VIB: Tăng trưởng lợi nhuận ròng sẽ giảm tốc trong năm 2023

Trang Nguyễn 07:50 | 04/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT đã công bố báo cáo phân tích về Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Theo đó, 2022 là một năm khá rực rỡ với ngân hàng này khi có mức lợi nhuận tăng mạnh. Tuy nhiên, VNDIRECT dự báo rằng tăng trưởng lợi nhuận ròng của VIB sẽ giảm tốc trong năm 2023.

Theo báo cáo được VNDIRECT công bố mới đây (28/12/2022), lợi nhuận ròng trong quý III/2022 của VIB đạt 2.233 tỷ đồng, tăng 101,5% so với cùng kỳ. Điều này là do tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) cải thiện mạnh mẽ và thu nhập từ phí phục hồi trở lại từ mức nền thấp trong quý III/2021 (do ảnh hưởng bởi COVID-19). Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần ghi nhận 11.051 tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng của VIB đạt 6.252 tỷ đồng, tăng 46,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 78% dự phóng của VNDIRECT.

Đến cuối quý III/2022, dư nợ tín dụng tăng 12,6% so với đầu năm. Lãi ròng năm 2022 của VIB được dự báo sẽ tăng 30% so với cùng kỳ nhờ NIM cải thiện, thu nhập từ phí tăng mạnh và chi phí tín dụng giảm. 

 

Đánh giá bảng cân đối kế toán, tính đến cuối quý III/2022, tài sản sinh lời của VIB tăng 10,1% so với đầu năm 2022. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 12,2% so với đầu năm, chiếm 69% trong cơ cấu tài sản sinh lời (IEA) của ngân hàng, cao hơn mức 67% của năm 2021. VIB ghi nhận thay đổi lớn trong cơ cấu IEA khi danh mục cho vay liên ngân hàng chiếm 14,5% tổng IEA, cao hơn so với mức 9,5% cuối 2021. Hiện VIB vẫn đang là bên vay ròng trên thị trường liên ngân hàng.

Bên cạnh đó, mảng cho vay tăng trưởng 12,2% so với đầu năm, điều này được thúc đẩy bởi cho vay bán lẻ (tăng 18,9% so với đầu năm – chiếm 89% danh mục cho vay). Cho vay mua nhà là động lực tăng trưởng chính của mảng cho vay bán lẻ. Mảng này đã tăng 22,4% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 46%, cao hơn mức 42% vào cuối năm 2021. 

Tăng trưởng tín dụng hệ thống đang chững lại do kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là những ưu tiên hàng đầu trong năm 2022 và giai đoạn 2023 - 2024. Tăng trưởng tín dụng của VIB đạt 12,6% so với đầu năm. VIB cho biết ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng hiện có, và khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt mức 14,5% so với cùng kỳ.

Hiện, cho vay mua nhà là mảng cho vay chính của VIB, chiếm xấp xỉ 46% danh mục cho vay. Đây là động lực giúp VIB cải thiện NIM trong 9 tháng đầu năm 2022. Lãi suất vay mua nhà đã tăng mạnh từ nửa cuối 2022 và đạt khoảng 12% cuối quý III/2022, cao hơn so với mức 10% năm 2021. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi tín dụng vẫn hạn hẹp và việc phát hành trái phiếu ngày càng khó khăn, lãi suất vay mua nhà đã tiếp tục tăng mạnh và chạm mức 15-16% tính đến thời điểm cuối tháng 12/2022. Bối cảnh lãi suất và giá nhà cao như vậy sẽ làm giảm nhu cầu mua nhà một cách đáng kể, dẫn đến khả năng triển khai cho vay của VIB có thể sẽ chậm lại.

Ngoài ra, tình hình cho vay bất động sản (BĐS) đã chậm lại rõ rệt do đây thường là các khoản vay trung và dài hạn. Theo Thông tư 08/2020, tỷ lệ tối đa lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống 34% từ ngày 1/10/2022 trở đi. Do đó, các ngân hàng sẽ phải chú ý nhiều hơn đến việc quản lý rủi ro thanh khoản và do đó sẽ không để dư nợ cho vay BĐS tăng lên quá mạnh. Đồng thời, do BĐS có tỷ lệ rủi ro cho vay rất cao là 200%, dẫn đến các ngân hàng cũng đã và đang hạn chế cho vay BĐS để bảo đảm an toàn vốn và chất lượng tài sản.

Khi nhiều cuộc kiểm tra và đánh giá rủi ro đối với mỗi ngân hàng sẽ được thực hiện nhiều hơn, các ngân hàng có danh mục cho vay bất động sản cao sẽ khó thúc đẩy tăng trưởng cho vay trong năm 2023 - 2024. VIB cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.

Cần thận trọng trong năm 2023

Do những trở ngại của ngành và sự giám sát chặt chẽ trên thị trường trái phiếu và BĐS, tăng trưởng lợi nhuận ròng của VIB được dự báo sẽ chậm lại trong giai đoạn 2023 - 2024. Cụ thể, theo VNDIRECT, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 10 - 15% trong 2023 - 2024. NIM sẽ giảm khoảng 12 điểm cơ bản trong 2023, từ mức xấp xỉ 4,6% trong 2022. VNDIRECT kỳ vọng lãi ròng của VIB sẽ tăng 15-18% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2023 - 2024. 

Báo cáo kết quả kinh doanh dự phóng của VIB giai đoạn 2023 - 2024 (Ảnh: VNDIRECT)

Đồng thời, VIB được đánh giá là vị thế tốt trong xu hướng phát triển ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. VIB đã tận dụng việc dân số Việt Nam phần lớn vẫn chưa tiếp cận nhiều với dịch vụ ngân hàng, tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP thấp và mức độ thâm nhập thấp đến các sản phẩm ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam để tối đa hóa khả năng cho vay thế chấp và vay mua ô tô của mình. Nhờ đó, VIB đã đạt tốc độ tăng trưởng kép mạnh mẽ trong 5 năm gần nhất là 28% về tổng tài sản và 62% về lãi ròng; thuộc top 5 ngân hàng có tỷ suất sinh lời tốt nhất với NIM trung bình là 4,1% và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình là 29% trong giai đoạn 2019 - 2021.

Bảng cân đối kế toán dự phóng của VIB giai đoạn 2023 - 2024 (Ảnh: VNDIRECT)

Để phản ánh những khó khăn của ngành ngân hàng, VNDIRECT hạ chỉ số Price-to-Book (P/B) mục tiêu cho VIB từ 2,0 lần xuống 1,5 lần (tương đương -1 độ lệch chuẩn trung bình 3 năm). Cùng với tỷ trọng 50% của phương pháp thu nhập thặng dư, VNDIRECT đưa ra giá mục tiêu mới là 27.000 đồng/cổ phiếu, giảm 21,5% so với giá mục tiêu trước.

Mặc dù đã phản ánh những tiêu cực nói trên, định giá của VIB vẫn ở mức rất thấp, với P/B 2023 là 1,1 lần, thấp hơn so với trung bình 3 năm là 1,5 lần. Rủi ro giảm giá bao gồm lãi suất tăng cao hơn dự kiến, nợ xấu tăng cao hơn dự kiến và khó khăn trên thị trường bất động sản kéo dài.