Trải qua năm 2022 đầy biến động, triển vọng doanh nghiệp xây dựng năm 2023 ra sao?

Thùy Dương 08:19 | 28/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hết quý III, bức tranh triển vọng ngành đã bắt đầu phản ánh những sắc màu u ám, với kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Nhiều đại diện doanh nghiệp nhận định năm 2023 tiếp tục là một năm thách thức với ngành.

Ngành xây dựng năm 2022: Một năm biến động

Khởi động năm 2022 với những dự báo triển vọng sáng sủa khi nền kinh tế mở cửa trở lại, hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành đã kỳ vọng về một năm tài chính thành công. Trên mức nền thấp của năm 2021, nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2022 tăng trưởng đầy tham vọng. Chẳng hạn, Hòa Bình (mã: HBC) đặt mục tiêu doanh thu 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng, lần lượt tăng 54% và 261% so với mức thực hiện năm 2021; Ricons (OTC: Ricons) đặt kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 25% so với thực hiện năm 2021; Coteccons (mã; CTD) đặt mục tiêu doanh thu 15.010 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng, lần lượt tăng 65% và giảm 17%...

Thế nhưng đến hết quý III, bức tranh triển vọng ngành đã bắt đầu phản ánh những sắc màu u ám, với kết quả kinh doanh không như kỳ vọng của nhiều "ông lớn" trong ngành.

Chẳng hạn, lũy kế 9 tháng, Coteccons chỉ đạt 8.307 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 1,9 tỷ, lần lượt đạt 55% mục tiêu doanh thu và gần 10% mục tiêu lợi nhuận. Riêng quý III, doanh nghiệp lỗ 3 tỷ đồng.

Hay Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần 9 tháng đầu năm đạt 10.904 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 61 tỷ đồng, tức hoàn thành hơn 62% kế hoạch doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận năm.  

Khả quan hơn, Ricons báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu 8.356 tỷ đồng, tăng 67,4% svck và đạt gần 84% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng, tăng 28,8% và đạt 80% kế hoạch năm.

 
 
 

Tại tọa đàm "Ngành xây dựng và vật liệu xây dựng 2023: Cơ hội, thách thức và định hướng phát triển"  diễn ra ngày 8/11 qua, ông Võ Minh Nhựt, Tổng Giám đốc NS BlueScope Việt Nam nhận định, năm 2022 là một hành trình có 2 chặng đường khác nhau. Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp rất thuận lợi. Tuy nhiên, nửa còn lại trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là quý IV/2022. 

Trước áp lực chi phí hoạt động tăng cao, nhiều nhà thầu xây dựng được dự báo gặp khó khăn trong quý cuối cùng của năm. Điều này phản ánh xu hướng ngành xây dựng trong 9 tháng đầu năm khi giá nguyên liệu tăng cao, sự đóng băng của ngành bất động sản và sự chật vật tìm kiếm nguồn vốn của các doanh nghiệp trong ngành. Áp lực cạnh tranh về giá để duy trì hoạt động đã khiến biên lợi nhuận gộp chung của ngành xây dựng giảm sút.

Mới đây nhất, hai "ông lớn" trong ngành xây dựng đã cập nhật ước tính kết quả kinh doanh cả năm 2022, với tình hình doanh thu có tín hiệu lạc quan. Cụ thể, Newtecons ước tính doanh thu cả năm cán mốc kế hoạch 10.000 tỷ đồng, gấp đôi so với 2021. Tương tự, Ricons cũng ước tính doanh thu cả năm vượt mục tiêu 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên con số lợi nhuận chưa được công bố.

Tại Lễ tổng kết năm 2022 và kế hoạch năm 2023 của Ricons hôm 16/12, ông Trần Quang Quân, Tổng Giám đốc Ricons - nhận định nhìn chung, bối cảnh ngành xây dựng và bất động sản năm 2022 chịu nhiều biến động. Dự kiến, năm 2023 sắp tới cũng là một năm thách thức. Tương tự, ông Võ Thanh Liêm, Tổng Giám đốc Newtecons cũng thận trọng khi nhận định thị trường bất động sản đang có rất nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xây dựng trong năm 2023 tới đây. 

Triển vọng ngành xây dựng 2023: Trong nguy có cơ

Theo báo cáo phân tích ngành xây dựng do Chứng khoán VNDirect công bố đầu tháng 12, nhóm phân tích nhận định đầu tư công sẽ là điểm sáng năm 2023 cho ngành xây dựng. Các chuyên gia ước tính giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ tăng trưởng 20-25% svck. VNDirect đánh giá cao triển vọng phát triển cơ sở hạ tầng trong năm tới khi các vấn đề về thiếu hụt nguồn cung đá, cát và giá vật liệu xây dựng cao hầu như đã được giải quyết.

Theo đó, các dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý trong thời gian tới như cao tốc Bắc Nam  phía Đông – giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, đường vành đai 4 (Hà Nội) và đường vành đai 3 (TP HCM)... được dự báo sẽ 'tiếp sức' cho ngành xây dựng trong năm 2023.

Cụ thể,  Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng mới đây đã ký quyết định ban hành kế hoạch tổ chức Lễ khánh thành dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn và Lễ khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Ngay từ ngày 1/1/2023, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) sẽ được khởi công đồng loạt trên địa bàn 9 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Hậu Giang, Cà Mau.

Tháng 11 vừa qua, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cũng nhận định thị trường xây dựng tại Việt Nam dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8,7%/năm trong giai đoạn 2021- 2026. MAS cũng có cùng quan điểm với VNDirect về vai trò của đầu tư công trong hoạt động phục hồi và tăng trưởng kinh tế nói chung và tác động lan tỏa tới ngành xây dựng nói riêng. Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng trong thời gian 3-5 năm tới, đầu tư công là lĩnh vực được dành sự quan tâm đặc biệt và được Chính phủ tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế. 

Dù vậy, bên cạnh những cơ hội như động lực từ đầu tư công, các chuyên gia nhận thấy doanh nghiệp xây dựng tiếp tục đối diện nhiều thách thức trong năm tiếp theo, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản còn khó khăn. 

Từ góc độ như vậy, Tổng Giám đốc Saint - Gobain Việt Nam Nguyễn Trường Hải chia sẻ tại tọa đàm "Ngành xây dựng và vật liệu xây dựng 2023: Cơ hội, thách thức và định hướng phát triển" rằng Saint - Gobain vẫn giữ sự lạc quan thận trọng cho một kịch bản tốt với ngành trong năm tới. Đồng thời luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thích nghi và tìm kiếm cơ hội trong một bối cảnh đầy thách thức.

Theo Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 mới đạt 52,43% kế hoạch tương ứng tỷ lệ 58,33%, thấp hơn 5,53% svck 2021. Trong đó, vốn trong nước đạt 60,25%, thấp hơn 8,94% svck; vốn nước ngoài đạt 27,99%, cao hơn 6,48% svck.