Tỉnh Nghệ An triển khai nhiều biện pháp nhằm ứng phó với bão Conson

15:10 | 09/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để đối phó với bão Conson có thể đổ bộ vào địa bàn, các địa phương ven biển tỉnh Nghệ An đang tập trung lên phương án ứng phó, cảnh báo ngư dân và đề ra phương di dời dân trong lúc cấp bách.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão Conson dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh Bắc miền Trung trong những ngày tới, với sức gió mạnh, kèm theo mưa lớn. Hiện các địa phương vùng ven biển Nghệ An đang chỉ đạo các địa phương và người dân chủ động lên phương án đối phó, trong đó xác định những lĩnh vực có thể ảnh hưởng nhất.

Dự báo vị trí và đường đi của bão CONSON. Ảnh NCHMF

Tại thị xã Cửa Lò thì có 2 cảng tàu đậu, một nằm ở Nghi Hải cái còn lại nằm ở Đồn Biên phòng. Hiện nay tại cảng Nghệ Tĩnh có khoảng 46 tàu đang neo đậu. còn tại phường Nghi Hải có một số tàu của phường Nghi Hải và một số tàu của tỉnh khác đang neo đâu. riêng tại đây, từ khi có chỉ thị 16, tất cả các tàu cá hầu như không ra khơi”, ông Võ Văn Lý Trưởng phòng Kinh tế thị xã Cửa Lò cho biết.

Huyện Diễn Châu thời điểm này đã triển khai trồng khá nhiều diện tích cây vụ đông, do vậy, nếu bão Conson đổ bộ vào địa bàn thì sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn ha cây trồng. Theo ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đáng lo nhất hiện nay đối với cơn bão Conson là 1.800 ha ngô vụ đông đang giai đoạn 5 - 6 lá và 900 ha lạc đang thời kỳ ra hoa. Nếu bão đổ bộ vào, kèm theo mưa lớn, thì hàng nghìn ha cây trồng này sẽ bị ảnh hưởng hư hỏng.

Ngư dân tiến hành thu hoạch tôm trước bão.

Hiện tại Diễn Châu có 100 ha ao, hồ đang nuôi tôm vụ hè thu gần đến kỳ thu hoạch. Để giảm thiểu thiệt hại, huyện tuyên truyền, hướng dẫn bà con che chắn ao hồ bằng lưới, những ao hồ nào có thể thu hoạch được thì tiến hành thu hoạch...

Cũng theo ông Lê Thế Hiếu, tại Diễn Châu có gần 1000 tàu cá hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện tại cơ quan chức năng thông báo thì cơ bản đã vào bờ và neo đậu an toàn, hiện tại còn 18 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ đang trên đường về tránh bão. Dự kiến khoảng 15h chiều nay sẽ vào neo đậu an toàn tại cửa biển Lạch Vạn thuộc xã Diễn Thành (huyện Diễn Châu).

Thị xã Hoàng Mai là địa phương có thể ảnh hưởng lớn bởi cơn bão Conson sắp tới. Ông Hoàng Ngọc Thủy - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai cho biết, lo nhất hiện nay đối với thị xã Hoàng Mai là hiện vẫn còn trên 100 tàu thuyền/tổng số hơn 1.000 tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Để 100% số tàu thuyền về neo đậu an toàn trước khi bão vào, trong sáng 9/9, các địa phương tiếp tục phát thông báo cho các chủ tàu khẩn trương di chuyển tàu về đất liền. Bên cạnh đó, các địa phương và người dân tập trung nhân lực chằng chéo các công trình nhà cửa ven biển, chặt tỉa cành cây...

Tại huyện Quỳnh Lưu, bên cạnh có số tàu thuyền nhiều, trên địa bàn còn có diện tích rau màu lớn và nhiều điểm du lịch ven biển, nên huyện đang gấp rút chỉ đạo các địa phương tập trung cho công tác chống bão Conson.

Bộ đội đang giúp bà con neo tàu tại cảng Lạch Quèn (Quỳnh Lưu, Nghệ An)

Bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, lo nhất là hơn 400 ha rau màu của bà con sẽ bị ngập nước do mưa lớn; một số diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch; sau đó là các công trình nhà cửa, nhà hàng, ki ốt tại các điểm du lịch ven biển. Đối với tàu thuyền, hiện bà con ngư dân đang trên đường về đất liền.

Để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, hiện nay huyện đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa hè thu, chằng chéo nhà cửa, kho tàng, chặt tỉa cành cây, triển khai các phương án để giảm tổn thất khi nước dâng cao tại các ao hồ nuôi trồng thủy sản. Huyện Quỳnh Lưu cũng kiểm tra vận hành đối với các cống điều tiết và kênh tiêu úng; Thông báo cho các chủ tàu di chuyển tàu thuyền đến nơi neo đậu an toàn.

"Lo nhất là hàng trăm ha rau màu của bà con vùng bãi ngang, nếu trời mưa to kéo dài, sẽ bị ngập úng, gây thiệt hại. Do vậy, ngoài nạo vét các kênh tiêu úng chính, các địa phương hướng dẫn bà con tháo bờ thoát nước ruộng ngay sau khi hết mưa để tiêu úng nhanh", bà Vũ Thị Bích Hằng cho hay.

Nhiều  hécta rau màu có nguy cơ mất trắng  nếu bão CONSON đổ bộ vào.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 9/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 118,8 độ Kinh Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 780 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120 km tính từ tâm bão. Dự báo trong những ngày tới bão sẽ di chuyển vào bờ biển các tỉnh Bắc miền Trung.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào Biển Đông.

Đến 13 giờ ngày 09/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 118,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Do ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm ngày mai (09/9), ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 3,0-5,0m; biển động rất mạnh.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển đông: cấp 3. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 13 giờ ngày 10/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 114,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và mạnh thêm.

Đến 13 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 13.

Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km.