TP HCM kiến nghị với Thủ tướng loạt giải pháp về phát triển nhà ở xã hội

Đông Bắc 15:12 | 04/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Hoàng Quân đề xuất 7 kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành của Trung ương về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

 

  TP HCM đã xây dựng khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020. Ảnh TT.

Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội  cho công nhân, người thu nhập thấp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 1/8, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Hoàng Quân đã có báo cáo về tiến độ và kế hoạch xây dựng và phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bên cạnh đó là những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ.

Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết, trong thời gian qua, giai đoạn 2006-2020, TP HCM đã xây dựng khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố. Suốt thời gian này, các dự án hầu hết do các doanh nghiệp của Thành phố xây dựng.

TP HCM quy mô dân số trong giai đoạn từ 2021-2025 dự kiến tăng 1 triệu người, tức là trong 1 nhiệm kỳ, quy mô dân số đang là 1 triệu dân. Như vậy trong thời gian tới, quy mô dân số đến năm 2030, tăng 11,3 triệu dân, bình quân mỗi năm tăng 200.000 dân.

Nhu cầu của TP HCM về nhà ở xã hội cũng đã được Bộ Xây dựng thẩm định chương trình và thành phố đã phê duyệt chương trình này. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, thành phố đã xây dựng 35.000 căn hộ xã hội trên địa bàn. Giai đoạn 2026-2030, xây dựng 58.000 căn.

Như vậy từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ xây dựng 93.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, dành 25% cho nhà ở công nhân và nhà cho thuê. Thành phố thống nhất với những vướng mắt và khó khăn do Bộ Xây dựng trình bày.

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất 7 kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành của Trung ương như sau:

Một là, kiến nghị Thủ tướng có chỉ đạo ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, nhà ở xã hội ở các địa phương triển khai thực hiện theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian để giải quyết hồ sơ cũng như các hoạt động về đầu tư xây dựng.

Trước mắt, Thành phố hệ thống được các bước để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội gồm: Chấp thuận chủ trương đầu tư quy hoạch, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Các bước này, TPHCM đã có đề xuất giảm 50% thủ tục hành chính như các tập đoàn cũng đã đề xuất.

Hai là, đề xuất cho ban hành hướng dẫn việc xác định phân bổ và hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% để xây dựng nhà ở xã hội.

Ba là, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có giá phù hợp, nhà ở cho thuê, nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở cho các đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Bốn là, điển hình hóa các thiết kế nhà ở xã hội được thẩm định thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng để triển khai xây dựng hàng loạt, góp phần giảm thời gian thủ tục đầu tư và giá thành căn hộ.

Năm là, cho phép UBND TPHCM được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2-10 ha theo 1 trong 3 bước: Bước 1, dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội; Bước 2, chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại thời điểm chuyển giao để sử dụng làm nhà ở xã hội; Bước 3, Nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước (tương tự như Nghị định số 100/2015/NĐ-CP). 

Sáu là, đối với các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đát từ 10 ha trở lên, thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức dành quỹ đất 20% trong dự án theo quy định.

Bảy là, bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để thực hiện các chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở năm 2014, để doanh nghiệp vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội;

Hiện nay, khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, quy hoạch, nhà ở, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý, sử dụng tài sản công, đấu thầu,…

Thủ tục thực hiện phải qua nhiều cơ quan, đơn vị cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình được vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ đến năm 2025 và những năm tiếp theo để thực hiện các chương trình này.

  Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. Ảnh VGP.

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết: TP HCM đã tập trung triển khai chương trình nhà ở xã hội, để làm sao có điều chỉnh phù hợp với quy hoạch và thủ tục. TP HCM  đã chủ động rút ngắn thủ tục ngắn nhất, trong đó ngắn nhất 137 ngày, dài nhất 217 ngày.

Thành phố đã cố gắng rút ngắn để tạo điều kiện cho các đơn vị tiến hành, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng có nhiều vấn đề.

Vì vậy, trong dự thảo chỉ thị giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan nên có cơ chế, ở đó tổ công tác phải cùng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hơn.

TP HCM tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội, nhà cho thuê, đặc biệt là nhà cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp chưa đủ điều kiện để nua. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có điều kiện đầu tư mạnh hơn, thành phố tập trung xây dựng nhà ở xã hội , cố gắng xây dựng 70.000 căn trong thời gian tới.

Cần thiết có cơ chế tài chính trong từng phương án cụ thể liên quan đến quỹ đất, quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư. Thành phố mong muốn phấn đấu đến năm 2025, đúng dịp kỷ niệm 55 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ thực hiện được các dự án này.