Việt Nam xếp thứ 2 về Chỉ số Phục hồi COVID-19
Chỉ số phục hồi từ COVID-19 của Nikkei đánh giá các quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên những tiêu chí như kiểm soát dịch bệnh, triển khai vaccine và tính di động của người dân. Xếp hạng càng cao đồng nghĩa càng tiệm cận triển vọng phục hồi mạnh mẽ nhờ tỷ lệ ca nhiễm và tử vong thấp hơn, độ bao phủ vaccine rộng rãi hơn và các hạn chế di chuyển ít bị áp dụng hơn.
Theo bảng xếp hạng chỉ số phục hồi mới nhất mà Nikkei công bố, quốc gia láng giềng Campuchia xếp ở vị trí đầu tiên, tăng một bậc so với bảng xếp hạng hồi tháng 3, trong khi Việt Nam bám đuổi ngay sau ở vị trí thứ hai, tăng tới 13 bậc so với trước đó.
Hiện tại, số liệu từ Bộ Y tế cho thấy trong tháng 6, trung bình mỗi ngày, Việt Nam chỉ ghi nhận khoảng 600-700 ca nhiễm COVID-19 với tỷ lệ tử vong là khoảng 0,02%, cải thiện đáng kể so với tháng 5.
Việc Campuchia và Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng phục hồi với điểm số lần lượt 78 điểm và 76,5 điểm là tín hiệu phản ánh việc các nước ASEAN đang dần trở lại đường đua phục hồi sau đại dịch bằng việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế - xã hội rộng rãi.
Một số quốc gia khác trong khu vực cũng ghi nhận chỉ số phục hồi cải thiện đáng kể. Chẳng hạn, Thái Lan tăng vọt 36 bậc lên vị trí thứ 53 sau khi dỡ bỏ mọi yêu cầu kiểm dịch với du khách nhập cảnh vào đầu tháng này. Indonesia cũng xếp hạng 53 tương tự, tăng 43 bậc so với xếp hạng trước đây mặc dù Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo đã bắt đầu cảnh báo về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch mới do sự xuất hiện các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của chủng Omicron.
Một quốc gia láng giềng khác của Việt Nam là Trung Quốc xếp ở vị trí 38 sau khi nước này giảm thời gian cách ly với du khách nhập cảnh từ 21 ngày xuống còn 10 ngày. Tuy nhiên, trong nước, nhiều địa phương vẫn thực thi các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt như phong tỏa một phần hay xét nghiệm hàng loạt.
Dù đa số các nền kinh tế đều đang ghi nhận sự cải thiện tốc độ phục hồi, Nikkei cảnh báo các mối lo ngại về sự bùng phát dịch do các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của chủng Omicron đang ngày càng hiện hữu. Tại Việt Nam, trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5 đầu tiên đã được phát hiện vào cuối tháng 6 vừa qua.