng như gia tăng nhập tôm từ Việt Nam. 

Tương tự là xuất khẩu cá tra, tiếp tục tăng 36% trong tháng 6, khi đạt trên 150 triệu USD. Lũy kế nửa đầu năm 2021, cá tra xuất sang nước ngoài đạt 788 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủy sản xuất khẩu phục hồi về mức trước đại dịch, đạt giá trị hơn 4,1 tỷ USD nửa đầu năm 2021 - ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Công Thương

Các sản phẩm hải sản xuất khẩu cũng cho những diễn biến tích cực, kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt 2021 đạt 1.6 tỷ USD, tăng 16%. Riêng trong tháng 6, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng này chứng kiến mức tăng 21% đạt 312 triệu USD. Trong đó, các sản phẩm chính là mực, bạch tuộc và cá ngừ đều đang có sức thu mua mạnh tại các thị trường lớn. 

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu tăng trưởng của nước ta đã tăng trưởng để phục hồi trở lại với trước lúc diễn ra đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản nước ta đã hưởng lợi gián tiếp khi các đối thủ cạnh tranh đều gặp vấn đề riêng: Ấn Độ đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, trong khi đó tại thị trường xuất khẩu chủ lực Mỹ thì Trung Quốc - một trong những nước có ngành chế biến phát triển vẫn chưa thoái khỏi những căng thẳng liên quan tới chiến tranh thương mại. 

Còn tại thị trường EU, việc xuất khẩu thủy sản đang nhận được lợi ích trực tiếp từ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Tuy kinh tế khu vực này phục hồi chậm hơn so với Mỹ, nhưng nhu cầu tiêu thụ thủy sản đang tăng trở lại khi dịch COVID-19 dần được khống chế, các nước trong thuộc EU đang từng bước mở cửa dịch vụ ăn uống ngoài gia đình và ngành du lịch. 

Cuối cùng cũng không thể nhắc tới sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp nội địa khi đã tận dụng tốt cơ hội thị trường, tận dụng tốt nguồn cung nguyên liệu thủy sản trong nước ổn định và một số nguồn cung bị tác động mạnh bởi dịch COVID như đã đề cập ở trên. 

Các chuyên gia dự báo nửa cuối năm 2021, XK thủy sản của Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi khi các doanh nghiệp đã thích nghi tốt với những biến đổi của thị trường dưới tác động của dịch Covid-19 và nhu cầu tiếp tục tăng khi những thị trường chủ lực đang từng bước hồi phục kinh tế. 

Mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 8,8 - 9 tỷ USD đối với ngành thủy sản có lẽ sẽ không còn quá xa vời để hoàn thành. 

H.S

Xem thêm: Bất lợi mới đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam đang lớn dần