Tổng Giám đốc Chứng khoán FPT bán hơn 800 nghìn cổ phiếu FTS

Trang Mai 10:32 | 15/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, ông Nguyễn Điệp Tùng - Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT Chứng khoán FPT (FPTS, mã: FTS) đã bán thànhh công hơn 800 nghìn cổ phiếu, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 2,32% số lượng đang lưu hành.

Cụ thể, ngày 14/12, ông Nguyễn Điệp Tùng - Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT Chứng khoán FPT đã bán thành công 843.217 cổ phiếu FTS bằng phương thức thỏa thuận. Qua đó, ông Tùng giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,4 triệu cổ phiếu, tương đương 2,75% số lượng đang lưu hành xuống 4,5 triệu cổ phiếu, tương đương 2,32% số lượng đang lưu hành. 

Trong quý III, Chứng khoán FPT ghi nhận kết quả không mấy khả quan. Theo đó, chứng khoán FPT ghi nhận tổng doanh thu đạt 54 tỷ đồng, giảm 87,5% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 60 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 296 tỷ đồng, tức giảm hơn 356 tỷ đồng. Doanh thu giảm mạnh trong quý III chủ yếu do giảm mạnh doanh thu môi giới chứng khoán và hoạt động tự doanh tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) là số âm. 

Liên quan đến tập đoàn FPT, mới đây, doanh nghiệp này đã công bố kết quả kinh doanh tháng 11 với tình hình khá tích cực. Theo đó, tính riêng trong tháng 11, FPT ước đạt hơn 6.144 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 712 tỷ đồng. Luỹ kế 11 tháng, doanh thu FPT đạt 39.249 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 7.168 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, FPT lãi sau thuế 11 tháng 6.155 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với thực hiện trong cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lãi ròng cổ đông Công ty mẹ tăng 29% lên 5.067 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) tăng 28% lên 4.629 đồng. 

So với kế hoạch năm, tập đoàn đã thực hiện được gần 93% kế hoạch doanh thu và 94% mục tiêu lợi nhuận trước thuế sau 11 tháng. 

 Đơn vị: Tỷ đồng, Nguồn: FPT

Về cơ cấu doanh thu 11 tháng đầu trong năm, khối Công nghệ ghi nhận 22.477 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 3.322 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 23% và 26%. Lợi nhuận từ mảng Công nghệ chiếm hơn 46% cơ cấu lợi nhuận trước thuế cả tập đoàn. Đồng thời, doanh thu dịch vụ Chuyển đổi số trong 10 tháng đầu năm đạt 6.534 tỷ đồng, tăng trưởng 27% so với cùng kỳ; tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics, Blockchain,...

 Đơn vị: Tỷ đồng, Nguồn: FPT

Bên cạnh đó, doanh thu Dịch vụ Viễn thông tăng trưởng 2 con số 16,1%, đạt 13.372 tỷ đồng. Mảng giáo dục, đầu tư tiếp tục mức tăng trưởng doanh thu cao 71% đạt 3.400 tỷ đồng trong 11 tháng kéo theo lợi nhuận trước thuế tại mảng này đạt 1.269 tỷ đồng, tăng gần 46% so với cùng kỳ.

Tại mảng dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài, FPT ghi nhận khối lượng đơn hàng đăng ký mới từ thị trường nước ngoài trong 1 1 tháng đầu năm, đạt 20.566 tỷ đồng (tăng trưởng 37,1% so với cùng kỳ).

Nhờ đó, doanh thu mảng xuất khẩu phần mềm tiếp đà tăng trưởng cao 31% so với cùng kỳ, đạt 17.107 tỷ đồng đóng góp bởi sức tăng đến từ thị trường Mỹ (tăng 48,6%) và APAC (tăng 47,3%).

Theo đánh giá từ công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) trong báo cáo triển vọng ra ngày 21/9, nhóm nghiên cứu cho rằng FPT sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong kết quả kinh doanh nhờ cải thiện hiệu quả mảng viễn thông và sự bùng nổ của lĩnh vực công nghệ tại cả thị trường nội địa và quốc tế. Trong giai đoạn 5 năm tới, VCBS đánh giá FPT còn nhiều dư địa để duy trì triển vọng kinh doanh tích cực cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế số và hiệu quả kinh doanh được cải thiện nhanh chóng tại các dịch vụ của doanh nghiệp. 

VCBS dự phóng doanh thu năm 2022 của FPT đạt 44.982 tỷ đồng, tăng 26,1% so với 2021, lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 5.567 tỷ đồng, tăng 28,4%, tương ứng với EPS là 5.577 VND/cổ phiếu.