Vietnam Airlines có lãi trước thuế trở lại

Đông Bắc 09:35 | 01/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau 3 năm (12 quý) lỗ liên tiếp, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 19 tỷ đồng trong quý I/2023.

 

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với doanh thu đạt 23.640 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, đây là mức doanh thu cao nhất của hãng hàng không này kể từ quý I/2020 (khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát). Mức doanh thu kể trên cũng đã tiệm cận kết quả hãng ghi nhận được trong các quý kinh doanh năm 2019 - giai đoạn trước dịch.

Nhờ nguồn thu tăng mạnh, Vietnam Airlines ghi nhận mức lãi gộp đạt 1.959 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 vẫn lỗ gộp gần 1.600 tỷ đồng. Tương đương chỉ tiêu doanh thu, đây cũng là mức lãi gộp tích cực nhất mà hãng hàng không quốc gia ghi nhận được kể từ năm 2020 đến nay.

 Vietnam Airlines có lãi trước thuế. Ảnh HVN.

Trong quý vừa qua, doanh thu hoạt động tài chính của hãng bay này cũng tăng gấp 3,5 lần, lên 366 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá trong kỳ.

Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính tăng 46%, tiêu tốn của doanh nghiệp 773 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 187%, ngốn 1.048 tỷ đồng; và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 23%, lên 482 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí, hãng bay này ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I đạt 19,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 2.600 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên Vietnam Airlines có lãi trước thuế dương kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát (năm 2020). Dù vậy, lợi nhuận sau thuế Vietnam Airlines vẫn âm 37,3 tỷ đồng.

Khoản lỗ ròng của công ty mẹ được giảm bớt còn 104 tỷ đồng, so với mức lỗ ròng 2.613 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tại thời điểm 31/3, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vẫn âm 10.239 tỷ đồng, với khoản lỗ lũy kế hơn 34.300 tỷ đồng.

Vietnam Airlines lý giải kết quả kinh doanh với những con số tích cực kể trên nhờ khai thác hiệu quả dịp Tết Âm lịch, thị trường quốc tế phục hồi, đặc biệt là Trung Quốc dần nới lỏng chính sách kiểm soát dịch bệnh. Tại các thị trường như Mỹ, châu Âu và Australia, hệ số sử dụng ghế cao. Vietnam Airlines đã phải tiến hành tăng tải ở các giai đoạn cao điểm để phục vụ hành khách.

Riêng công ty mẹ Vietnam Airlines vận chuyển 5,1 triệu lượt khách trong quý I, tăng 63% so với cùng kỳ 2022. Trong đó khách quốc tế đạt 1,4 triệu lượt, gấp 11,5 lần cùng kỳ năm ngoái và tương đương 60,9% cùng kỳ 2019. Sản lượng khách nội địa tăng trên 23% lên 3,7 triệu lượt.

Vietnam Airlines cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí và đàm phán giảm giá dịch vụ. Đồng thời, các phi phí đầu vào đi xuống cũng góp phần giúp hãng cải thiện hiệu quả kinh doanh. Trong đó, giá xăng Jet A1 bình quân 3 tháng đầu năm ở mức 110,69 USD mỗi thùng, giảm 8,05 USD so với kế hoạch hãng đặt ra đầu năm. Tương tự, tỷ giá USD/VND bình quân quý I cũng thấp hơn dự tính của hãng. Vietnam Airlines ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá hơn 343 tỷ trong kỳ.

Dù phục hồi tích cực, Vietnam Airlines nhận định khó khăn, rủi ro với công ty thời gian tới là rất lớn. Theo hãng bay này, thị trường quốc tế vẫn kém gần 40% mức trước đại dịch. Giá nhiên liệu tuy đã bình ổn, nhưng còn neo ở mức cao. Cụ thể, giá xăng Jet A1 cao hơn 15,56 USD một thùng so với bình quân 3 tháng đầu năm 2022. Chi phí lãi vay của Vietnam Airlines cao hơn 57% so với cùng kỳ 2022 do lãi suất tăng.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã quyết định đưa cổ phiếu HVN vào diện cảnh báo từ ngày 25/4. Lý do là vì Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.