Ước xuất khẩu cá tra đạt tỷ USD trong 7 tháng, kỳ vọng 1,8 tỷ USD cho cả năm có khả thi?

Lạc Lạc 11:14 | 23/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn tiếp tục sụt giảm trong tháng 7/2023. Do đó, tính lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giảm 26%, đạt 4,9 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu các nhóm mặt hàng chủ lực (trong đó có cá tra) đều giảm.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 7, xuất khẩu  cá tra đạt 70 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Tính đến hết 15/7, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt 942 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính xuất khẩu mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm nay sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD. 

 Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản chủ lực đều giảm trong 7 tháng đầu năm. Ảnh: Vasep

Đáng chú ý, các thị trường trọng tâm như Trung Quốc đại lục, Hồng Kông (Trung Quốc) và Mỹ đang có những tín hiệu tích cực hơn. Nếu theo kịch bản lạc quan, thị trường tiến triển thuận lợi, người nuôi có nguồn vốn tốt, các nhà sản xuất tiếp tục trụ vững thì xuất khẩu cá tra cả năm nay có thể đạt 1,77 tỷ USD, giảm hơn 0,5 tỷ USD so với dự kiến ban đầu là 2,3 tỷ USD.

Tính đến hết ngày 15/7, tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 32%, kim ngạch đạt 301 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022. Nửa đầu tháng 7, thị trường này nhập khẩu hơn 20 triệu USD cá tra Việt Nam. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường này có thể đạt 337 triệu USD, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2022. 

Từ năm 2020 đến nay,Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) luôn duy trì vị trí số 1 về tiêu thụ cá tra Việt Nam, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Mỹ vẫn duy trì vị trí số 2 trong thời gian gần đây. Quốc gia này đã nhập khẩu gần 150 triệu USD cá tra từ Việt Nam tính đến hết 15/7, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 16% tỷ trọng. Ước tính, xuất khẩu sang thị trường này 7 tháng đầu năm nay có thể đạt 162 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng đã có tín hiệu tích cực hơn khi khoảng cách sụt giảm đã dần thu hẹp. Nếu như xuất khẩu sang Mỹ tháng 4 giảm 66%, tháng 5 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 thì tháng 6 mức giảm này thu hẹp còn 15%. 

Ngoài ra, khối thị trường CPTPP và EU  vẫn duy trì đứng thứ 3 và 4 về nhập khẩu cá tra Việt Nam khi giá trị xuất khẩu tính đến 15/7, đạt lần lượt là 125 triệu USD (giảm 37%) và 96 triệu USD (giảm 21%) so với cùng kỳ năm 2022. Singapore và Đức vẫn là các điểm sáng khi tiếp tục ghi nhận tăng trưởng dương 3% và 32% trong khi hầu hết các thị trường đơn lẻ đều giảm.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu cá tra trong nửa đầu năm nay gặp nhiều khó khăn do những biến động của thế giới, tác động lạm phát giá thực phẩm cũng như xung đột Nga-Ukraine. Nửa cuối năm 2023, tỷ lệ sụt giảm sẽ thu hẹp dần so với cùng kỳ. Thêm vào đó, nhu cầu tích cực hơn khi bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn cũng sẽ giúp xuất khẩu cá tra Việt Nam có nhiều đơn đặt hàng hơn.

Theo thông tin từ Vĩnh Hoàn  (mã: VHC), kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này sang thị trường Mỹ đã giảm 18% trong tháng 7 vừa qua và liên tục giảm trong những tháng đầu năm nay do sức mua yếu. Tuy nhiên, các đơn hàng đang có dấu hiệu hồi phục tại các thị trường nhỏ hơn như Liên minh châu Âu (EU) (tăng 22%), Trung Quốc (tăng 13%) và các thị trường còn lại tăng 20% so với hồi tháng 7/2022.

Tính chung 7 tháng đầu năm nay, doanh thu của Vĩnh Hoàn đã giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do doanh thu mảng cá tra suy giảm tới 51% trong bối cảnh nhu cầu tại tất cả các thị trường trọng điểm đều sụt giảm. Trong đó, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc và EU trong 7 tháng đầu năm nay đã lần lượt giảm 54%, 30% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vasep đánh giá, cuối năm là dịp cao điểm của xuất khẩu thuỷ sản, khi các thị trường chính bước vào mùa lễ hội cuối năm, tồn kho cũng đã giảm và các nhà bán lẻ bắt đầu tích trữ hàng trở lại. Với thị trường trong nước, nhu cầu cũng đang có sự hồi phục hơn. Đơn đặt hàng của một số doanh nghiệp trong quý III đang dần cải thiện so với quý II, kỳ vọng xuất khẩu cá tra những tháng cuối năm sẽ tốt lên và mục tiêu thu về 1,8 tỷ USD từ xuất khẩu cá tra hoàn toàn có thể thực hiện được.