Vì sao con gái bầu Đức tiếp tục đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu HAG?
Con gái ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HoSE: HAG) là bàĐoàn Hoàng Anh vừa đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu nhằm tăng sở hữu. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn, dự kiến từ ngày 27/9 đến ngày 26/10.
Nếu giao dịch được thực hiện thành công đợt bà Hoàng Anh sẽ nâng số lượng cổ phiếu HAG nắm giữ từ 4 triệu đơn vị (tỷ lệ 0,43%) lên 8 triệu đơn vị (0,86%).
Trước đó cá nhân này lần đầu mua vào 4 triệu cổ phiếu HAG vào trong khoảng thời gian từ ngày 11/8 đến 20/8. Một số thành viên khác trong gia đình cũng nắm lượng nhỏ cổ phần như bà Nguyễn Thị Thơm (mẹ ruột ông Đức) nắm 150.375 cổ phiếu; ông Đoàn Nguyên Thịnh (em trai) nắm 488.934 cổ phiếu; ông Lê Văn Kế (em rể) nắm 320.620 cổ phiếu… Như vậy tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm gia đình bầu Đức hiện vào khoảng gần 35,1% cổ phần công ty.
Được biết, bầu Đức có 3 người con, trong đó con gái cả là Đoàn Hoàng Anh, hai người con sau là Đoàn Hoàng Nam và Đoàn Hoàng Nam Anh. Cả 3 đều được vợ ông nuôi dạy và sinh sống tại Singapore từ khi còn nhỏ.
Lần đầu tiên thông tin về Đoàn Hoàng Anh xuất hiện trên truyền thông là vào năm 2014. Khi đó, cô tham gia buổi lễ khởi công xây dựng một công trình lớn của HAGL tại Myanmar.
Cô con gái đầu lòng vị tỷ phú này sang Singapore từ năm 11 tuổi, đã tốt nghiệp đại học, từng làm cho một ngân hàng nước ngoài và giờ về Việt Nam cùng con của bầu Thắng chuỗi Cà phê Ông Bầu. Hai người em cũng sang đó học từ hồi 5 tuổi và 2 tuổi.
Theo bầu Đức, lý do ông muốn con cái đi học ở nước ngoài không chỉ vì môi trường giáo dục tốt mà còn để cho con tự lập, tránh được tiếng con của đại gia. Singapore là nước có môi trường tốt, kỷ luật, gần gũi với Việt Nam.
Ông Đức từng chia sẻ: "Con gái tôi kể: "Bạn bè con nhiều đứa bảo chẳng cần vào đại học cũng giàu, như Bill Gates, như ông Đức". Nhưng các cháu không biết rằng cơ hội vẫn dành cho số đông đến từ chuyện học hành nghiêm túc".
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Cà phê Ông Bầu được thành lập vào cuối tháng 11/2019, trụ sở tại quận 4, TP.HCM và vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. Trong đó Đoàn Hoàng Anh và Võ Quốc Lợi, con trai bầu Thắng, giữ tỷ lệ sở hữu mỗi người là 24,5%. Cá nhân còn lại là bà Trần Thị Kim Oanh nắm 51% vốn.
Cà phê ông Bầu có tốc độ phát triển ấn tượng nhờ đi theo hướng nhượng quyền. Tính đến thời điểm cuối tháng 11/2020, chuỗi cà phê này đã có gần 150 điểm bán đi vào hoạt động tại hơn 30 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG) vừa có văn bản giải trình bổ sung một vài vấn đề liên quan tới BCTC soát xét bán niên 2021.
Theo đó, nửa đầu năm, lãi sau thuế đã kiểm toán giảm gần 10 tỷ đồng so với báo cáo tự lập về còn hơn 8 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giá vốn trong kỳ được điều chỉnh tăng, liên quan đến phân bổ giá trị hợp lý của các tài sản trên khía cạnh hợp nhất.
Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của HAGL hơn 18 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 1.155 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thoái vốn Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) dẫn tới lỗ lũy kế tăng thêm 1.013 tỷ đồng, theo đó lỗ lũy kế tại ngày 30/6 lên gần 7.372 tỷ đồng.
Theo giải trình về vấn đề này, ngày 8/1, HAGL Agrico chính thức không còn là công ty con của HAGL. Tại ngày mất quyền kiểm soát, HAGL đã ghi nhận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất giữa niên độ khoản lỗ 1.013 tỷ vào phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của các năm trước, liên quan tới các giao dịch vốn trước đây đối với cổ đông không kiểm soát đã làm giảm tỷ lệ sở hữu của tập đoàn trong HAGL Agrico mà không làm mất quyền kiểm soát.
Phía HAGL giải trình căn cứ vào các quy định hiện hành và Thông tư 202 của Bộ Tài chính: "Trường hợp trước đây công ty mẹ đã thoái một phần vốn tại công ty con và đã ghi nhận kết quả từ việc thoái phần vốn đó trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của bảng cân đối kế toán hợp nhất, nay thoái thêm một phần vốn đầu tư tại công ty con dẫn đến mất quyền kiểm soát thì công ty mẹ phải kết chuyển phần lãi, lỗ đã ghi nhận trước đây trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sang báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất."
Ban Tổng giám đốc đã tiến hành rà soát các nghiệp vụ thoái vốn liên quan đến HAGL Agrico từ các năm trước đã ghi nhận vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để kết chuyển sang báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất tại thời điểm mất quyền kiểm soát. Do đó, HAGL ghi nhận lỗ luỹ kế tăng thêm 1.013 tỷ đồng theo báo cáo tài chính soát xét đã công bố.