Sau 8 năm, Eximbank sẽ chia cổ tức cho cổ đông

Đông Bắc 14:18 | 17/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa thông qua nghị quyết chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% từ lợi nhuận sau thuế 2017-2021. Kể từ 2014 đến nay, đây là lần đầu tiên cổ đông của Eximbank được chia cổ tức.

Hội đồng quản trị ngân hàng Eximbank (EIB) vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giai đoạn 2017-2021. Thời gian hoàn thành tăng vốn trong quý III.

Lần gần nhất Eximbank trả cổ tức là mức 4% bằng tiền mặt hồi giữa năm 2014. Trong khi lần tăng vốn gần nhất là mức thưởng cổ phiếu 17% hồi cuối năm 2011, tức cách đây đã hơn một thập kỷ. Dự kiến, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu của Eximbank sẽ hoàn thành trước quý III năm nay.

Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành thêm hơn 245,8 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên hơn 14.810 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên sau chục năm nhà băng này tăng được vốn điều lệ. Lần tăng vốn gần nhất là năm 2011 - Eximbank chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 17%.

Cùng với kế hoạch tăng vốn, ngân hàng cũng thông qua phương án chào bán trái phiếu riêng lẻ và phát hành trái phiếu tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền năm 2022.

Hiện tại, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đang là cổ đông lớn nắm giữ 185,3 triệu cổ phiếu EIB, tương đương tỷ lệ sở hữu 15% so với vốn điều lệ. Nhà băng này cũng đã kín room ngoại khi tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư đã chạm ngưỡng 30% vốn điều lệ. Trong đó có một số cổ đông ngoại khác như Halley Six Limited (4,93%), MR Exim Investments Limited (tỷ lệ sở hữu 4,52%), Lafelle Limited (3,49%), Education Management Holdings Limited (1,32%)...

Việc chia cổ tức nằm trong chuỗi diễn biến mới tại Eximbank cho thấy bước chuyển tại nhà băng này. Sau nhiều năm lục đục, bộ máy hội đồng quản trị ngân hàng đã được kiện toàn gần đây và tổ chức thành công đại hội thường niên 2022, thông qua nhiều tờ trình quan trọng.

Chủ tịch Eximbank - bà Lương Thị Cẩm Tú - nói Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới đạt được tiếng nói chung, cùng mục tiêu đưa ngân hàng trở lại top 10 sau nhiều năm sa sút so với các đối thủ.

Tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và dự kiến sau khi tăng vốn.

Năm 2022, ngân hàng này cũng dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ cao hơn nhiều hơn 2021 do kế hoạch lợi nhuận đề ra tăng 107,5% so với thực hiện 2021.

Năm nay, lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 107,5% so với năm trước. Tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng, tăng gần 8%.

Dư nợ tín dụng (dư nợ cho vay + trái phiếu doanh nghiệp) năm 2022, lên kế hoạch đạt 127.149 tỷ đồng, tăng 10%. Đây là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo, Eximbank sẽ xin phép điều chỉnh hạn mức trong điều kiện thuận lợi.

Eximbank cũng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 1,7%. Huy động vốn tổ chức kinh tế và dân cư mục tiêu đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 7,4%.

Eximbank dự ước lợi nhuận trước thuế quý II/2022 tăng so với quý đầu năm nay. Trước đó, báo cáo tài chính quý I/2022 của Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 809 tỷ đồng, cao gấp gần ba lần cùng kỳ nhờ giảm trích dự phòng.

Theo đó, thu nhập lãi thuần quý I/2022 của Eximbank đạt gần 1.245 tỷ đồng, tăng 52,3% so quý cùng kỳ. Lãi thuần kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư tăng lần lượt 60,9% và 94,8% so với cùng kỳ.

Đến hết quý I/2022, tổng tài sản của ngân hàng tăng 3,9% đạt 172.343 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 6,9% đạt 122.553 tỷ đồng. Số dư tiền gửi của khách hàng tăng trưởng 1,2% đạt 139.249 tỷ đồng.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/6, cổ phiếu EIB giảm nhẹ 0,33% xuống mức 30.600 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 477.700 đơn vị.